Khóm Queen Cầu Đúc đạt chuẩn GlobalGAP: “Lên đời” nông sản chủ lực

27/01/2023 - 18:18

Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học công nghệ và áp dụng tiêu chuẩn GlobalGAP để phát triển vùng chuyên canh khóm ở Hậu Giang” triển khai trên địa bàn thành phố Vị Thanh đã xây dựng được những diện tích khóm Queen Cầu Đúc đầu tiên đạt chuẩn GlobalGAP trên địa bàn tỉnh, đưa loại nông sản đặc trưng này lên tầm cao mới.

A A

Thành phố Vị Thanh vận động người dân tiếp tục nhân rộng mô hình trồng khóm theo tiêu chuẩn GlobalGAP.

Niềm vui và kỳ vọng

Khóm Queen Cầu Đúc là một trong những loại nông sản đặc trưng của tỉnh. Thời gian qua, loại cây trồng này đã nhận được nhiều sự hỗ trợ, đầu tư phát triển của các cấp, các ngành.

Nhiều đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đã được triển khai trên loại cây này. Nhờ đó, đã có những diện tích khóm được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Năm 2020, khóm Cầu Đúc đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Khóm Cầu Đúc Hậu Giang”, góp phần khẳng định thương hiệu và giá trị của loại cây này.

Thành phố Vị Thanh là nơi bắt nguồn của thương hiệu khóm Cầu Đúc có bề dày lịch sử hàng trăm năm. Trên địa bàn thành phố hiện có hơn 2.380ha đất trồng khóm và có chiều hướng tăng trong thời gian tới. Xác định cây khóm là một trong hai loại cây chủ lực, thành phố tập trung mở rộng diện tích, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị của sản phẩm khóm. Từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ, năm 2019, thành phố đã triển khai thực hiện dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học công nghệ và áp dụng tiêu chuẩn GlobalGAP để phát triển vùng chuyên canh khóm ở Hậu Giang”.

Dự án do TS. Nguyễn Thị Kiều, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Ứng dụng Khoa học công nghệ tỉnh làm chủ nhiệm. Triển khai dự án, ban chủ nhiệm đã hỗ trợ nông dân của Hợp tác xã Nông nghiệp Thạnh Thắng (xã Hỏa Tiến) và Hợp tác xã Nông nghiệp - Thương mại dịch vụ Thạnh Tiến (xã Tân Tiến) canh tác khóm dựa trên một số tiêu chuẩn GlobalGAP. Tập huấn cho nông hộ về kỹ thuật xây dựng cơ sở vật chất, an toàn vệ sinh thực phẩm, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, sơ cấp cứu, kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản theo tiêu chuẩn GlobalGAP.

Từ những hoạt động đó, dự án đã xây dựng thành công 20ha đất trồng khóm được chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Đây là diện tích khóm Queen Cầu Đúc đầu tiên của tỉnh đạt được tiêu chuẩn này. Ông Trần Văn Bá, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp - Thương mại dịch vụ Thạnh Tiến, phấn khởi chia sẻ: “Bản thân tôi và các thành viên của hợp tác xã đều rất mừng khi được chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP này. Vì khi đạt chuẩn, khóm của hợp tác xã có thể xuất được ra nước ngoài, giá cả sẽ cao hơn và cuộc sống gia đình xã viên ổn định hơn”.

Khởi đầu cho khóm vươn xa

Bên cạnh việc xây dựng mô hình khóm đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, dự án còn thực hiện nhiều hoạt động trợ lực cho người trồng khóm trên địa bàn. Dự án đã thử nghiệm mã vạch QR code để truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm khóm theo công nghệ Blockchain. Đăng ký nhãn hiệu hàng hóa thông thường đối với khóm đạt tiêu chuẩn GlobalGAP cho Hợp tác xã Nông nghiệp Thạnh Thắng và Hợp tác xã Nông nghiệp - Thương mại dịch vụ Thạnh Tiến. Tổ chức 20 cuộc tập huấn chuyển giao cho nhà vườn quy trình trồng khóm thống nhất theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Xây dựng mối quan hệ gắn kết giữa các hợp tác xã với đơn vị bao tiêu sản phẩm.

Ban chủ nhiệm dự án đã tổ chức hội thảo và thực hiện sổ tay hướng dẫn kỹ thuật “Trồng khóm theo tiêu chuẩn GlobalGAP” để quảng bá nhân rộng mô hình. Kết quả của dự án là mô hình mẫu để cán bộ kỹ thuật, khuyến nông, nông dân trên địa bàn thành phố Vị Thanh nói riêng, trong và ngoài tỉnh nói chung đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm để tiếp tục nhân rộng, xây dựng các diện tích khóm còn lại đạt tiêu chuẩn GlobalGAP trong thời gian tới. Việc duy trì sản xuất theo tiêu chuẩn này cũng được địa phương và người dân lưu ý.

Ông Nguyễn Bé Sáu, Phó trưởng Phòng Kinh tế thành phố Vị Thanh, cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền bà con thực hiện theo các tiêu chuẩn của GlobalGAP đề ra. Đồng thời, chúng tôi sẽ liên kết, liên hệ với các doanh nghiệp, đối tác nước ngoài đến khảo sát, ký hợp đồng bao tiêu khóm cho bà con. Từ đó, nâng giá trị cây khóm cho bà con trong quá trình sản xuất, mang lại giá trị kinh tế cao”. Đây cũng là mục tiêu lớn nhất mà dự án hướng đến để nâng tầm cây khóm tại địa phương.

Bên cạnh trợ lực cho người trồng khóm, đơn vị chủ trì thực hiện dự án là Trung tâm Thông tin và Ứng dụng Khoa học công nghệ tỉnh còn quan tâm phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm từ cây khóm. Bà Nguyễn Thị Kiều, Giám đốc Trung tâm, cho biết: “Từ vùng nguyên liệu khóm đạt chuẩn GlobalGAP, bên cạnh những trái khóm loại 1, loại 2 được doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu, chúng tôi sẽ tận dụng những trái khóm loại 3, loại 4 nghiên cứu chế biến các sản phẩm để nâng giá trị của cây khóm trong thời gian tới”.

Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học công nghệ và áp dụng tiêu chuẩn GlobalGAP để phát triển vùng chuyên canh khóm ở Hậu Giang” kết thúc cũng là lúc cây khóm Cầu Đúc khởi đầu một hành trình mới, hành trình vươn xa trên thị trường trong và ngoài nước, mang lại giá trị kinh tế cao cho người trồng khóm tại tỉnh.

Bà Nguyễn Thị Kiều, Giám đốc Trung tâm, cho biết: “Từ vùng nguyên liệu khóm đạt chuẩn GlobalGAP, bên cạnh những trái khóm loại 1, loại 2 được doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu, chúng tôi sẽ tận dụng những trái khóm loại 3, loại 4 nghiên cứu chế biến các sản phẩm để nâng giá trị của cây khóm trong thời gian tới”.

Theo Báo Hậu Giang