Thời gian qua, khoai lang tím gặp khó khăn trong tiêu thụ. Ảnh: Mỹ Lý
Tính đến hết tháng 6, tổng diện tích gieo trồng của tỉnh đạt 517.484ha, bằng 88,81% kế hoạch năm. Theo đó, diện tích gieo trồng lúa ước đạt trên 453.000ha thu hoạch là 286.000ha, năng suất bình quân ước đạt 69,4 tạ/ha với sản lượng đạt 1,98 triệu tấn. Trên tinh thần từng bước áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên giá thành canh tác lúa tiếp tục giảm từ 109 - 145 đồng/kg. Cộng với giá bán cao hơn từ 904 – 1.253 đồng/kg so cùng kỳ nên lợi nhuận trung bình nông dân thu được khoảng 28 – 29,5 triệu đồng/ha, tăng khoảng 8,5 – 9,7 triệu đồng/ha so với cùng kỳ. Dự báo trong 6 tháng tới, tổng sản lượng thu hoạch ước đạt gần 1.900.000 tấn.
Đến nay, hoa màu và cây công nghiệp ngắn ngày xuống giống đạt gần 29.300ha, tăng 2,2% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trung bình từ 18,5-302 triệu đồng/ha, tăng bình quân khoảng 17,45 triệu đồng/ha. Hiện nay, khoai lang và ớt đang vào mùa thu hoạch. Dự kiến đến tháng 8/2021, tổng sản lượng khoai là 16.521 tấn và gần 40.900 tấn ớt. Đến hết tháng 9/2021, sản lượng rau màu khác ước đạt 443.878 tấn.
Tổng diện tích gieo trồng cây lâu năm trong 6 tháng đầu năm là 35.130ha, tăng gần 5,9% so cùng kỳ. Giá bán đa số các loại trái cây tại vườn giảm từ 1.000 – 11.000 đồng/kg, lợi nhuận trung bình từ 58–230 triệu đồng/ha, giảm bình quân khoảng 88,5 triệu đồng/ha so với cùng kỳ.
Đối với tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển ổn định. Tổng đàn được duy trì ở mức tương đương đến cao hơn cuối năm 2020. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt trên 22.800 tấn, tăng 5,7% so cùng kỳ, tương ứng 1.230 tấn; sản lượng trứng gia cầm đạt 137 triệu quả, tăng 6,16% so với cùng kỳ, tương ứng 7,95 triệu quả. Theo đó, lợi nhuận trung bình từ sản phẩm thịt hơi khoảng 1.321 – 13.800 đồng/kg và khoảng 70 đồng đối với trứng gia cầm. Dự báo, từ nay đến cuối năm 2021, sản lượng thịt hơi ước đạt từ 3.800 – 4.500 tấn/tháng và ước thu hoạch 22.800 – 26.750 quả trứng/tháng.
Riêng diện tích thả nuôi thủy sản là 3.710ha, giảm 16,16% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 715ha. Tổng sản lượng thủy sản đạt 229.378 tấn, bằng 39% kế hoạch; tăng 0,19% so với cùng kỳ, tương ứng tăng 440 tấn. Trong đó, sản lượng cá tra đạt 193.000 tấn, giảm 1,9%. Dự báo từ nay đến tháng 9/2021, sản lượng thu hoạch thủy sản các loại từ 47.000 – 50.000 tấn/tháng, trong đó sản lượng cá tra thu hoạch bình quân 40 ngàn tấn/tháng.
Theo Sở NN&PTNT, trước sự tác động của dịch bệnh Covid-19, khiến việc sản xuất và tiêu thụ nông sản gặp một số khó khăn vướng mắc. Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng đến các hoạt động quản lý điều hành tổ chức sản xuất và kinh doanh nông sản. Tình hình tiêu thụ nông sản khá ổn định nhưng với giá thấp, nông dân giảm lợi nhuận so với trước. Một số nông sản như mít, khoai lang, ớt lệ thuộc thị trường Trung Quốc nên giá cả giảm sâu, người dân thậm chí bị thua lỗ.
