Nghệ nhân nặng tình với nghệ thuật hát bội

03/11/2020 - 08:46

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống hát bội, hơn 60 năm gắn bó với nghệ thuật hát bội, nghệ nhân Nguyễn Thị My (ấp An Hương 2, xã Mỹ An- Mang Thít) đã trao truyền, đào tạo nên nhiều nghệ nhân tài danh. Dù nghệ thuật hát bội đôi lúc thăng trầm, cuộc đời nghệ nhân cũng lắm gian truân, nhưng đến tuổi về chiều, nghệ nhân Nguyễn Thị My vẫn muốn tiếp tục cống hiến trọn đời cho nghệ thuật hát bội.

Nghệ nhân Nguyễn Thị My giao lưu với du khách Pháp tại đình An Thành (xã An Bình- Long Hồ).

Sinh ra trên ghe gánh hát

Vào một ngày cuối tuần tháng 9, chúng tôi về ấp An Hương 2, trước để thăm nghệ nhân Nguyễn Thị My (nghệ danh Kiều My), sau là nghe bà kể về cuộc đời hát bội của mình.

Nghệ nhân Nguyễn Thị My kể: “Tôi theo hát bội từ lúc còn nhỏ, ông nội tôi cũng là nhạc công của gánh hát bội Phùng Xuân, chuyên đờn cò, đờn gáo, đánh trống.

Ông nội sinh ra cha tôi là ông Nguyễn Văn Giáp, làm bầu gánh Phùng Xuân, rồi bầu gánh Phụng Thành, được gọi là bầu Giáp.

Cha tôi có ghe gánh hát, lênh đênh sông nước đi biểu diễn rày đây mai đó, vì thế tôi và 3 anh chị em cũng lần lượt ra đời trên chiếc ghe ấy.

Ghe vừa là “nhà”, cũng là phương tiện kiếm sống, cho nên 3 anh chị em tôi không may bị té sông chết đuối lúc tuổi còn thơ. Riêng tôi may mắn hơn, còn sống và nối nghiệp hát bội của gia đình cho tới nay”.

Lúc 4 tuổi, ông bầu Giáp dạy bà đánh Đầu đường (một loại nhạc cụ trong dàn nhạc, tiếng kêu như tiếng kẻng). Đến năm lên 10, 11 tuổi, bà bắt đầu học hát, luyện âm vực: ừ, ự, ư, a, ứ.

Sau đó, được cha chỉ dạy thêm về nhịp phách kết hợp thể hiện những động tác ra bộ có sử dụng đạo cụ như: cung, kiếm, thương, đao để khi hát đúng giai điệu và múa khớp với tiếng trống.

“Khi thuần thục, cha tôi phân tôi diễn thử các vai đào võ đồng ấu. Tôi nhớ vai đầu tiên được diễn là vai Na Tra trong vở “Na Tra lóc thịt”, sau đó là các vai: Đồ Lư trong vở “La Thông Tảo Bắc”, vợ Trang Tử trong trích đoạn “Trang Tử thử vợ”.

Thấy tôi có sở trường diễn vai đào võ nên hầu hết trong các vở diễn tôi được cha cho thủ các vai này, như: vai Thần Nữ trong vở diễn “Thần Nữ dâng Ngũ linh kỳ”, vai Lưu Kim Đính trong vở “Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu”, vai Hồ Nguyệt Cô trong vở “Tiết Giao đoạt ngọc”- nghệ nhân Nguyễn Thị My vừa kể các vai diễn, vừa biểu diễn một vài động tác cho chúng tôi xem.

Chúng tôi hỏi, trong những vai diễn do bà thủ vai, bà ấn tượng nhất là vai diễn nào thì nghệ nhân Nguyễn Thị My cho biết, vai diễn để lại cho bà nhiều cảm xúc nhất và cũng làm nên tên tuổi của bà đó là vai Hồ Nguyệt Cô trong vở “Tiết Giao đoạt ngọc”.

Theo bà, vai này rất khó diễn với những đoạn Nguyệt Cô nhả viên ngọc ra; rồi từ người hóa thành cáo đòi hỏi diễn viên phải lột tả được tính cách nhân vật và phải có những động tác diễn xuất thể hiện sự đấu tranh dữ dội trong tư tưởng.

“Tuy đã từng nhập vai, nhưng khi biết mình được phân công diễn vai này, tôi rất lo và phải chuẩn bị hàng tháng trời, tự ôn, tự rèn luyện. Sau khi diễn, đôi khi tôi bị đau bụng mấy ngày, vì có những động tác buộc người diễn phải sử dụng nhiều cơ bụng”- nghệ nhân Nguyễn Thị My kể thêm.

Năm 1976, bà Nguyễn Thị My tình cờ được diễn chung với ông bầu Răng, tên thật là Huỳnh Văn Răng (diễn viên đoàn Huỳnh Long, sau đó là Trưởng Đoàn hát bội Đồng Thinh, tỉnh Vĩnh Long).

Do diễn cặp với nhau nhiều vai, nhiều vở trong thời gian dài, hai ông bà đã mến nhau và kết hôn. Sau đó, bà về “đầu quân” cho Đoàn hát bội Đồng Thinh của ông, được ông phân nhiệm vụ Phó đoàn phụ trách nghệ thuật.

Cống hiến trọn đời cho hát bội

Trong suốt quá trình lưu diễn, nghệ nhân Nguyễn Thị My cùng anh chị em trong đoàn đi nhiều nơi trong và ngoài tỉnh: Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Trà Vinh, Bình Thuận, Ninh Thuận, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước.

