Đình thần Nguyễn Trung Trực.
Lễ hội nhằm tôn vinh công lao và đức tài của vị anh hùng, thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước và tinh thần quật cường chống ngoại xâm, bảo vệ đất nước.
Đặc điểm riêng có của Lễ hội Đình thần Nguyễn Trung Trực là tính gắn kết cộng đồng thể hiện qua tinh thần tự giác, thiện nguyện của người dân tham gia. Từ năm 2006 đến nay, mỗi năm tỉnh Kiên Giang đều thành lập Ban Tổ chức Lễ hội để xây dựng kế hoạch, chuẩn bị các công việc phục vụ cho tổ chức các hoạt động lễ hội.
Lễ hội Đình thần Nguyễn Trung Trực năm nay còn gắn với lễ đón nhận bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Lễ hội Đình thần Nguyễn Trung Trực-Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang”. Qua đó hướng đến việc thu hút đầu tư, bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể gắn phát triển thương hiệu và tăng cường quảng bá hình ảnh, đất nước, con người thành phố Rạch Giá nói riêng, Kiên Giang nói chung đến du khách trong và ngoài nước…
Lễ hội năm nay còn diễn ra chương trình “Đêm hội áo dài Việt Nam năm 2023” đặc sắc, kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật, biểu diễn âm nhạc và trình diễn thời trang nhằm tôn vinh vẻ đẹp của chiếc áo dài Việt Nam.
Người dân thắp hương tượng Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực.
Mặc dù Lễ hội Đình thần Nguyễn Trung Trực chính thức diễn ra trong 3 (ngày 26, 27, 28/8 Âm lịch), nhưng hiện nay người dân từ các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Cửu Long về thành phố Rạch Giá bắt đầu nhộn nhịp hẳn lên.
Từ khắp nơi, hàng nghìn người đến để phục vụ suốt thời gian Lễ hội, như dựng cổng chào, nhà tạm để những người ở xa đến dự lễ hội có chỗ trú, nơi tiếp tân, trại nấu cơm, trại võng, làm vệ sinh, trang hoàng đình, lau chùi đồ thờ tự, cờ lọng dọc các trục đường chính.
Trước đó, chính quyền, đoàn thể địa phương đã vận động nhân dân, học sinh ở các trục đường chính nội ô thành phố Rạch Giá làm vệ sinh đường phố, buôn bán đúng nơi quy định, treo đèn lồng, làm cột hoa, đèn hoa đăng... để tăng thêm không khí nô nức, vui tươi của Lễ hội.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Kiên Giang Nguyễn Văn Sáu, hiện các tiểu ban, đơn vị liên quan tích cực tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội trên các trang mạng, cổng thông tin điện tử, hệ thống truyền thanh cơ sở, báo, đài địa phương…
Đèn hoa đăng phục vụ Lễ hội.
Trung tâm Văn hóa tỉnh, Đoàn Cải lương nhân dân Kiên Giang và các đơn vị liên quan xây dựng kịch bản chi tiết, thiết kế sân khấu chương trình khai mạc lễ hội và đón nhận bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; kịch bản chương trình và trang trí sân lễ phục vụ lễ dâng hương. Chương trình nghệ thuật lễ khai mạc lễ hội được các nghệ sĩ, diễn viên tích cực tập luyện…
Trưởng Ban bảo vệ di tích lịch sử-văn hóa mộ và đình Nguyễn Trung Trực Đặng Công Bình cho biết: “Công tác tổ chức hoạt động lễ, cúng, tế trong khuôn viên di tích được chuẩn bị chu đáo, trang nghiêm. Ban bảo vệ di tích bố trí lực lượng tiếp tân, hầu hương để phục vụ các đoàn đại biểu, khách hành hương đến dâng hương, chiêm bái, tham quan. Ban bảo vệ di tích còn chuẩn bị các trại cơm, trại võng phục vụ chu đáo, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm cho người tham dự lễ hội…”.
Nhà hảo tâm phát bánh mì, nước uống miễn phí.
