Từ nửa sau thế kỷ XIX, khi thực dân Pháp áp đặt chế độ cai trị, số quan lại, công chức, thương nhân ngày một tăng. Nhằm đáp ứng nhu cầu trú ngụ nên những căn nhà phố được xây dựng ngày càng nhiều. Ở TP. Mỹ Tho xuất hiện nhiều ngôi nhà phố có kiến trúc chịu ảnh hưởng kiến trúc nhà phố của Pháp.
Tuy nhiên, trong quá trình cộng cư và giao tiếp đã phần nào có ảnh hưởng đến kiến trúc truyền thống (kiểu nhà 3 gian, 2 chái xếp đọi truyền thống của Việt Nam), nhưng mặt tiền theo kiểu Roman, tạo ra sự đa dạng trong kiến trúc Tiền Giang, trong đó có nhà Đốc Phủ sứ Lê Văn Mầu.
Tổng thể ngôi nhà được xây dựng có 2 nóc mái lợp ngói. Nhà trước cửa quay về hướng Nam, có 4 mái được lợp bằng ngói vảy cá, đỡ mái nhà là hệ thống cột bê tông âm trong tường, kèo, mè được làm bằng gỗ.
Hai bên đầu hồi của ngôi nhà có lam thông gió hình cửa lá sách, bên ngoài lam gió đắp nổi ô hình học. Trước cửa nhà có 2 tam cấp kiểu cầu thang hai bên được xây dựng hình xoắn ốc, mỗi bên có 8 bậc bằng đá xanh xếp theo hình rẽ quạt.
Qua cầu thang là tiền sảnh “thảo bạt” được xây dựng cột sắt, mái vòm cong hình cánh hoa hướng lên, bên dưới có thành lan can trước và 2 bên được đỡ bởi các trụ lục bình. Đi qua tiền sảnh là hành lang rộng.
Mặt dựng ngôi nhà gồm 8 cột vuông kiểu doric, 7 khung cửa vòm tròn, giữa các khung vòm tròn được đắp nổi hình giỏ hoa, dây lá. Qua hành lang là hệ thống các cửa của ngôi nhà, bao gồm 5 cửa có khung vòm tròn chạm hình dây lá cách điệu hình dơi.
Cửa chính có 4 cánh rộng, khuôn bao bằng gỗ, mi cửa vòm, bên trong cửa được làm bằng hợp kim sắt chạm hoa văn uốn lượn công phu dạng chữ Quốc ngữ: “LVM ” là tên viết tắt của ông Lê Văn Mầu, chủ nhân của ngôi nhà; 4 khung cửa vòm 2 bên cửa chính là loại cửa vòm 2 cánh.
Bên trong ngôi nhà được chia làm 2 phần nhà trước và nhà sau, được chia bởi một hành lang âm trong nhà. Chính diện nhà trước gồm sảnh tiếp khách và phòng thờ. Nền lót gạch men trắng xanh, trần thạch cao được đắp nổi hoa văn dây lá và ô hình học.
Ngăn cách sảnh chính với gian thờ là 2 lan can, ở giữa là khung cửa hình vòm tròn, hai bên có 6 cột tròn hình bó đũa (trong đó 2 cột được âm vào tường, 4 cột đôi), các đầu cột đắp nổi hoa văn theo kiểu phức hợp (Corinthian), chân đắp nổi hình bình hành có bắt chỉ.
Nối giữa phòng chính diện với 2 phòng bên là 4 cửa hình vòm tròn có khuôn bao bằng gỗ, mi cửa chạm dây lá và các cột phức hợp, đầu cột cũng được đắp nổi hoa văn hình giỏ hoa, dây lá. Đặc biệt, trên mi cửa ra ban công gian phải nhà trang trí đắp nổi hoa lá và con dơi cách điệu mềm mại, sắc sảo.
Nhà sau có cửa quay về hướng Nam, mái nhà gồm 4 mái lớn và 2 mái nhỏ, lợp ngói vảy cá được chia bởi 6 bờ mái hình dòng dọc. Bên trong nhà cũng được chia làm 2 phần bởi các cửa vòm tròn và cột âm với tường đều được chạm trổ, đắp nổi hoa văn dây lá, con dơi cách điệu công phu, tinh xảo như trên nhà chính. Nền được lót bằng gạch men màu trắng nâu, bên dưới nền nhà có hầm nước giúp điều hòa không khí cho ngôi nhà. Trần nhà bằng bê tông được bắt chỉ kiểu ô hình học.
Năm 1980, ngôi nhà được bà Nguyễn Kiễng Mỹ Hương, cháu ngoại Đốc Phủ sứ Lê Minh Tiên (người mua lại ngôi nhà của Đốc phủ sứ Lê Văn Mầu) bán lại cho Nhà nước sử dụng làm Bảo tàng Tiền Giang cho đến nay.
Hiện ngôi nhà đang trưng bày “Lịch sử Tiền Giang trước năm 1930” gồm các phần: Đất nước - con người Tiền Giang, Văn hóa Óc Eo, Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút, Các cuộc đấu tranh chống thực dân phong kiến, Văn hóa thời kỳ phong kiến để phục vụ khách tham quan, nghiên cứu tìm hiểu về lịch sử - văn hóa Tiền Giang.
Ngày 7-1-2020, UBND tỉnh ra Quyết định 21 công nhận ngôi nhà cổ Bảo tàng Tiền Giang là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
Theo NGUYỄN MẠNH THẮNG (Báo Ấp Bắc)