Nghề làm bàn thờ Chư Thiên - gìn giữ nét văn hóa dân tộc

18/06/2020 - 08:50

Với vật liệu cát, ximăng, sắt, silicon, composite, nước sơn... qua bàn tay khéo léo của người thợ lành nghề, những bộ bàn thờ Chư Thiên (hay bàn ông Thiên) được ra đời, đẹp mắt với nhiều mẫu mã, kích cỡ khác nhau. Thế nhưng, để làm ra những bộ sản phẩm đẹp mắt, đòi hỏi người thợ cũng khá gian nan, vất vả, tỉ mỉ từng công đoạn.

Đến với khuôn viên chùa Bai Chhau (Bãi Xàu), thị trấn Mỹ Xuyên (Mỹ Xuyên), ở một góc nhỏ của sân chùa dù trời sắp tối nhưng anh Lâm Phi Rum vẫn đang miệt mài với công việc của mình để ráp, đắp vá đường nét hoa văn cho bàn thờ Chư Thiên. Tay vừa trét bột ximăng, anh Phi Rum chia sẻ: “Mấy ngày nay, tôi làm ráo riết để kịp thời gian giao cho khách. Bàn thờ Chư Thiên hay bàn ông Thiên này được khách đặt trước để đem đi cúng dường cho chùa Cái Tắc (Hậu Giang) chuẩn bị tổ chức lễ khánh thành kiết giới Sây-ma vào cuối tháng 6. Hiện chỉ còn công đoạn ráp vào, gia cố, khắc một số hoa văn và sơn phết nữa là sẽ hoàn chỉnh”.

Anh Lâm Phi Rum chăm chú đường nét hoa văn để hoàn thiện sản phẩm bàn thờ Chư Thiên kịp giao cho khách. Ảnh: Thạch Pích

Chiếc bàn thờ Chư Thiên do chính bàn tay của anh Phi Rum làm ra khá đẹp mắt, được thiết kế theo lối kiến trúc cổ kính kết hợp hài hòa với hoa văn dân tộc, màu sơn sặc sỡ. Nhìn xa xa giống như một ngôi tháp thu nhỏ, với ngọn tháp cao, con rồng, sư tử canh gác 4 phương… Khi trò chuyện với chúng tôi về việc làm nghề bàn thờ Chư Thiên, anh Phi Rum bộc bạch: “Lúc tôi đang tu hành trong chùa thấy người ta đăng trên mạng xã hội làm bàn thờ Chư Thiên đẹp nên có ý tưởng và học hỏi theo từ bố cục, kích cỡ, hoa văn… Làm khuôn đổ ban đầu cũng hư hỏng nhiều lần, mỗi lần làm hư bản thân tự tích lũy kinh nghiệm, dần sau này mới hoàn chỉnh được bộ hoa văn, khuôn. Nghề làm bàn thờ Chư Thiên này thấy vậy vất vả lắm. Đòi hỏi người thợ phải tỉ mỉ, không nóng tính thì sản phẩm làm ra sẽ đẹp mắt. Trung bình làm 1 sản phẩm hoàn thiện mất thời gian gần 10 ngày. Công đoạn từ trộn, đổ hồ vào khuôn, cột, mái tháp, chất liệu composite… đến khi khô cứng mất vài ngày. Sau đó, đến công đoạn ráp vô, mài giũa, sơn phết theo từng chi tiết của ngôi tháp mới có được sản phẩm hoàn chỉnh như thế đó”.

Anh Lâm Phi Rum hành nghề làm bàn thờ Chư Thiên được khoảng 5 năm nay. Những năm trước đó, anh Rum đã theo học khóa mỹ thuật tại Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật tỉnh. Với sự đam mê và yêu thích nghệ thuật vẽ, điêu khắc, sau khi ra trường anh Rum tiếp tục theo nghệ nhân Lý Lết làm một số công trình kiến trúc chùa tại tỉnh Trà Vinh. Trở về, anh lại xuất gia học đạo tại chùa Bai Chhau, với mong muốn vừa báo hiếu cha mẹ vừa tiếp tục học vẽ hoa văn trên phần mềm máy vi tính.