Tính đến nay, nghệ nhân Nguyễn Thị My đã diễn đôi ba ngàn suất. Song, có lẽ điều đáng nhớ nhất trong sự nghiệp của bà là được cùng Đoàn Đồng Thinh đi biểu diễn ở Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội trong chương trình Trung thu 2010, chủ đề “Sắc màu Việt- Trung” được tổ chức tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam với 4 trích đoạn: “Đường về San Hậu”, “Thần nữ dâng Ngũ linh kỳ”, “Võ Tam Tư chém cáo” và “Trảm Trịnh Ân” được đại biểu và khán giả đón nhận nồng nhiệt.

Đây không chỉ là vinh dự của riêng bản thân nghệ nhân Nguyễn Thị My mà còn là niềm tự hào đối với người dân đồng hương với bà. “Cô Nguyễn Thị My được học nghề hát bội bài bản thể hiện qua các vai diễn. Gần đây, cô còn được đi biểu diễn tại Hà Nội là điều rất vinh dự”- ông Phan Ngọc Lâm (ấp An Hương 2, xã Mỹ An- Mang Thít) phấn khởi nói.

Ông Bùi Văn Bé- Trưởng ấp An Hương 2 nhận xét: “Bà Nguyễn Thị My biểu diễn rất hay, các lễ cúng đình ở địa phương bà đều tham gia hát phục vụ nhân dân địa phương”.

Nghệ nhân Nguyễn Thị My (bìa trái) chụp ảnh lưu niệm với du khách Pháp sau khi biểu diễn tại đình An Thành.

“Bà Nguyễn Thị My đem nghệ thuật hát bội phục vụ cho lễ hội trong tỉnh, đã góp phần quảng bá và phát huy giá trị nghệ thuật hát bội của dân tộc”- ông Lê Văn Hà- Hội Người cao tuổi xã Mỹ An nói.

Sinh năm 1952, tham gia hát bội từ thuở lên 4 tuổi, đến nay nghệ nhân Nguyễn Thị My đã trải qua gần 70 năm tuổi đời, 5 đời hát bội (từ đời ông nội, đời cha mẹ, đời bà, đời con và nay là cháu bà cũng theo nghề hát bội) và 64 năm tuổi nghề, bà thuộc lòng và thông thạo các thể loại bài bản, nhịp phách và tính cách từng nhân vật, cũng như thực hiện tốt các thao tác múa ra bộ và sử dụng tốt các loại đạo cụ sân khấu hát bội.

Đồng thời, bà cũng tự hóa trang cho mình cũng như hỗ trợ các anh chị em trong đoàn hóa trang trước khi lên sân khấu.

Nghệ nhân Nguyễn Thị My bộc bạch: “Hóa trang gương mặt trong hát bội rất công phu. Việc vẽ các kiểu gương mặt được quy ước để biểu hiện tính cách mỗi nhân vật.

Mặt mốc là nịnh thần gian xảo; mặt đỏ là người trí tướng, nghĩa khí, dũng khí; mặt đỏ bầm cũng chỉ nhân vật trí tướng, sức mạnh hơn người nhưng là nhân vật phản diện; mặt đen chỉ người xuất thân từ miền núi, là võ tướng, tính khí nóng nảy”.

Với kinh nghiệm của mình, nghệ nhân Nguyễn Thị My đã trao truyền nghề cho hơn 20 học trò. Đến nay, các học trò của bà đều thành danh; đặc biệt, nghệ nhân Huỳnh Thị Yến Linh- vừa là học trò, vừa là con gái của bà đã được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú đợt 1 năm 2015.

“Nghề hát bội lắm thăng trầm, có khi đoàn đi biểu diễn liên tục, nhưng cũng có lúc đoàn nghỉ hàng tháng trời. Lúc đó, gia đình tôi và anh em trong đoàn phải tự bươn chải kiếm sống, vừa hát, vừa bán kẹo kéo, bán các loại đồ chơi trẻ em, bút, viết, vá xoong nồi.

Ăn uống kham khổ, nhiều đêm ngủ đình ngủ chợ, nhưng vì yêu nghề, nên anh em trong đoàn và bản thân tôi đều cố gắng vượt qua mọi khó khăn để tiếp tục gắn bó với nghề hát bội. Bởi nghệ thuật hát bội đã thấm sâu vào máu thịt tôi, nếu có chết, tôi cũng muốn được chết trên sân khấu”- nghệ nhân Nguyễn Thị My bày tỏ.

Ngày nay, xã hội hiện đại, có nhiều loại hình nghệ thuật mới được giới trẻ yêu thích, lựa chọn. Tuy nhiên, đối với những người có lòng đam mê và muốn học hát bội- nghệ nhân Nguyễn Thị My cho biết và sẵn sàng truyền dạy, hướng dẫn lại cho thế hệ con cháu sau này, để hát bội mãi tồn tại với thời gian, góp phần vào việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.

Trong quá trình thực hành nghệ thuật hát bội, nghệ nhân Nguyễn Thị My được tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Văn hóa” của Bộ Văn hóa và Thông tin, được Bảo tàng Dân tộc học chứng nhận tham gia hoạt động bảo tồn và phát triển di sản văn hóa dân gian Việt Nam và đóng góp cho Đoàn tuồng cổ Đồng Thinh được tặng nhiều giấy khen ở địa phương.

Theo MINH TRIẾT- PHONG LAN (Báo Vĩnh Long)