Mộc mạc cổng cưới lá dừa miền Tây

22/02/2018 - 08:34

Mùa xuân - mùa của sự khởi đầu, mùa cây trái đâm chồi, nảy lộc, vạn vật sinh sôi và cũng là mùa thường được đôi lứa yêu nhau chọn làm thời điểm cùng xây “tổ ấm”. Về miền Tây mỗi độ xuân về, thời điểm cuối năm hoặc ra Giêng, sẽ không hề lạ khi có những ngày, cùng một con đường mà có đến 2, 3 đám cưới. Đám cưới miền Tây, nhiều người ấn tượng với những cổng cưới bằng lá dừa,tuy giản dị, mộc mạc nhưng không kém phần độc đáo, kỳ công.

Bình dị đám cưới quê xưa

Đám cưới quê xưa, trước ngày đãi tiệc vài hôm, mọi người trong xóm “rục rịch” chuẩn bị phụ nhà có tổ chức đám cưới. Các cô, các bà lo chuyện bếp núc, cánh thanh niên, đàn ông trang hoàng nhà cửa, dựng rạp và quan trọng nhất là chuẩn bị cổng cưới. Đám cưới quê, trẻ con “mê” nhất là được lăng xăng chạy theo các anh, các chú chặt lá dừa, kết cổng hoa. 

Cô dâu, chú rể bên cổng cưới lá dừa

Cổng cưới ở quê, chủ yếu làm bằng lá dừa. Tuy nhiên, ở miền Tây trù phú, cây trái quanh năm thì cổng cưới lá dừa còn có sự “góp mặt” của thân chuối, cau kiểng, cây đủng đỉnh và rất nhiều hoa, trái miệt vườn. Mùa nào thức nấy, mỗi loại hoa, quả được bàn tay con người gắn kết, phối hợp thành những “tác phẩm nghệ thuật” tuy mộc mạc nhưng vô cùng tinh tế, công phu. 

Nhìn những bàn tay chai sần, khéo léo thắt lá dừa, xếp thành bông hồng, trái tim, mấy đứa con nít, đứa nào cũng “mắt tròn mắt dẹt” xuýt xoa, ngưỡng mộ! Chưa kể, ngoài theo “học nghề”, tụi nhỏ còn xin “ké” được vài lá dừa thắt đồng hồ, con cá, cào cào hay có khi còn làm được cả cái nón đội đầu.

Cái “nghề” chẳng ai dạy ai, chỉ nhìn rồi bắt chước, vậy mà lớn lên, ai cũng biết tết cổng hoa. Cứ như vậy, trong xóm có đám cưới là mọi người “xúm” nhau giúp, mỗi người một tay, người tìm lá, người tết hoa, người kết cổng,... vậy mà rôm rả, trọn vẹn nghĩa xóm, tình làng!

Cổng lá dừa - hạnh phúc đơn sơ

Tưởng rằng, trong cuộc sống hiện đại, cổng hoa lá dừa dần lùi vào dĩ vãng. Bởi, cổng hoa vải đủ sắc màu của dịch vụ cưới, hỏi chiếm ưu thế gấp nhiều lần vì vừa nhanh, đẹp, màu sắc lại rực rỡ. Ấy vậy mà, vài năm trở lại đây, xu hướng cổng hoa truyền thống với lá dừa, cây trái miệt vườn lại được ưa chuộng. Cũng từ đó, những dịch vụ trang trí cổng hoa cưới bằng lá dừa ra đời. Tuy nhiên, để có thể phát triển chuyên nghiệp, người thực hiện cổng cưới lá dừa phải có sự đầu tư nghiêm túc với nghề chứ không đơn thuần chỉ vài kiểu đơn giản như cổng lá dừa ngày xưa.

Những cổng cưới lá dừa vô cùng cầu kỳ, tinh tế do anh Phan Ngọc Sang thực hiện

Xuất thân từ nghề cắm hoa, anh Phan Ngọc Sang (ngụ phường 6, TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) có niềm yêu thích đặc biệt với cổng cưới lá dừa từ lúc nhỏ. Thế là, 3 năm trước, anh tập hợp nhóm bạn chung sở thích, học hỏi lẫn nhau rồi cùng kết cổng cưới dịch vụ với thương hiệu “Cổng cưới xuyên Việt”. Chỉ nghĩ là “làm chơi”, ai ngờ “ăn thiệt”, anh được rất nhiều khách hàng ủng hộ. Thế rồi, người này giới thiệu người kia, với 10 năm kinh nghiệm cắm hoa cùng sự khéo léo, sáng tạo, công việc ngày càng thuận lợi, anh cùng nhóm bạn đi khắp các tỉnh miền Tây từ Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long đến tận Cà Mau, thậm chí ra Bình Phước, Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk) kết cổng hoa cưới. 