Bên cạnh đó, giá vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi và thủy sản tăng, làm tăng giá thành sản phẩm. Giá phân bón tăng 40 – 50%, thuốc bảo vệ thực vật tăng 15 – 20%, giá thức ăn chăn nuôi tăng 50.000 đồng/bao. Đa số các doanh nghiệp (DN) đang gặp khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Cụ thể như giá thành sản xuất tăng cao do phát sinh các chi phí vận chuyển, lưu kho, tạm trú; đồng thời chịu áp lực về tín dụng, lãi suất, thuế và các khoản chi phí khác. Mặt khác, việc lưu thông, xuất nhập khẩu, tiêu thụ hàng hóa cũng gặp trở ngại trong khâu giao nhận, vận tải. Hệ thống kho lạnh bảo quản sản phẩm tươi, đông lạnh gặp khó khăn một khi tình trạng dịch bệnh diễn biến phức tạp và giãn cách xã hội kéo dài.
Nhận diện trước tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, ngành nông nghiệp đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong thời gian tới. Theo đó, tiếp tục theo dõi tình hình sản xuất và tiêu thụ nông sản; thường xuyên cập nhật thông tin về sản lượng nông sản trước kỳ thu hoạch để có định hướng tiêu thụ kịp thời. Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp với Sở Công Thương xây dựng phương án tiêu thụ nông sản trong điều kiện Covid-19, khảo sát vùng nguyên liệu và kết nối tiêu thụ giữa nông dân, hợp tác xã (HTX) và DN xúc tiến thương mại mặt hàng nông sản, thủy sản của tỉnh.
Ngành nông nghiệp phối hợp với các ngành có liên quan cập nhật tình hình xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu, lối mở trên địa bàn tỉnh với nước bạn (Trung Quốc, Campuchia) và hàng hóa của tỉnh xuất khẩu các nước thông qua đường chính ngạch. Tham mưu UBND tỉnh giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các HTX nông nghiệp, DN.
Hướng đến sự phát triển trong thời buổi công nghệ 4.0, ngành nông nghiệp cũng đề ra giải pháp tập huấn cho nông dân, HTX và DN vừa và nhỏ nhằm nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số cơ bản về marketing, quảng bá, bán hàng, tìm kiếm khách hàng và chăm sóc khách hàng. Đồng thời tư vấn nhãn hiệu, bao bì, thương mại điện tử để tìm kiếm, liên kết, tìm đầu ra cho sản phẩm, chủ động kết nối với các siêu thị lớn, các công ty trong và ngoài tỉnh tiêu thụ nông sản.
Mặt khác, đẩy mạnh công tác bán hàng qua kênh thương mại điện tử nhằm hạn chế việc mua sắm, tập trung nơi đông người tránh lây lan dịch. Phát huy các hình thức liên doanh, liên kết giữa nông dân, các HTX nông nghiệp với doanh nghiệp; giữa HTX nông nghiệp với HTX nông nghiệp và nông dân. Ứng dụng công nghệ số trong quản lý và điều hành sản xuất nông nghiệp; xây dựng mã vùng trồng và vùng nông sản an toàn tập trung gắn kết tiêu thụ và truy xuất nguồn gốc nông sản.
Hướng đến sự phục hồi sản xuất trước tình hình dịch bệnh, Sở NN&PTNT kiến nghị Chính phủ và các cơ quan Trung ương có chính sách hỗ trợ tín dụng cho DN. Nhất là DN vừa và nhỏ để ổn định sản xuất; xem xét hỗ trợ DN giảm thuế, giãn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất. Đề nghị Bộ NN&PTNT đẩy nhanh đàm phán với phía Trung Quốc về xuất khẩu chính ngạch đối với các sản phẩm nông sản của tỉnh (khoai lang, ớt, xoài...). Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức các chương trình kết nối giao thương quốc tế bằng hình thức trực tuyến, đàm phán với các nước để mở rộng thị thường; giới thiệu các đối tác nước ngoài đang có nhu cầu nhập khẩu đến địa phương. Mặt khác, hỗ trợ địa phương đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất; nâng cao năng lực bảo quản chế biến nhằm gia tăng giá trị nông sản và thực hiện chuỗi liên kết ngành hàng chủ lực của địa phương...
Theo Y DU (Báo Đồng Tháp)