Những chiếc cầu quê hương

04/04/2023 - 09:11

Năm 1997, bà con tỉnh Vĩnh Long và các tỉnh miền Tây nhận được tin vui: cầu Mỹ Thuận vượt sông Tiền được khởi công xây dựng, chiếc cầu là mơ ước của biết bao người. Có cầu sẽ giúp bà con thoát cảnh qua sông phải lụy phà diễn ra cả trăm năm qua.

Ngày 21/5/2000, cầu Mỹ Thuận được khánh thành. Buổi lễ được tổ chức bên bờ phía Bắc, thuộc tỉnh Tiền Giang.

Đến dự lễ có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong khu vực, trong đó có nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt (lúc này là cố vấn BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam), riêng đoàn đại biểu của Chính phủ Úc, đến Vĩnh Long bằng máy bay trực thăng.

Máy bay sẽ hạ cánh xuống phi trường Vĩnh Long cũ và được xe ô tô đưa sang bờ Tiền Giang dự lễ khánh thành.

Công trình cầu Mỹ Thuận 2 (ảnh chụp vào tháng 2/2023).Ảnh: Trần Thanh Sang (TP Vĩnh Long)

Đến trưa, buổi lễ xong xuôi thì cũng là lúc cầu Mỹ Thuận “vỡ trận” hàng chục ngàn bà con các nơi nghe tin cầu khánh thành đã kéo về đây từ rất sớm để tận mắt nhìn thấy và được đi qua chiếc cầu thế kỷ.

Tôi nhớ trong biển người hôm ấy có một ông cụ già râu tóc bạc phơ, đầu đội nón lá, đi đôi dép nhựa cũ mòn đã nói: “Hôm nay, qua (tôi- xưng hô của người miền Tây) nhất định phải đi bộ lên cầu Mỹ Thuận, rồi về nhà qua chết cũng được!”

Chính sự hăm hở, vui mừng sau bao năm chờ đợi của bà con miền Tây và các tỉnh thành khác đã làm QL1 ở hai đầu cầu Mỹ Thuận kẹt cứng, người xe kéo dài cả chục cây số.

Nhiều bà con phải lọt vào “cảnh khổ”, chấp nhận đội nắng, hứng mưa, nhịn đói để di chuyển từng thước, còn điện thoại di động lúc này thì cũng vô phương liên lạc…

Đến khi cầu Cần Thơ được khởi công vào năm 2004, tôi thầm nghĩ có thêm cầu Cần Thơ cửa ngõ của miền Tây vựa lúa ĐBSCL sẽ rộng mở, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam ngày càng phát triển.

Ngày 24/4/2010, cầu Cần Thơ khánh thành, nhưng lượng người đến xem không còn đông bằng như hồi khánh thành cầu Mỹ Thuận.

Tôi chạy xe xuống bến phà Cần Thơ để ghi lại hình ảnh những chuyến phà cuối cùng từ từ tách bến băng qua sông Hậu và chợt nghe tiếng em gái xách chùm nem bước xuống ponton phà khe khẻ hát mấy câu… 

Em đi mau kẻo trễ chuyến phà đêm, qua bến bắc Cần Thơ… (Bài Chiếc áo bà ba, sáng tác Trần Thiện Thanh).

Giờ đây mỗi lần có dịp đi ngang cầu Mỹ Thuận, nhìn về phía thượng lưu sông Tiền thấy cầu Mỹ Thuận 2 đã hình thành 2 trụ tháp hình chữ A và những sợi dây văng đầu tiên đã được kéo lên trụ tháp, còn con đường cao tốc đấu nối vào đường dẫn đã hình thành rõ nét.

Theo kế hoạch đường cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ cùng với cầu Mỹ Thuận 2 sẽ hoàn thành vào cuối năm nay.

Có người lo ngại nói cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 khi đưa vào sử dụng chắc số người ghé qua Vĩnh Long sẽ giảm bởi lúc ấy xe đang ngon trớn, chạy êm ru trên cao tốc mà muốn ghé Vĩnh Long thì phải có cái gì đó hấp dẫn, níu chân du khách, còn bằng không thì… xe ta bon bon trên dặm đường- đi thẳng.

Nhưng lập tức có người phản bác: Hiện nay ở Vĩnh Long nhiều khu công nghiệp, nhà máy mọc lên, thu hút các nhà đầu tư, tạo công ăn việc làm cho hàng chục ngàn lao động, rồi thế mạnh của vùng đất nông nghiệp với lúa, cá, tôm, cùng nhiều loại cây trái đặc sản bốn mùa, Vĩnh Long còn các khu lưu niệm, nhiều di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, vùng di sản gạch gốm đương đại Mang Thít, các khu du lịch sinh thái, tâm linh… cùng sự có mặt của 4 trường ĐH lớn như ĐH Xây dựng Miền Tây, ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long, ĐH Cửu Long, ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh phân hiệu Vĩnh Long đang đào tạo hàng chục ngàn sinh viên khắp mọi miền, kể cả sinh viên, nghiên cứu sinh nước ngoài theo học… chắc chắn Vĩnh Long sẽ là một điểm đến hấp dẫn của nhiều người, họ đến để chiêm nghiệm về vùng đất được mệnh danh là “địa linh nhân kiệt”, “vùng đất học” với bề dày truyền thống văn hóa, văn nghệ mà cha ông đã lao động, sáng tạo từ thuở đi mở cõi, với những nhà văn nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ, soạn giả, ca sĩ, diễn viên… nổi tiếng và được tiếp nối với sức trẻ thời hiện đại đã nhiều lần chinh phục đường lên đỉnh Olympia...

Đến Vĩnh Long để được đi trong màu xanh xứ sở đồng bằng, được ngồi trên những chuyến đò lênh đênh dọc ngang sông nước, được hòa mình vào cái nắng chói chang và rất có thể hứng trọn cơn mưa bất chợt của miền châu thổ.

Đến để được ngồi quây quần bên mâm cơm với các món ăn dân dã xứ đồng, rồi nghe đôi câu vọng cổ được trình bày bởi các giọng ca tài tử thiệt mùi cùng hòa quyện với những tiếng đàn ngân vang, sâu lắng để nhớ hoài hai tiếng Vĩnh Long.

Theo Báo Vĩnh Long