Nét đẹp làng Chăm

09/07/2018 - 07:58

 - Qua những làng Chăm ở An Giang, du khách không chỉ bị cuốn hút bởi nét đẹp của những thánh đường uy nghi, những ngôi nhà sàn với kiến trúc độc đáo mà còn dễ dàng bắt gặp những cô gái Chăm duyên dáng với trang phục truyền thống của dân tộc. Đặc sắc nhất là trang phục áo dài không xẻ tà với những chiếc dây lấp lánh buộc chéo vai, thắt ngang lưng và chiếc khăn thêu đội đầu… tạo nên nét duyên dáng, kín đáo riêng có của phụ nữ Chăm.

An Giang có 4 dân tộc Kinh, Hoa, Khmer, Chăm cùng sinh sống. Mỗi dân tộc mang một nét đặc trưng riêng, hòa quyện với nhau, tạo nên sự đa dạng về văn hóa. Riêng người Chăm ở An Giang có khoảng 5.000 hộ, với hơn 17.200 người theo Hồi giáo (Islam). Bà con sinh sống tập trung tại 9 xóm Chăm thuộc các huyện: An Phú, Châu Phú, Châu Thành, TX. Tân Châu cùng một số ít sinh sống ở TP. Châu Đốc và TP. Long Xuyên. Người Chăm rất giỏi giao thương mua bán, chăn nuôi, đánh bắt thủy sản; phụ nữ rất khéo tay, nữ công gia chánh với nghề thêu đan, dệt vải, nấu ăn.

Thiếu nữ Chăm duyên dáng với trang phục truyền thống

Cách nay khoảng 1 tháng khi đến các làng Chăm sẽ cảm nhận được không khí vắng vẻ lạ thường vào ban ngày. Bởi, đồng bào Chăm bước vào tháng Ramadan. Hiện nay, nhịp sống ở các làng Chăm đã sôi động trở lại, mọi sinh hoạt đều diễn ra bình thường do tháng Ramadan đã kết thúc từ giữa tháng 6. Trong tháng lễ này, bà con dù đi làm ăn nơi đâu cũng tranh thủ quay về quê nhà để thực hiện nghi thức tôn giáo.

Đến với làng Chăm ở An Giang, người ta sẽ có cảm giác như lạc vào xứ sở “Nghìn lẻ một đêm” bởi những ngôi thánh đường uy nghi, bề thế, có kiến trúc tháp chòm độc đáo bởi người Chăm ở đây đều theo đạo Hồi với 2 màu chủ đạo là trắng và xanh lá cây. Không chỉ nổi bật với thánh đường, làng người Chăm còn gìn giữ được những ngôi nhà sàn bằng gỗ với tuổi đời hàng trăm năm. Những ngôi nhà sàn có kiến trúc khá giống nhau, đây chính là một trong những nét đẹp ở những làng Chăm. 

Qua cầu Cồn Tiên, du khách sẽ bước vào làng Chăm ở xã Đa Phước (An Phú). Dọc theo Quốc lộ 91C là 2 dãy nhà sàn được xây cất theo lối kiến trúc đặc trưng của làng Chăm, cách đó không xa là thánh đường Islam uy nghiêm là nơi thực hiện các nghi thức tôn giáo hàng ngày. Để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình, tại thánh đường còn mở nhiều lớp dạy kinh Qur’an cho trẻ em đồng bào Chăm.

Đồng bào Chăm tham gia phát triển du lịch

Ẩm thực truyền thống cũng là nét đẹp văn hóa độc đáo của đồng bào Chăm trong tỉnh, nổi bật là các món ăn quen thuộc, như: cơm nị, cà ri và cà púa. Món cơm nị có màu vàng rất đẹp mắt của bột nghệ, mùi thơm của cà ri, vị đặc trưng của lá tía tô và vị ngọt của tôm, mực rất hấp dẫn khiến ai dù chỉ thưởng thức 1 lần cũng không thể nào quên… Nếu nếm qua món cà ri của đồng bào Chăm sẽ cảm nhận được nhiều điều thú vị, nhất là khi du khách đến các làng Chăm, nếu chưa thưởng thức món cà ri thì quả là thiếu sót lớn! Nhưng có lẽ hấp dẫn và ngon nhất vẫn là món cà ri dê. Người Chăm sử dụng rất nhiều gia vị, hương liệu trong nấu ăn, nhất là bột cà ri và lá cà ri tươi, củ hành tím, nước cốt dừa, ớt… để chế biến món ăn tinh xảo, đậm đà hương vị đặc trưng: ngọt, thơm, béo ngậy và rất cay!

Các điểm du lịch của đồng bào thu hút đông du khách như: Châu Phong (TX. Tân Châu), Đa Phước, Nhơn Hội (búng Bình Thiên, An Phú), Khánh Hòa (Châu Phú)… Ông Jacky, Trưởng ban Đại diện cộng đồng Hồi giáo (Islam) tỉnh, cho biết: “Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đời sống của đồng bào Chăm ngày càng khởi sắc, trình độ dân trí được nâng lên. Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền để bà con chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước. Đồng bào Chăm luôn sống chan hòa, đoàn kết với các dân tộc khác, làm tốt nghĩa vụ giữa đạo và đời, tích cực tham gia các phong trào để cùng nhau xây dựng quê hương ngày càng phát triển”.

Bài, ảnh: HỮU HUYNH