Để phòng ngừa tối đa các nguy cơ cháy, nổ trong thời gian tổ chức Lễ hội, lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Kiên Giang phối hợp với các lực lượng chức năng của Công an thành phố Rạch Giá tổ chức kiểm tra an toàn, hướng dẫn người đứng đầu cơ sở, Ban quản lý di tích duy trì các điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy.
Lễ hội Đình thần Nguyễn Trung Trực là lễ hội văn hóa truyền thống lớn nhất của tỉnh Kiên Giang, hàng năm thu hút trên 1 triệu lượt khách đến cúng bái, tham quan, mua sắm...
Nguyễn Trung Trực tên thật là Nguyễn Văn Lịch (còn gọi là Quản Chơn, Quản Lịch), sinh năm 1838, tại Bình Nhật, huyện Cửa An, phủ Tân An (nay thuộc xã Bình Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) trong một gia đình làm nghề chài lưới. Sinh thời ông là người rất tinh thông võ nghệ, am hiểu sách thánh hiền, tính tình cương trực, giàu lòng yêu nước.
Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, ông được tuyển chọn vào đội nông binh dưới quyền chỉ huy của lãnh binh Trương Định. Năm 1861, thực dân Pháp tấn công thành Gia Định lần thứ 2, ông tham gia bảo vệ Kỳ Hòa (Gia Định) dưới trướng Thống đốc quân Vụ đại thần Nguyễn Tri Phương. Thành Gia Định thất thủ lần thứ 2 (tháng 2/1861), ông tập hợp những người yêu nước hoạt động kháng Pháp vùng Tây nam bộ, gây cho thực dân Pháp nhiều tổn thất nặng nề.
Tiêu biểu là trận chiến dùng hỏa công đốt cháy và nhấn chìm tiểu pháo hạm Hy vọng (L’Espérance) tại vàm Nhựt Tảo, huyện Bến Lức. Sau chiến công “Hỏa hồng Nhựt Tảo”, ông được triều đình Huế phong làm Thành thủ úy Hà Tiên. Chưa kịp về Hà Tiên nhậm chức thì Hà Tiên đã bị đánh chiếm, Nguyễn Trung Trực lui về Tà Niên (nay là xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) tổ chức lực lượng tiến công tiêu diệt toàn bộ lính Pháp trú tại đồn Kiên Giang, làm chủ tỉnh lỵ trong 10 ngày.
Quân Pháp đã dồn toàn lực nhằm tiêu diệt bằng được nghĩa quân Nguyễn Trung Trực, để dập tắt tinh thần kháng chiến của nghĩa quân An Nam. Cuối cùng quân Pháp đã bắt được ông, đem về Sài Gòn thẩm vấn, dùng chức tước, tiền tài khuyến dụ nhưng không thành công. Ngày 27/10/1868, quân Pháp đem Nguyễn Trung Trực về xử chém tại Rạch Giá, khi đó ông mới 30 tuổi. Người dân tỉnh Rạch Giá đổ về khu vực pháp trường để chứng kiến và đưa tiễn ông. Với 2 chiến công vang dội và thân thế sự nghiệp của ông, dân chúng sáng tạo nên rất nhiều truyền thuyết và truyện kể mang màu sắc dân gian để tôn vinh ông.
Sau khi Nguyễn Trung Trực bị xử chém tại Rạch Giá, để tưởng nhớ công lao của người anh hùng xả thân vì nước, người dân đã lén lút thờ cúng ông tại Đình thần Nam Hải, tại xóm chài trên bờ kênh ông Hiển, nay thuộc phường Vĩnh Thanh Vân, thành phố Rạch Giá. Đến năm 1891, Đình thần Nam Hải được di dời về địa điểm hiện tại thuộc phường Vĩnh Thanh, thành phố Rạch Giá.
Hàng năm, tại Đình tổ chức lễ cúng giỗ ông là ngày 26, 27, 28/8 âm lịch. Dần dần, ngày cúng ông đã trở thành một lễ hội của đình. Trải qua hơn 155 năm thăng trầm, Đình thần Nguyễn Trung Trực tại thành phố Rạch Giá được nhân dân tôn vinh là đình thờ chính và là nơi tổ chức lễ hội chính hàng năm thu hút hơn 1 triệu lượt người tham dự.
|
Theo QUỐC TRINH (Báo Nhân Dân)