Ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ ứng dụng cơ giới hóa trong chăm sóc, sản xuất lúa.
Hiệu quả sản xuất
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT), cho biết: "Nhiều năm qua, Bộ NN&PTNT đã chủ động phối hợp với các địa phương tập trung triển khai các giải pháp phát triển sản xuất trồng trọt, ứng phó với biến động thị trường, thời tiết, dịch hại. Bên cạnh đó còn tổ chức xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường nhằm đẩy mạnh tiêu thụ nông sản. Nhờ vậy, ngành trồng trọt vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá ổn định. Năng suất, sản lượng các sản phẩm chủ lực tăng, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu…".
Theo Cục Trồng trọt, năm 2024, khí hậu, thời tiết diễn ra không thuận lợi cho sản xuất trồng trọt tại vùng ÐBSCL. Hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài và sâu hơn so với năm 2023. Tuy nhiên, nhờ việc tuân thủ các giải pháp chỉ đạo sản xuất, áp dụng đồng bộ các giải pháp khoa học, công nghệ, an toàn thực phẩm và quản lý chặt chẽ vùng trồng, bảo vệ cây trồng đã thu được nhiều kết quả đáng kể, làm chuyển biến rõ rệt về thu nhập, chất lượng nông sản và ổn định tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu. Trong năm 2024, ước diện tích xuống giống lúa các vụ trên 3,823 triệu héc-ta (thấp hơn cùng kỳ năm 2023 là 16.350 héc-ta); năng suất ước đạt 63,12 tạ/ha, tăng 0,29 tạ/ha so năm 2023; sản lượng đạt trên 24,1 triệu tấn, tăng 11.160 tấn so với năm 2023. Cây ăn trái cũng có những bước cải thiện về năng suất, chất lượng và hiệu quả, sản lượng cây ăn trái của vùng đạt trên 5,78 triệu tấn… Ðặc biệt, 7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản toàn ngành Nông nghiệp của cả nước đạt 34,27 tỉ USD. Trong đó, các sản phẩm trồng trọt đạt 18,21 tỉ USD, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm 2023. Nhiều mặt hàng xuất khẩu đã đạt trên 1 tỉ USD như gạo 3,27 tỉ USD, rau quả 3,83 tỉ USD...
Ðối với đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao tại ÐBSCL, ông Lê Thanh Tùng cho biết, đến nay đã triển khai 7 mô hình (tổng cộng 333,5ha) trong vụ hè thu 2024 tại 5 tỉnh, thành gồm TP Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh, Ðồng Tháp và Kiên Giang. Tại TP Cần Thơ, đề án được triển khai thực hiện gần 100ha cho 2 vụ lúa hè thu và thu đông 2024. Qua đó, kết quả sản xuất giảm lượng giống sử dụng 60 kg/ha, giảm lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật; năng suất thu hoạch đạt 6,4 tấn/ha (vụ hè thu), tăng khoảng 7% so với ruộng lúa ngoài mô hình; tổng doanh thu của mô hình gần 50 triệu đồng/ha, cao hơn 6-7 triệu đồng/ha so với ruộng lúa sản xuất ngoài mô hình…
Tại tỉnh An Giang đã khởi động xuống giống diện tích tham gia đề án là 15ha đầu tiên tại huyện Phú Tân vào ngày 12-8-2024. Long An cũng đã xuống giống 1 mô hình 20ha tại huyện Tân Hưng và chuẩn bị kế hoạch xuống giống 7 mô hình trong vụ thu đông 2024 và đông xuân 2024-2025. Bạc Liêu mặc dù chưa khởi động thực hiện đề án, tuy nhiên đã triển khai thực hiện 2 mô hình (sản xuất theo quy trình đề án), với diện tích 120,5ha. Trong đó đã thực hiện vụ hè thu 1 mô hình (diện tích 0,5ha), ước năng suất đạt 6,16 tấn/ha và sản lượng 3,08 tấn, còn lại thực hiện trong vụ thu đông 1 mô hình (diện tích 120ha). Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng tham gia cung cấp vật tư - dịch vụ đầu vào cho sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân nằm trong mô hình sản xuất của đề án.
