Từ giọng hò của người xa xứ
Nhạc sĩ Cao Văn Lý
Nhạc sĩ Cao Văn Lý đã bước qua tuổi 82 nhưng vẫn rất minh mẫn và vẫn rất hay hò, hát dân ca. Đó là mạch nguồn xúc cảm bất tận trong tâm hồn người con gốc Hồng Ngự- Đồng Tháp này. Ông kể, cha ông là nghệ nhân nhạc lễ, mẹ là nghệ nhân ca tài tử. Có lẽ vì vậy mà từ nhỏ ông đã được nuôi nấng bằng những cung điệu bổng trầm. 12 tuổi, nhạc sĩ Cao Văn Lý tham gia đội văn nghệ phục vụ kháng chiến “Đàn chim Việt”, tỉnh Long Châu Sa. 6 năm sau, ông tập kết ra Bắc, theo học tại Học viện Âm nhạc Hà Nội và sau đó được cử sang học tiếp tại Viện Âm nhạc quốc gia Tchaikovsky (Liên Xô).
Có một kỷ niệm hơn 60 năm qua nhưng nhạc sĩ Cao Văn Lý chẳng thể nào quên và xem đó là mối lương duyên đưa ông đến với điệu hò Đồng Tháp. Đó là năm 1957, nước nhà không tổng tuyển cử được, không thống nhất được, Đoàn Văn công của tỉnh Long Châu Sa đang ở trên đất Bắc không thể trở về quê hương. Bữa nọ, nghệ sĩ Kim Nhụy hò Đồng Tháp cho mọi người nghe. Câu hò như vầy:
“Giọt lệ chia ly trĩu nặng lòng người chiến sĩ
Buổi trùng phùng ta giữ kỹ trong tim
Dù cho đá nổi mây chìm
Đố ai ngăn được cánh chim về đàn”
Bộ đội nghe xong không vỗ tay mà khóc! Khóc vì nhớ quê hương, nhớ Đồng Tháp Mười và có một hoài bão lớn nhất là ôm súng về giải phóng quê hương. “Sinh ra ở Đồng Tháp, đã từng nghe giọng hò quê hương nhưng chưa bao giờ tôi thấy điệu hò Đồng Tháp hay như thế. Bởi đó là người xa xứ nghe điệu hò quê hương, thấy như hết thảy bà con, xứ sở đang trước mặt mình vậy”- nhạc sĩ Cao Văn Lý kể. Và giọng hò của nghệ sĩ Kim Nhụy khiến ông nuôi một tâm nguyện lớn, đó là khôi phục và làm thăng hoa điệu hò quê nhà.
Cũng cần nói thêm, nghệ sĩ Kim Nhụy được mệnh danh là “người hò Đồng Tháp hay nhất thế kỷ XX”. Đĩa than ghi âm giọng hò của bà vào năm 1957 được cố Giáo sư Trần Văn Khê giới thiệu ở 67 quốc gia, vùng lãnh thổ trong sự ngưỡng vọng của bạn bè thế giới.
Vẽ chân dung hò Đồng Tháp
Sau ngày đất nước thống nhất, nhạc sĩ Cao Văn Lý về miền Nam, giảng dạy âm nhạc. Dù học nhạc Tây phương nhưng những điệu hò sông nước ngọt ngào, những bài dân ca đậm tình xứ sở vẫn ngân vang trong lòng người con Đồng Tháp.
Và rồi, như một mối “duyên trời định”, trong một buổi họp mặt đồng hương ở Hồng Ngự Tết Nguyên đán 2007, ông được một vị lãnh đạo của tỉnh Đồng Tháp mời về khôi phục điệu hò Đồng Tháp. Ông bằng lòng ngay với cả sự trân trọng và hoài bão lớn. Công trình nghiên cứu khoa học “Sưu tầm, nghiên cứu và phục hồi điệu hò Đồng Tháp” được ông bắt tay thực hiện, gồm 3 phần: sưu tầm, nghiên cứu và phục hồi. Trong đó, cái khó nhất là những đợt điền dã, sưu tầm bởi trong thời “gạo châu củi quê”, mấy ai còn hò. Người rành về hò Đồng Tháp thì hoặc đã già yếu, hoặc đã qua đời.
Kỷ niệm mà nhạc sĩ Cao Văn Lý nhớ hoài là trong lần ghi âm giọng hò của cụ Bùi Thị Hiệp (Sáu Hiệp, ở Tháp Mười- Đồng Tháp), lúc ấy đã 91 tuổi. Do sức khỏe cụ Sáu đã yếu không thể hò nên ông phải hò cho bà nghe, khi nào đúng thì ông ký âm lại. Hò cả một buổi mà cụ vẫn lắc đầu ngoay ngoáy vì chưa đúng lòng mình. Hò lần cuối khi trời đã tối mịt, tổng hợp những góp ý của cụ, ông cất giọng ngân vang. Cụ Sáu gật đầu mừng rỡ: “Vậy là phải rồi!”.
Nghệ nhân trình diễn hò Đồng Tháp.