“Giá mỗi cổng cưới trọn gói từ 2 triệu đồng trở lên, tùy quy mô, sự cầu kỳ cũng như giá nguyên vật liệu. Tuy nhiên, dù giá tiền nào, chúng tôi vẫn làm hết mình, bảo đảm cho ngày vui của khách hàng được trọn vẹn. Khách hàng hài lòng, tiếp tục giới thiệu người có nhu cầu thì mình mới duy trì và phát triển được với nghề!” - anh Sang chia sẻ. 

Tương tự, anh Trần Văn Mạnh (ngụ thị trấn Long Thành, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) lại có thế mạnh về chưng ngũ quả bên cạnh kết cổng hoa lá dừa. Ngày còn nhỏ, cậu bé Mạnh rất thích theo chân các anh, chị xem kết cổng cưới, chưng trái cây hình rồng, phụng rồi mày mò làm thử. Ban đầu, con rồng, con phụng khá... xấu, anh không nản lòng mà quyết làm cho được. Về Bến Tre cưới vợ, anh cũng tự tay chưng mâm quả, kết cổng hoa cho ngày cưới của mình. 

Chiếc cổng Vu quy long phụng sắp hoàn thành của anh Trần Văn Mạnh

Từ làm giúp người dân trong xóm, anh cố gắng trau dồi, tự học, từng bước nâng cao tay nghề rồi đi học thêm nghề cắm hoa. Đặc biệt, Tết Đinh Dậu 2017 vừa qua, anh được xác lập kỷ lục nghệ thuật tạo hình trái cây tại Lễ hội Trái cây Nam bộ tổ chức tại Khu du lịch Suối Tiên với tác phẩm “Cửu Long Phúng Thủy” - tác phẩm tạo hình Phật Thích ca tọa đài sen dưới 9 đầu rồng bằng trái cây lớn nhất Việt Nam. Đây là động lực để anh cố gắng nhiều hơn nữa, với quyết tâm không chỉ làm kinh tế mà còn lưu giữ được nét đẹp văn hóa dân tộc.

Anh Mạnh chia sẻ: “Kết rồng, phụng lên cổng hoa thì quan trọng nhất chính là cái hồn của tác phẩm. Mỗi cổng hoa, mỗi tác phẩm đều phải đặt cái tâm vào đó. Dù làm cổng hoa, chưng mâm quả đúng là “của một đồng, công một nén”, chỉ bằng những nguyên vật liệu đơn giản, dễ tìm, giá rẻ nhưng không vì vậy mà làm sơ sài, qua loa. Bởi, làm nghề nào cũng vậy, quan trọng là phải giữ chữ “tín” và không được tự mãn với bản thân”.

Chị Lê Thị Trúc Linh - vợ anh Mạnh, cho rằng, mỗi chiếc cổng làm ra cũng là lời chúc phúc của anh chị gửi đến cô dâu, chú rể. Ngay cả trong cuộc sống riêng, anh chị cũng phải luôn yêu thương, giữ gìn hạnh phúc thì mới lan tỏa niềm vui, sự may mắn đó đến tân lang, tân nương khi bước vào cuộc sống hôn nhân.

“Mùa Xuân này anh sẽ cưới em, bỏ thời gian cách xa đợi chờ…”

Tiếng nhạc vang lên, cô dâu, chú rể bước ra chào 2 họ, bên ngoài là chiếc cổng cưới công phu, được đôi tay tỉ mỉ, khéo léo của người thợ chăm chút từng bông hoa, cành lá. Hòa trong niềm vui của đôi tân giai nhân, cổng cưới lá dừa mang đến cảm giác yên bình, gần gũi, thắm đượm cái tình quê chân chất của miền Tây Nam bộ. Từ những vật liệu đơn giản, dễ tìm nhưng khi kết nối lại mang tính thẩm mỹ cao, gắn kết thật chặt như lời chúc phúc đến tình yêu đôi lứa. Quả thật, dù cuộc sống hiện đại đến đâu thì nét đẹp chân phương vẫn có giá trị riêng của nó, tuy đơn sơ, bình dị nhưng luôn được giữ gìn, trân trọng, sống mãi với thời gian.

Theo PHẠM NGÂN (Báo Long An)