![Nỗ lực vì an sinh xã hội, vì cuộc sống Nhân dân](https://images.baoangiang.com.vn/image/fckeditor/upload/2025/20250206/images/SB4198%207-1.jpg)
Được giới thiệu việc làm, nhiều người lao động có công việc, thu nhập ổn định, phát triển đời sống.
Thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu được giao
Nhờ được học nghề may công nghiệp rồi vào làm ở Công ty Cổ phần may Một Ngàn (huyện Châu Thành A), chị Nguyễn Thị Nương, ở ấp Nhơn Hòa, xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A, đã có thêm thu nhập hàng tháng. Chị Nương cho biết: “Có công việc gần nhà, phụ nữ nông thôn chúng tôi mừng lắm, bởi vừa có thể kiếm tiền vừa lo được chuyện gia đình và con cái”. Trước đây, chị Nương làm công nhân cho một công ty ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, vì nhiều lý do chị xin nghỉ. Về quê chị đi bán rau cải, chồng làm phụ hồ, nhưng thu nhập bấp bênh, cuộc sống không tránh khỏi tình trạng túng thiếu. Hiện nay, chị có được công việc ổn định, thu nhập hàng tháng, cuộc sống gia đình nhờ đó được ổn định hơn.
Chị Nương là một trong số hàng nghìn lao động trên địa bàn tỉnh được học nghề gắn với giải quyết việc làm. Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trong năm 2024, toàn tỉnh có trên 10.800 lao động được đào tạo nghề, đạt 166,4% kế hoạch của ngành, tăng 36,2% so với cùng kỳ năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70,4%. Trên 26.000 lao động được giải quyết việc làm, đạt 173,6% chỉ tiêu Nghị quyết của Tỉnh ủy, tăng 55,8% so với cùng kỳ.
Theo ông Hà Văn Chính, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Châu Thành A: Hàng năm, phòng đều chủ động phối hợp với các xã, thị trấn trên địa bàn nắm bắt nhu cầu việc làm của người lao động để giới thiệu cho những doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển lao động trên địa bàn. Mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các lớp nghề đều hướng đến nhu cầu của xã hội. Sau khi học nghề, học viên có thể tự tạo việc làm, được bao tiêu sản phẩm hoặc được giới thiệu vào làm tại các công ty, doanh nghiệp. Qua đó, góp phần giúp người lao động ổn định cuộc sống.
Trong năm vừa qua, nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều từ hỗ trợ thực hiện dự án sinh kế, vay vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật đến hỗ trợ nhà ở, giới thệu việc làm, tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản, công tác giảm nghèo của tỉnh đã đạt kết quả tích cực. Đến cuối năm, toàn tỉnh giảm còn 1,48% hộ nghèo (kết quả rà soát sơ bộ) biên độ giảm 1,81%, vượt 0,81% Nghị quyết Tỉnh ủy đề ra (Nghị quyết 1%), đời sống người dân được nâng lên về vật chất lẫn tinh thần.
Bà Võ Thị Hồng Lan, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Vị Thanh, cho biết: “Việc triển khai đồng bộ các chính sách giảm nghèo, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, sự nỗ lực vươn lên của hộ nghèo, cận nghèo đã góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo trong năm. Qua rà soát cuối năm, thành phố giảm được 1,36% hộ nghèo, vượt so với chỉ tiêu được giao (chỉ tiêu giao giảm 0,7%)”.
Với những hoạt động và giải pháp thiết thực, hiệu quả, ngành lao động - thương binh và xã hội đã đạt và vượt nhiều chỉ tiêu được giao. Song song đó, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, đảm bảo đời sống người dân.
Góp phần đảm bảo an sinh
Xem lại những tấm ảnh kỷ niệm trong chuyến đi điều dưỡng tập trung, ông Trần Văn Dễ, thương binh 4/4, ở ấp Nhơn Phú, xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A, có nhiều cảm xúc. Ông Dễ chia sẻ: “Khi đi điều dưỡng tập trung ngoài được phục hồi sức khỏe với chế độ chăm sóc đặc biệt, chúng tôi còn gặp lại những đồng đội từng một thời tham gia chiến đấu. Hôm nay, nhìn quê hương, đất nước đổi mới, phát triển, ai nấy cảm thấy hạnh phúc, tự hào”.
Đầu năm 1973, ông Dễ tham gia du kích địa phương. Đến tháng 3 cùng năm, trong trận đánh với quân thù ông đã bị bắn trúng tay và chân phải. Hòa bình, trở về cuộc sống đời thường với đôi chân không lành lặn, ông luôn cố gắng lao động để lo đời sống. Nhờ cần mẫn trong lao động, từ 3 công đất vườn được gia đình cho ban đầu, ông đã mua thêm được 8 công vườn. Hiện nay, gia đình trồng nhãn Ido, nhờ bán được giá, mỗi năm cũng kiếm được từ 150 đến 200 triệu đồng. Ông Dễ chia sẻ: “Chúng tôi được hưởng đầy đủ chế độ của Nhà nước, được chính quyền địa phương quan tâm, chăm lo chu đáo. Năm 2008, gia đình được hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa. Sau đó, tiếp tục được hỗ trợ sửa chữa nhà. Những tình cảm và sự quan tâm ấy, chúng tôi thấy ấm lòng và luôn tự nhủ bản thân phải nỗ lực vươn lên trong mọi hoàn cảnh để làm gương cho con cháu và góp sức xây dựng quê hương”.
Nhờ những nỗ lực trong công tác đền ơn đáp nghĩa, đời sống vật chất và tinh thần của người có công, gia đình chính sách ngày được nâng lên, nhà ở được cải thiện khang trang, góp phần động viên, giúp họ vượt qua khó khăn, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đến nay 98% người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú.
Cùng với thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, các xã, phường, thị trấn rà soát, thường xuyên nắm tình hình đời sống các trường hợp bảo trợ xã hội, để triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách đối với người thụ hưởng. Với những người già yếu, neo đơn, vận động xã hội hóa để hỗ trợ.
Những nỗ lực của ngành lao động - thương binh và xã hội đã góp phần cùng tỉnh thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân về vật chất lẫn tinh thần, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trong năm 2024, toàn tỉnh có trên 10.800 lao động được đào tạo nghề, đạt 166,4% kế hoạch của ngành, tăng 36,2% so với cùng kỳ năm 2023; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70,4%. Trên 26.000 lao động được giải quyết việc làm, đạt 173,6% chỉ tiêu Nghị quyết của Tỉnh ủy, tăng 55,8% so với cùng kỳ. Tổ chức đưa đón 351 người có công với cách mạng đi tham quan, điều dưỡng tập trung. Thực hiện trợ cấp hàng tháng cho 455.780 lượt trường hợp bảo trợ xã hội...
Theo Báo Hậu Giang