Giải pháp an toàn sản xuất
Cục Trồng trọt dự kiến năm 2025 toàn vùng ÐBSCL sản xuất lúa với tổng diện tích 3,828 triệu héc-ta, năng xuất 63,15 tấn/ha, tổng sản lượng ước 24,173 triệu tấn (cao hơn năm 2024 gần 40.000 tấn). Ðặc biệt, vụ lúa đông xuân 2024-2025 dự báo cần đề phòng ảnh hưởng của hạn hán và xâm nhập mặn tại các tỉnh ven biển, chú ý điều tiết thời vụ xuống giống phù hợp cho từng vùng. Cụ thể, xuống giống sớm từ ngày 10 đến 30-10-2024 cho những vùng có nguy cơ hạn cuối vụ (vùng ven biển các tỉnh Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Kiên Giang); xuống giống đợt 1 từ ngày 1-11 đến ngày 30-11-2024 thời vụ chính cho cả 3 vùng thượng, vùng giữa và vùng ven biển; xuống giống đợt 2 từ ngày 1-12 đến 31-12-2024 thời vụ chính cho cả 3 vùng; một số vùng xuống giống đông xuân muộn kết thúc trước ngày 10-1-2025.
Trên cơ sở nhận diện các khó khăn, thách thức của ngành trồng trọt, Bộ NN&PTNT định hướng giải pháp trọng tâm để phát triển ngành trồng trọt tại ÐBSCL thời gian tới. Ðó là các địa phương, các đơn vị trực thuộc Bộ NN&PTNT cần đánh giá khách quan về công tác chỉ đạo điều hành sản xuất trồng trọt trong năm qua, tập trung vào những khó khăn vướng mắc cần được tháo gỡ. Ðặc biệt trong đó các giải pháp kỹ thuật cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn và các mô hình hiệu quả, cách làm hay cần nhân rộng. Cần lưu ý tuân thủ lịch thời vụ, tránh bài học về xuống giống không theo thời vụ khuyến cáo gây thiệt hại 1.662ha trong sản xuất lúa của năm 2024. Tập trung tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong công tác quản lý vật tư nông nghiệp, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói tại địa phương. Tiếp tục triển khai thực hiện Ðề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ÐBSCL đến năm 2030. Ðẩy mạnh liên doanh, liên kết, phát triển chuỗi ngành hàng, mở cửa thị trường. Nâng cao các giải pháp, định hướng để phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn, thích ứng với biến đổi khí hậu, giải pháp cho thủy lợi của vùng ÐBSCL nhằm cung cấp nước phục vụ phát triển sản xuất trồng trọt và sinh hoạt...
Mới đây, tại Hội nghị sơ kết tình hình sản xuất trồng trọt năm 2024 và triển khai kế hoạch sản xuất trồng trọt năm 2025, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung nhấn mạnh: "Trong năm 2025, các đơn vị chuyên môn, các địa phương cần tuyên truyền, vận động nông dân xuống giống đúng theo kế hoạch, nhất là phần diện tích xuống giống lúa đông xuân sớm ở các tỉnh ven biển vùng ÐBSCL để tránh hạn mặn có thể xảy ra; tập trung đẩy mạnh thực hiện các đề án phát triển nông nghiệp nông thôn gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, đặc biệt Ðề án phát triển 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao bền vững gắn với tăng trưởng xanh vùng ÐBSCL, Ðề án phát triển cây ăn trái chủ lực, Ðề án cây công nghiệp có lưu ý đến cây dừa vùng ÐBSCL; cần thực hiện đầy đủ các gói kỹ thuật trên lúa và trên cây ăn trái, rau màu, chú ý đẩy mạnh khuyến cáo việc áp dụng "Quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ÐBSCL", "Quy trình áp dụng cơ giới hóa trong quản lý rơm rạ theo hướng giảm phát thải khí nhà kính và nông nghiệp tuần hoàn"; theo dõi chặt chẽ tình hình khí tượng thủy văn, diễn biến nguồn nước để chủ động bảo vệ sản xuất, hạn chế thiệt hại xảy ra; đẩy mạnh thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa sang cây trồng khác và nuôi trồng thủy sản hiệu quả cao hơn, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp thời gian tới…".
Theo HÀ VĂN (Báo Cần Thơ)