Phát triển giao thông thủy- "mở cổng" logistics

04/05/2023 - 14:16

Thời gian tới, Bộ GT-VT xác định chú trọng đến phát triển vận tải đa phương thức ở ĐBSCL. Trong đó, Vĩnh Long hiện có nhiều lợi thế về đường thủy nội địa, tiềm năng phát triển hệ thống logistics, hứa hẹn sẽ “cất cánh” cùng ĐBSCL, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội.

Phát triển đường thủy đa phương thức

Bộ GT-VT xác định chú trọng phát triển vận tải đa phương thức ở khu vực ĐBSCL, trong đó lấy đường thủy là trọng tâm.

Đó là nội dung chủ yếu trong kế hoạch phát triển vận tải theo hướng hiện đại, đồng bộ, giảm chi phí và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nhằm thúc đẩy phát triển vận tải 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL.

Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu thị phần vận tải, bảo đảm kết nối hài hòa và hiệu quả giữa các phương thức vận tải; chú trọng phát triển vận tải đa phương thức; đổi mới công nghệ xếp dỡ tại các đầu mối vận tải, áp dụng các công nghệ vận tải tiên tiến, phát triển đồng bộ dịch vụ hỗ trợ vận tải, vận tải đa phương thức, nâng cao chất lượng dịch vụ logistics;…

Cũng theo Bộ GT-VT, kế hoạch sẽ ưu tiên phát triển vận tải đa phương thức trên các hành lang vận tải chính, đặc biệt là hành lang Bắc- Nam và hành lang kết nối với các cảng biển cửa ngõ quốc tế nhằm tăng khối lượng hàng hóa vận chuyển, giảm chi phí vận tải biển, giảm chi phí logistics đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Trục hành lang kinh tế Đông- Tây sẽ giúp Vĩnh Long kết nối với các nước ASEAN và quốc tế. Trong ảnh: KCN Bình Minh. Ảnh: TL

Hệ thống cảng cạn cũng sẽ được phát triển mạnh mẽ làm đầu mối kết nối các phương thức vận tải kết hợp cung cấp các dịch vụ logistics. Khuyến khích, tạo điều kiện hình thành các doanh nghiệp vận tải có quy mô lớn, có khả năng thực hiện các chuỗi vận tải nội địa- quốc tế với giá thành hợp lý, chất lượng cao.

Hệ thống kho bãi, thiết bị xếp dỡ, đường giao thông kết nối tại các cảng đầu mối cũng sẽ được đầu tư bằng hình thức xã hội hóa nhằm kết nối tốt dịch vụ vận tải đường thủy nội địa với các phương thức vận tải khác…

Thời gian tới, Bộ GT-VT sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để tạo môi trường pháp lý đầy đủ, thu hút các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh vận tải.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính trong lĩnh vực vận tải; nghiên cứu hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng theo hình thức đối tác công tư (PPP) và cơ chế chính sách xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ vận tải cũng sẽ được bổ sung, hoàn thiện.

Đồng thời, các hệ thống quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn, định mức cũng sẽ được chuẩn hóa nhằm giảm giá thành vận chuyển, xây dựng, khuyến khích sản xuất, lưu thông hàng hóa, nâng cao công tác quản lý nhà nước và phù hợp với các điều ước, cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

“Mở cổng” logistics

Vĩnh Long có nhiều lợi thế phát triển vận tải đường thủy nội địa với hệ thống sông, kênh rạch dày đặc.

Vĩnh Long có nhiều lợi thế phát triển vận tải đường thủy nội địa với hệ thống sông, kênh rạch dày đặc.

Vĩnh Long hiện đã và đang triển khai nhiều công trình giao thông trọng điểm, hứa hẹn sẽ “cất cánh” cùng ĐBSCL thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội.

Theo Sở GT-VT, Vĩnh Long được sự quan tâm, đầu tư, nhiều công trình giao thông trọng điểm, có tính chiến lược, tạo động lực lớn thu hút đầu tư của tỉnh được triển khai.

Hiện nay, có một số công trình trọng điểm do Trung ương đầu tư, quản lý gồm: trên bộ có Dự án cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ.

Ngoài ra, đường thủy, Vĩnh Long có 2 cảng lớn là khu bến Vĩnh Thái nằm ở sông Cổ Chiên, trọng tải tàu 3.000 tấn và khu bến Bình Minh nằm luồng bên phải luồng Định An- Cần Thơ trên sông Hậu, trọng tải tàu 10.000 tấn.

Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường và xã hội về Dự án Phát triển hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam của Ban quản lý Dự án đường thủy (Bộ GT-VT), dự án này 3 hợp phần.

Trong đó, hợp phần A sẽ nâng cấp hành lang Đông- Tây đạt tiêu chuẩn đường thủy nội địa cấp II, là đường thủy nối cảng Cần Thơ đến TP Hồ Chí Minh chiều dài toàn tuyến 197km.

Với lộ trình này, Vĩnh Long đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển đường thủy nội địa, hướng đến hình thành chuỗi logictics khu vực.

Theo ông Đinh Quang Huy- Phó Giám đốc Sở GT-VT tỉnh, về lâu dài, Vĩnh Long cần có quy hoạch tổng thể và đồng bộ trong việc phát triển chuỗi logistics nội vùng và kết nối với các vùng kinh tế trọng điểm khác.

Theo đó, cần quy hoạch phát triển luồng vận tải đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa nội tỉnh dựa trên cơ sở hệ thống đường tỉnh và một số tuyến đường huyện, với chức năng phân phối hàng hóa, thu gom hàng hóa từ người dân đến các chợ đầu mối, bãi tập kết nông sản; phát triển luồng hàng hóa liên tỉnh thông qua các tuyến quốc lộ, cao tốc, đường thủy nội địa, tương lai là các tuyến đường sắt nhằm kết nối các tỉnh, thành phố trong khu vực và cả nước.

Đồng thời phát triển hệ thống cảng biển, luồng hàng hải sông Tiền, sông Hậu cho các tàu có tải trọng lớn, thuận lợi vận chuyển hàng hóa góp phần phát triển xuất khẩu nông, thủy sản…

Theo Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời, Vĩnh Long nằm trên điểm giao của 2 trục hành lang kinh tế đô thị quan trọng là sông Tiền và sông Hậu (trục hành lang kinh tế Đông- Tây) và QL91 (tuyến Nam sông Hậu) với cực Tây là khu vực cửa khẩu An Giang và Đồng Tháp, cực Đông là vùng đô thị- cảng ven biển (cảng vùng) và hệ thống cảng Sóc trăng (cảng Trần Đề), đây là trục kết nối với các nước ASEAN và quốc tế.

“Tỉnh cũng định hướng phát triển vận tải đa phương thức nhằm khai thác tối đa hiệu quả kinh tế đảm bảo tiêu chí giao hàng nhanh nhất, giá thành cạnh tranh nhất cho hàng hóa của vùng đồng bằng, quan tâm phát triển nguồn nhân lực trong ngành vận tải.

Đồng thời nghiên cứu, áp dụng mạnh mẽ chuyển đổi số trong lĩnh vực giao thông vận tải nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo kết cấu hạ tầng thông tin liên lạc an toàn, bảo mật, kịp thời, thông suốt trong công tác điều hành quản lý hệ thống logistics…”- ông Lữ Quang Ngời cho biết.

Theo KHÁNH DUY (Báo Vĩnh Long)