Long An và định hướng phát triển đô thị

05/05/2023 - 09:37

Phát triển đô thị phải bảo đảm hài hòa giữa kinh tế, môi trường và xã hội. Những năm gần đây, quy mô từng đô thị trên địa bàn tỉnh có nhiều thay đổi, góp phần mang lại diện mạo khang trang, hiện đại và đời sống tốt hơn cho người dân.

Khởi sắc từ chương trình phát triển đô thị

Buổi chiều tại Công viên 30/4, thị xã Kiến Tường khá mát mẻ với những hàng cây, thảm cỏ xanh mượt. Bên trong công viên, từng nhóm người tụ tập vui chơi. Một số người đi bộ, tập thể dục, chơi đá cầu lông và một số trò chơi dân gian.

Vừa đi bộ, vừa hít thở không khí trong lành, bà Nguyễn Thị Lành (phường 1, thị xã Kiến Tường) vui vẻ nói: “Thị xã ngày càng được đầu tư xây dựng nhiều công trình. Đường sá mở rộng, một số trung tâm thương mại mọc lên,... Công viên được trang bị dụng cụ tập thể dục ngoài trời nên chiều nào cũng vậy, tôi với một vài người bạn rủ nhau đi tập”.

Công viên 30/4 thị xã Kiến Tường

Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính huyện Mộc Hóa để thành lập thị xã vào năm 2013, Kiến Tường khắc phục khó khăn, xây dựng thị xã năng động, phát triển, xứng tầm là đô thị trung tâm vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh. Thông tin từ UBND thị xã Kiến Tường, thời gian qua, thị xã tập trung cho phát triển đô thị, nâng cấp, đầu tư các công trình trọng điểm: Khu trung tâm thương mại, bờ kè, hạ tầng kỹ thuật Khu kinh tế Cửa khẩu Long An, hệ thống đường giao thông,... từng bước hoàn thiện các tiêu chí của đô thị loại III.

Năm 2022, thị xã trình Bộ Xây dựng thẩm định, quyết định công nhận Đề án phân loại đô thị thị xã Kiến Tường đạt tiêu chí đô thị loại III. Tháng 3/2023, Đoàn liên ngành do Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng chủ trì đã khảo sát hiện trạng thị xã Kiến Tường.

Nhiều công trình được đầu tư, xây dựng trên địa bàn thị xã Kiến Tường (Trong ảnh: Trường THPT Thiên Hộ Dương)

Từ lõi đô thị tại các phường: 1, 2, 3, 4,... hiện nay, không gian TP.Tân An không ngừng được mở rộng với nhiều tuyến giao thông về phường 6, các xã vùng ven với những khu dân cư, đô thị tạo ra sự phát triển mới cho thành phố. Gần 4 năm được công nhận là đô thị loại II, Tân An được quan tâm, đầu tư nhiều cho chương trình phát triển đô thị.

Giai đoạn 2011-2020, thành phố huy động trên 12.400 tỉ đồng đầu tư kết cấu hạ tầng KT-XH, kiến trúc đô thị; có 225 dự án, công trình liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng khu dân cư, phát triển hạ tầng, trong đó, có những công trình mang tính động lực. Qua đó, thu hút, hình thành nhiều hoạt động thương mại - dịch vụ trên địa bàn, góp phần xây dựng TP.Tân An trở thành đô thị văn minh, hiện đại.

Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh TP.Tân An

Theo Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Tân An - Lê Công Đỉnh, những “điểm nhấn” xây dựng đô thị loại I của thành phố là tập trung hoàn thành Trung tâm Điều hành thông minh (IOC); lắp đặt hệ thống camera thông minh giám sát an ninh, trật tự, an toàn giao thông; thay thế đèn hiện hữu bằng đèn led tiết kiệm điện năng; quản lý chiếu sáng thông minh (iLCS);... Đây được xem là hệ thống bước đầu triển khai dịch vụ đô thị thông minh của thành phố và cũng là lộ trình để xây dựng TP.Tân An trở thành đô thị “Thân thiện, văn minh, hiện đại” đầu tiên của tỉnh.

Phát triển đô thị theo hướng bền vững

Một trong những mục tiêu tổng quát giai đoạn 2020-2025 được Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI xác định là khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh để đẩy mạnh chuyển dịch kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với đô thị hóa. Nhằm góp phần thực hiện mục tiêu đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đề ra 3 chương trình đột phá, 3 công trình trọng điểm; trong đó, có Chương trình Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh. Thông qua chương trình này huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực từ các thành phần kinh tế, cùng ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ phát triển công nghiệp và đô thị vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, đưa công nghiệp, dịch vụ trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương.

