Ở vùng nông thôn, có các đội “lân thiếu nhi”, tập trung từ 3-5 thành viên hóa thân thành ông địa, con lân, ông thần tài râu tóc trắng muốt, tay trống. Người dân thường ủng hộ các bạn nhỏ bằng việc chủ động mở cửa mời lân vào nhà, dù chỉ biểu diễn ngắn gọn trong vài phút vẫn được gia chủ lì xì và khen ngợi. Trong khi đó, các đội lân lớn hơn ở độ tuổi thiếu niên thường được dẫn dắt bởi người trưởng thành có chuyên môn, đặt tên đoàn, đồng phục riêng, biết khá nhiều bài múa căn bản phục vụ lễ.
Điển hình như đoàn lân Long sư hội Hùng Dũng ở thị trấn Phú Mỹ (Phú Tân, An Giang), có hơn chục thành viên, do bạn Nguyễn Vũ Linh (25 tuổi) thành lập.
Mê múa lân từ nhỏ, sau thời gian theo các đoàn lớn học hỏi, Linh tự tổ chức đoàn của riêng mình, thành viên nhỏ nhất là 12 tuổi, chủ yếu dạy những bài nhẹ nhàng, động tác đơn giản, căn bản phải múa cho lân có hồn, điệu bộ đẹp, linh động trong di chuyển, chớp mắt, toát lên sự vui vẻ, chút tinh nghịch…
Phía sau những lớp nhà nối đuôi nhau trong khu dân cư, khoảng trống cuối cùng là một nền nhà bỏ hoang cạnh nghĩa địa tự phát lâu năm.
Với đoàn lân, đây là nơi khá lý tưởng để tập luyện hàng ngày và hạn chế ảnh hưởng đến mọi người. Không khí im ắng được xua tan bởi tiếng trống, tiếng hô, nhịp chập chã liên hồi và đủ lời í ới “tư vấn”, nhắc nhở từ các bạn đồng lứa đang đứng xem.
Em Lê Chí Thái, năm nay 14 tuổi nhưng đã khá thành thục trong kỹ thuật và là một trong những người múa chính của đoàn. Sức hút của môn múa lân đối với Thái là hóa thân vào con lân để biểu diễn.
Thái tâm sự: “Em thích cảm giác được đội con lân lên đầu múa cho mọi người xem và thấy ai cũng đều vui. Luyện tập từ dễ đến khó, anh Linh chỉ dạy rất tận tình để em biết lắc pháo, lắc tam giác, lên đầu…”.
Ở độ tuổi thiếu niên, tính ham vui, hồn nhiên xen lẫn “lửa” đam mê sớm được nhen nhóm, kể cả những bạn nữ cũng hồ hởi tham gia biểu diễn.
Em Phan Nguyễn Huỳnh Như (xã Tân Trung cho biết, gia đình ủng hộ em theo đoàn lân xuyên suốt. Học hỏi gần 1 năm, Như đã có thể đánh chập chã thành thục cho đội múa. Tương tự, ở các đoàn lân trẻ, mỗi đoàn đều thu hút nhiều bạn nữ từ “ham vui” theo đuổi thành đam mê.
Đoàn lân sư rồng Nam Hoa Đường tại xã Phú Hưng cũng là đoàn lân trẻ tiếp nối "tiền bối" đã có công tạo danh tiếng cho đoàn hơn 30 năm.
Theo anh Phan Văn Thạnh (thành viên gắn bó lâu với đoàn), đã đam mê với lân thì không bàn đến những cái khó. Về kỹ thuật, kỹ xảo, lâu ngày những người thuần thục sẽ chỉ dẫn cho người mới vào nghề. Đòi hỏi duy nhất để theo đuổi bộ môn này là sự kiên trì, đam mê thật sự, còn nếu tham gia cho vui hoặc vì yêu thích nhất thời sẽ không trụ lâu được.
Ngày thường, mọi người tứ tán làm ăn, làm thuê khắp nơi, các em nhỏ tuổi thì đi học. Những ngày giáp Tết, ai nấy tụ họp về làm lân, tập luyện, chuẩn bị công phu cho mùa diễn rộn ràng nhất của năm.
Ba năm nay, đoàn có thể tự “sản xuất” lân diễn mà không phải bỏ nhiều chi phí mua từ TP. Hồ Chí Minh. Những thành viên nhí trong lứa tuổi đi học (từ lớp 9 đến lớp 11) vẫn dành thời gian đến chỗ tập luyện và phụ giúp các việc nhỏ.
Thù lao cho mỗi lần biểu diễn khá khiêm tốn (thấp nhất 3 triệu đồng và cao nhất 6 triệu đồng) nhưng các thành viên đều nhiệt huyết. Một vụ Tết đoàn lân kiếm được khoảng 40 triệu đồng, trong khi chi phí đầu tư cho đạo cụ, làm lân hoàn chỉnh cao hơn rất nhiều nên mọi người đều chọn tinh thần biểu diễn vui là chính.
Hầu hết những đội lân nhí ở xã, thị trấn đều học hỏi đàn anh về kỹ thuật, tự làm đầu lân để tiết kiệm chi phí. Những ngày Tết, sắc màu rực rỡ cùng với tiếng trống lân thùng thình khuấy động khắp đường làng, ngõ xóm, bởi múa lân đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân xưa nay.
Mỗi khi lân đến nhà, gia chủ đều rất vui, nhiều người trong xóm ẵm trẻ con đến xem tạo thêm không khí phấn khích. Lân nhí luôn có lượng khách hàng riêng của mình để có “đất diễn”, duy trì đam mê trong quãng tuổi thơ của mình.
MỸ HẠNH