Khi hỏi về việc chọn nghề làm bàn thờ Chư Thiên, anh Lâm Phi Rum tâm sự: “Cách đây vài năm, thấy bà con Khmer cất nhà mới có nhu cầu mua bàn thờ Chư Thiên để thờ trước sân nhà nên tôi quyết định làm nghề này. Ở nhà tôi thì không có sân bãi để làm nên nhờ một góc sân của chùa. Phần vừa cải thiện được đời sống, vừa góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc Khmer. Mỗi bộ sản phẩm hoàn thiện, giá bán trên dưới 4 triệu đồng tùy loại”.

Anh Trần Thi đang tô màu trên bàn thờ Chư Thiên. Ảnh: Thạch Pích

Khác với anh Phi Rum tự tay khắc khuôn, anh Trần Thi, ngụ ấp Tâm Phước, xã Đại Tâm (Mỹ Xuyên) làm nghề bàn thờ Chư Thiên được khoảng 2 năm nay. Anh Thi đã liên hệ và đặt mua khuôn, hoa văn từ Trà Vinh về, sau đó tự trộn ximăng, đổ khuôn, lắp ráp, sơn phết… gửi bán tại khu dân cư.

Đang chăm chú quét bê cho các sản phẩm bộ bàn thờ Chư Thiên, anh Trần Thi kể: “Từ khi xuất hiện dịch Covid-19 tới giờ, gia đình anh chỉ bán được một vài bộ. Việc làm ra mà không tiêu thụ được cũng làm ảnh hưởng đời sống kinh tế gia đình. Một bộ sản phẩm khi làm xong cũng mất thời gian hơn 1 tuần; loại nhỏ giá khoảng 2,5 triệu đồng/bộ, loại lớn ngang 90cm, cao gần 2m, giá 4 triệu đồng (không tính tiền xe). Làm nghề này, thu nhập bấp bênh lắm, tôi đang dự tính khi nào bán gần hết mấy loại sản phẩm này mới làm tiếp tục”.

Theo quan niệm của người Khmer, bàn thờ Chư Thiên còn được thờ trước sân một số ngôi chùa, salatel. Chiều cao bàn Chư Thiên trung bình vẫn khoảng 1m (chưa tính phần tháp), nhưng mặt bàn để đựng đồ thờ thường rộng khoảng từ 90cm2 - 100cm2. Cũng theo anh Trần Thi, trước kia người dân làm bàn thờ Chư Thiên chỉ bằng cây gỗ đơn sơ, gồm một cây cột cao khoảng 1m, phía trên đặt một tấm ván hình vuông, mỗi cạnh dài khoảng 40cm2. Cây gỗ làm trụ bàn Chư Thiên lâu ngày rất dễ bị mưa nắng làm mục nên một số gia đình người Khmer còn dùng cây gòn làm trụ. Vì loại cây này khi cắm xuống đất sẽ đâm rễ ra nhánh nên trụ sẽ sống từ năm này qua năm khác không sợ mục. Về sau, một số gia đình khá giả, dựng bàn Chư Thiên bằng cột bêtông, bên trên bàn thờ dán gạch men. Xung quanh bàn thờ được xây ximăng khoảng từ 10cm, tạo sự vững chắc cho bàn thờ. Trên bàn thờ lúc nào cũng có một lư hương dùng để cắm nhang và mấy ly nhỏ dùng để rót nước cúng Chư Thiên. Đặc biệt, mấy năm gần đây, khi đời sống của bà con ngày càng phát triển, nhiều hộ gia đình vừa xây nhà mới khang trang cũng tìm mua bàn thờ Chư Thiên mang tính đặc trưng văn hóa của người Khmer. Nắm bắt những nhu cầu đó, anh đã quyết định làm nghề này cho đến nay.  

Những bộ bàn thờ Chư Thiên được đặt ngay sân nhà, sân chùa, đình ông Tạ hay ngôi salatel đã góp phần tô điểm không gian sống động. Điều này thể hiện qua việc mỗi ngày, vào lúc chập tối - là thời điểm giao nhau giữa ngày và đêm, gia đình thờ Chư Thiên thường thắp cây nhang trên lư hương. Họ hy vọng, có được bàn thờ Chư Thiên đẹp, khang trang, làn khói nhang lan tỏa mang theo những lời khấn nguyện của gia chủ, cầu mong gia đình làm ăn phát đạt, vạn sự như ý...

Theo THẠCH PÍCH (Báo Sóc Trăng)