Huyện Cần Giuộc định hướng xây dựng đô thị loại III

Những năm gần đây, được sự quan tâm của Trung ương, tỉnh, huyện Cần Giuộc tập trung khai thác mọi tiềm năng, lợi thế để phát triển theo hướng “công nghiệp - đô thị - dịch vụ và nông nghiệp”. Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc - Nguyễn Anh Đức thông tin, huyện luôn tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, góp phần giải quyết việc làm cho trên 60.000 lao động. Cùng với đó, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được huyện quan tâm phát triển đồng bộ. Đến nay, nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị Cần Giuộc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Huyện đang phấn đấu đi lên đô thị loại III, hướng tới xây dựng huyện trở thành thành phố trực thuộc tỉnh. TP.Cần Giuộc sẽ có 10 phường và 5 xã, trong đó, lấy thị trấn Cần Giuộc hiện hữu là trung tâm để lan tỏa phát triển đô thị ra các khu vực lân cận.

Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 có 21 đô thị và năm 2030 có khoảng 25 đô thị. Theo đó, 21 đô thị, gồm: 1 đô thị loại II là TP.Tân An; 3 đô thị loại III là thị xã Kiến Tường, toàn huyện Đức Hòa, toàn huyện Cần Giuộc; 10 đô thị loại IV; 7 đô thị loại V.

Giám đốc Sở Xây dựng - Nguyễn Văn Hùng cho biết, với nhiều công trình được đầu tư xây dựng kết nối giao thông, phát triển hạ tầng đô thị, đến nay, diện mạo các đô thị của tỉnh thay đổi rõ nét theo hướng xanh, sạch và khang trang hơn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Để việc lập chương trình phát triển đô thị được thực hiện đồng bộ trên toàn tỉnh, tăng tỷ lệ đô thị hóa, hiện nay, UBND cấp huyện đều quan tâm công tác điều chỉnh quy hoạch chung phù hợp với tình hình phát triển KT-XH. Để thực hiện mục tiêu phát triển đô thị, huyện Cần Giuộc đang lập đồ án quy hoạch chung đô thị Cần Giuộc đến năm 2045; huyện Bến Lức và Đức Hòa đang thực hiện thủ tục trình phê duyệt nhiệm vụ đồ án quy hoạch chung đô thị Bến Lức và đô thị Đức Hòa. TP.Tân An đang tập trung đầu tư xây dựng các dự án có khả năng khắc phục các tiêu chuẩn còn yếu và thiếu so với tiêu chuẩn của đô thị loại I theo danh mục các dự án đầu tư từ nay đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 theo đề xuất của TP.Tân An.

Đội ngũ chuyên gia, kỹ sư hỗ trợ TP.Tân An lắp đặt và quản lý chiếu sáng thông minh (iLCS)

Từ nay đến năm 2030, các đô thị trên địa bàn tỉnh phát triển bền vững theo mục tiêu: Đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, phát triển đô thị bền vững theo mạng lưới, hình thành một số đô thị động lực thông minh. Kết cấu hạ tầng của đô thị, nhất là hạ tầng kỹ thuật khung và hạ tầng xã hội thiết yếu được xây dựng và phát triển đồng bộ, hiện đại. Kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững. Chất lượng sống tại đô thị ở mức cao, bảo đảm đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở và hạ tầng xã hội cho cư dân đô thị. Phát triển kiến trúc đô thị hiện đại, xanh, thông minh, giàu bản sắc, các yếu tố văn hóa đặc trưng được giữ gìn và phát huy./.

Long An hiện có 15 đơn vị hành chính trực thuộc (13 huyện, 1 thị xã và 1 thành phố). Trên địa bàn tỉnh có 19 đô thị, trong đó, 1 đô thị loại II là TP.Tân An, 6 đô thị loại IV: Thị xã Kiến Tường, thị trấn Hậu Nghĩa, thị trấn Bến Lức, thị trấn Cần Đước, thị trấn Cần Giuộc, thị trấn Đức Hòa và 12 đô thị loại V. TP.Tân An là trung tâm chính trị, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, đầu mối giao thông của tỉnh. Thị xã Kiến Tường là đô thị trung tâm vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh. Các đô thị: Hậu Nghĩa, Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc thuộc vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh và trong vùng giáp ranh với TP.HCM.

Theo THANH NGA (Báo Long An)