Cứ mỗi độ đầu tháng 3, hoa ô môi lại nở rực góc trời miền Tây. Ô môi được trồng nhiều dọc theo các sông quê, cổng trường học, đầu xóm, trên những triền đê. Ảnh: Huỳnh Tuấn Kiệt
Bông ô môi có nguồn gốc từ Nam Mỹ, được người dân miền Tây còn gọi bằng một cái tên rất quen thuộc là “Hoa anh đào miền Tây”. Ảnh: Huỳnh Tuấn Kiệt
Thân cây cao khoảng 10-20 m, rất thích hợp với thổ nhưỡng miền Tây Nam Bộ nên cũng được trồng làm cảnh và lấy bóng mát. Du khách có thể bắt gặp những rặng ô môi tại các tỉnh miền Tây như: Long An, Đồng Tháp, Sóc Trăng, An Giang… Ảnh: Huỳnh Tuấn Kiệt
Hoa ô môi mọc thành từng chùm, mang sắc đỏ hồng đặc biệt đem lại một vẻ đẹp giản dị. Mỗi năm ô môi chỉ ra bông và cho trái duy nhất một lần. Trái ô môi khi còn non có màu xanh, đến già có màu nâu đen, hình dáng cong, dài chừng nửa mét. Ảnh: Huỳnh Tuấn Kiệt
Trong nắng trưa, những vạt hoa màu hồng phất phơ trong gió trở thành một nét đẹp dân dã khó quên ở miền sông nước miền Tây. Trong đó, cố soạn giả NSND Viễn Châu từng sáng tác bài ca cổ lấy tên loài hoa này. Những câu hát đến nay vẫn còn lay động lòng người: “Ô môi rụng cánh ngoài sân/Mấy mùa hoa nở mấy năm đợi chờ”… Ảnh: Huỳnh Tuấn Kiệt
Theo HUỲNH TUẤN KIỆT (Sài Gòn Tiếp Thị)