Hò Đồng Tháp có thời như “bóng không hình”, đến nỗi những người làm văn hóa cũng không tin có điệu hò này. Nhạc sĩ Cao Văn Lý thì quyết chứng minh quê mình có một làn điệu dân ca đẹp đẽ, tinh khôi như những đóa sen hồng. Thực hiện đề tài khi tuổi đã “cổ lai hy” nhưng ông vẫn rong ruổi khắp các địa phương của Đồng Tháp, vẫn lặn lội đến với bưng biền, với ruộng đồng để nghe bà con hò rồi ký âm, lưu giữ. Đêm về, ông lại miệt mài bên những tài liệu sưu tầm, cố công phân biệt hò Đồng Tháp với hò Cần Thơ, hò Bến Tre… hầu khẳng định nét riêng có của quê hương mình. Nhạc sĩ Cao Văn Lý vẫn hay lý giải: hò Đồng Tháp không bới móc, đả phá ai mà toàn nói chuyện nhân nghĩa ở đời, chuyện quê hương xứ sở. Điều đó làm nên sức sống của những câu hò.
Vậy là chân dung điệu hò Đồng Tháp đã thành hình với một diện mạo tuy xưa cũ mà vẫn thanh tân. Điều còn lại là làm sao để thổi hồn vào bức chân dung không hồn ấy. Đó là câu chuyện truyền nghề và truyền lửa…
Ru lại câu hò
Sau khi sưu tầm, nghiên cứu, nhạc sĩ Cao Văn Lý đã phối hợp cùng Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp mở nhiều lớp tập huấn về điệu hò Đồng Tháp. Lần đầu tiên trong lịch sử của điệu hò trăm năm này, có một lớp dạy hò mà người dạy là ông giáo đã ngoài 70. Những học viên, có người là công chức, giáo viên, có người là diễn viên quần chúng; người 40- 50 tuổi, người tuổi đôi mươi… đều bị quyến rũ bởi giọng hò nhặt khoan, trầm bổng và bởi tâm huyết người thầy.
Những “hạt giống” mà thầy Lý gieo đã “nảy mầm” xanh tốt. Anh Trần Trọng Hữu- Trưởng Ban Tuyên huấn Tỉnh Đoàn Đồng Tháp- là một ví dụ. Những ngày đầu tham gia lớp tập huấn, anh Hữu còn chẳng dám hò, vậy mà sau đó, anh đã tự tin cất giọng hò của quê mình. Giờ đây, hò Đồng Tháp như là một “đặc sản” để anh Hữu “đãi” bạn phương xa. “Được giới thiệu hò Đồng Tháp cho nhiều người, tôi vui lắm. Đó là vẻ đẹp của quê hương mình”- anh Hữu tâm sự.
Còn với Cẩm Nhung- diễn viên Đoàn Văn công tỉnh Đồng Tháp thì mãi mãi không bao giờ quên công lao của nhạc sĩ Cao Văn Lý. Bởi khi ông đi tìm những nhân tố có thể hò Đồng Tháp thì cô chỉ là cán bộ xã hướng dẫn đoàn. Rồi được nhạc sĩ chăm bồi, cô đã trưởng thành rất nhanh, đoạt luôn 3 huy chương vàng về hò Đồng Tháp tại Liên hoan Dân ca Việt Nam vào các năm: 2011, 2013 và 2015. Đặc biệt, sau những cuộc thi này, Cẩm Nhung đã được nhận vào biên chế của Đoàn Văn công tỉnh Đồng Tháp. Nghệ sĩ Cẩm Nhung nói: “Thầy dạy hò, dạy tâm thế của một người hò và dạy luôn tình yêu quê hương xứ sở cho chúng tôi qua những điệu hò. Tôi nhớ ơn Thầy nhiều lắm!”.
Từ đề án của nhạc sĩ Cao Văn Lý, điệu hò Đồng Tháp đã vang xa hơn thế. Hò Đồng Tháp có mặt tại Liên hoan Dân ca Việt Nam năm 2011, sau hơn 50 năm “xuất ngoại” đến “xứ sở của những lãng quên”. Tiết mục hò Đồng Tháp đoạt luôn giải A với số điểm tuyệt đối. Rồi liên tục những kỳ liên hoan tiếp theo, hò Đồng Tháp luôn là “đối thủ đáng gờm” trên sàn diễn. Anh Trương Chí Dũng, một nghệ sĩ hò Đồng Tháp từng đoạt giải A tại Liên hoan Dân ca Việt Nam 2015 kể: “Khi tiết mục hò Đồng Tháp được công bố giải A, tôi gọi điện cho thầy. Thầy reo lên trong điện thoại và rưng rưng chúc mừng”.
Thạc sĩ Nguyễn Bích Hằng- giảng viên Trường Đại học Đồng Tháp, đến với điệu hò này trong một dịp tình cờ và rồi cô đã chọn đề tài “Hò ở Đồng Tháp và việc truyền dạy cho sinh viên ngành sư phạm âm nhạc” để tốt nghiệp bậc Cao học. Thạc sĩ Nguyễn Bích Hằng nói rằng, càng nghiên cứu về hò, cô càng bị cuốn hút.
Hò Đồng Tháp đã được UBND tỉnh đệ trình hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Ông Nguyễn Ngọc Thương, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp, khẳng định công lao của nhạc sĩ Cao Văn Lý trong việc làm sống dậy điệu hò xứ sở và cho biết: “Địa phương gắn hò Đồng Tháp qua nhiều liên hoan văn hóa, văn nghệ để tìm những nghệ nhân tiếp tục kế thừa sự nghiệp của thầy Lý. Đến nay, toàn tỉnh Đồng Tháp có hơn 300 người có thể hò và viết lời mới cho hò Đồng Tháp, mang lại sức sống cho điệu hò xưa”.
Điệu hò xưa đã được “ru lại” bằng tâm hồn và tâm huyết của một nhạc sĩ nặng lòng quê hương. Để hôm nay về lại đất Sen Hồng, lại nghe vẳng xa giọng hò dìu dặt, say lòng.
Theo Báo Cần Thơ