Làng chổi cọng dừa “chạy đua” trước Tết

05/01/2018 - 08:17

 - Khoảng tháng 8, 9 (âm lịch) kéo dài đến Tết, làng chổi cọng dừa (xã Vĩnh Chánh, Thoại Sơn, An Giang) vui và nhộn nhịp. Nhiều nơi đặt hàng nên nhà nào cũng sáng đèn trước sân đến tận 2-3 giờ sáng. Tiếng xoạt xoạt phát ra từ cọng dừ, tiếng đóng tre huỳnh huỵch vào cán chổi, tiếng danh (chặt) chổi cho đẹp... bao nhiêu âm thanh cứ thế hòa lẫn vào nhau, làm nên sự khác biệt cho làng chổi cọng dừa

Từ UBND xã Vĩnh Chánh, chạy thêm vài cây số là đã đến làng chổi cọng dừa. Nếu có ghé thăm, đừng vội hờn khi mọi người chỉ chăm chăm vào việc làm chổi thôi. Chẳng phải, họ không mừng khi có khách đến thăm làng chổi của mình đâu. Chỉ vì công việc đang dở dang nên họ tiếp chuyện chúng ta chậm chút thôi!

Hôm chúng tôi đến cũng vậy, vừa ngõ ý tìm hiểu về làng chổi, ai cũng niềm nở đón tiếp. Nhưng phải đợi các cô hoàn tất công đoạn nào đó của cây chổi. Có người còn bận đi giao chổi cho bạn hàng tận thị trấn Núi Sập chưa về kịp.

Cũng vì thế mà chúng tôi được nhìn ngắm làng chổi kỹ hơn. Hầu như trước sân nhà nào cũng có cọng chổi phơi, dựng, chất thành đống, nhà này nối tiếp nhà kia chỉ nhìn thôi cũng đoán được sự “sầm uất” của nơi đây.

Theo lời mọi người thì chổi làm xong không bị đọng bao giờ vì ngày nào cũng có bạn hàng đến tận nhà lấy. Nhiều người còn đích thân mang giao cho khách để có thêm tiền lời.

Làng chổi cọng dừa “chạy đua” trước Tết

“Hiện, làng chổi đã vào mùa Tết rồi! Khách đặt hàng nhiều hơn ngày thường nên chúng tôi phải tranh thủ làm để kịp giao cho họ. Nếu trái mùa, 1 ngày chúng tôi chỉ bán 20-30 cây chổi, nhưng vào vụ Tết, mỗi ngày gia đình tôi bán được khoảng 40-50 cây chổi. Nghề làm chổi này thấy vậy chứ cực lắm, ai có sự kiên nhẫn và tỉ mỉ lắm mới làm được.

Tôi được mẹ truyền lại nghề và theo nghiệp đến giờ. Tuy có vất vả nhưng chịu khó chút thì vẫn có cuộc sống ổn định. Hai con gái tôi chưa có công việc ổn định, giờ cũng theo tôi làm chổi luôn, mỗi ngày cũng kiếm được 100.000 - 150.000 đồng chứ ít gì” - bà Trần Thị Thiện (sinh năm 1967, ngụ ấp Tây Bình A, xã Vĩnh Chánh) chia sẻ.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết công việc làm chổi không hề đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ. Để có trên tay cây chổi hoàn chỉnh, bền chắc, người thợ phải trải qua khoảng 4-5 công đoạn. Nhiều người làm không xuể phải thuê thêm thợ phụ.

Đầu tiên là làm mái chổi - công đoạn mất nhiều thời gian và cực nhất. Sau khi đã định hình mái chổi, người thợ lần lượt tra (kết) cọng dừa vào, mỗi lần kết người thợ lại lấy dây găng buộc chặt để cọn chổi không dễ rơi, rớt khi quét.

Tiếp đó là công đoạn làm cán chổi, đóng tre vào lỗi của cán chổi (tăng độ bền), cuối cùng là danh chổi. Công đoạn này, người thợ dùng dao chặt cọng chổi cho đều và đẹp. Tất cả đều làm bằng thủ công nên người thợ mất khá nhiều công sức mới hoàn thành 1 cây chổi bền, đẹp đến tay người dùng.

Người thợ lành nghề cũng phải mất cả giờ đồng hồ mới làm xong 1 sản phẩm. Còn những ai mới vào nghề thì thời gian càng lâu hơn. Tuy khó nhưng nghề này rất dễ học. Theo bà Thiện, ai chưa biết gì chỉ cần chăm chú học vài ngày là làm được ngay.

Theo đó, mỗi cây chổi cần từ 400 - 600gr cọng dừa để thành phẩm (tùy vào kích cỡ). Sở dĩ người thợ biết rõ cân lượng của từng cây chổi vì trước khi bắt tay vào làm, họ đều mang cọng dừa lên bàn cân.

“Cọng dừa chúng tôi phải đi mua ở các nơi khác, có khi mua ở ngoài tỉnh lận, mà giá cũng đâu có rẻ. Nếu làm mà không cân chắc mọi người không có đồng lời nào luôn. Nghề này chủ yếu là lấy công làm lời thôi!

Một cây chổi loại 1 có giá bán từ 25.000 đồng, loại 2 là 20.000 đồng/cây, loại nhỏ nhất (dùng để quét bếp) có giá chỉ 7.000 đồng/cây. Xóm này nhờ theo nghề bó chổi mà cuộc sống dần ổn định hơn xưa lắm. Có người còn nuôi con ăn học thành tài nữa” - bà Nguyễn Thị Lệ Thủy (ấp Tây Bình A, xã Vĩnh Chánh) thông tin.

Là người Đại diện làng nghề bó chổi cọng dừa Vĩnh Chánh, bà Thủy thật tình bộc bạch, thấy phụ nữ nào nhàn rỗi, công việc bấp bênh, bà Thủy đều vận động vô làng nghề bó chổi của mình. Nhờ vậy, cuộc sống của họ ngày càng cải thiện hơn. Nhiều người bảo rằng chỉ cần không bó chổi 1 ngày thôi thì cảm giác rất khó chịu, thấy bức rức lắm.

“Chúng tôi không bao giờ giấu nghề hay dành mối bán. Bởi, chỉ cần có chổi là có người đến lấy, có khi còn không đủ hàng cung cấp. Với chúng tôi, tình nghĩa xóm làng mới là quan trọng, hơn thua nhau như vậy để được gì. Quan trọng là làm sao cho làng nghề của địa phương ngày càng phát triển và được nhiều người nhắc đến thôi” - bà Thiện tâm sự.

“Làng nghề tiểu thủ công nghiệp bó chổi cọng dừa được UBND tỉnh công nhận năm 2010, hiện có 153 hộ với hơn 330 lao động. Mỗi năm, địa phương đều mở lớp dạy nghề bó chổi và cấp chứng chỉ hành nghề cho học viên. Nhờ vậy, lao động gia nhập làng nghề ngày càng nâng cao về chất lượng và số lượng” - bà Nguyễn Thị Lệ Thủy cho hay.

Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN