Ông Tăng Văn Sáng, xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) chia sẻ: "Hơn 20 năm trồng hành tím, tôi chỉ sử dụng các loại phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật. Chính vì vậy, chi phí đầu tư cho mùa vụ rất cao, lợi nhuận thu về không nhiều. Gặp thời điểm hành rớt giá còn bị lỗ".
Theo khuyến cáo của các chuyên gia nông nghiệp, việc sử dụng nhiều phân bón, thuốc hóa học làm cho đất ngày càng thoái hóa, bạc màu dẫn đến hành dễ nhiễm các loại dịch bệnh và sâu hại tấn công, chất lượng củ hành kém, củ hành nhỏ và năng suất hành giảm. Hành sau khi thu hoạch, nếu cất giữ trong kho khoảng từ 4 - 5 tháng vẫn phải sử dụng các loại thuốc hóa học để bảo quản. Canh tác hành theo phương thức truyền thống, do chi phí cao nên lợi nhuận thấp. Từ kinh nghiệm và hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, tôi đã chuyển sang hướng hữu cơ và duy trì gần 4 năm nay với diện tích 1,3ha. Tôi được ngành chuyên môn của tỉnh và Tập đoàn Quế Lâm hỗ trợ về phân bón và kỹ thuật canh tác hành theo quy trình hữu cơ.
Theo ông Sáng, hành tím trồng theo hướng hữu cơ năng suất tăng từ 10 - 30% so với trồng truyền thống; giảm chi phí đầu tư mùa vụ từ 10 - 20%. Giá bán hành thương phẩm tăng từ 1.000 - 3.000 đồng/kg. Sử dụng phân hữu cơ, đất tơi xốp, màu mỡ, giúp cây hành sinh trưởng khỏe hạn chế sâu bệnh. Với 1,3ha trồng hành thương phẩm theo hướng hữu cơ, năng suất thu về 21 tấn/ha/vụ (1 năm trồng 2 vụ hành), trừ chi phí ông bỏ túi hơn 200 triệu đồng/vụ.
Ông Đoàn Út Xuân, xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) bên vườn sầu riêng canh tác theo hướng hữu cơ với diện tích 2,7ha. Ảnh: THÚY LIỄU
Thấy hiệu quả từ canh tác cây ăn trái theo hướng hữu cơ, ông Đoàn Út Xuân, xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) đã áp dụng trên vườn sầu riêng 2,7ha hơn 5 năm. Ông Xuân chia sẻ: "Nhờ canh tác sầu riêng theo hướng hữu cơ, diện tích vườn đã được cấp mã số vùng trồng, chất lượng đảm bảo nên được công ty đến thu mua. Khi trồng sầu riêng theo hướng hữu cơ, tôi thấy đất dưới gốc cây ngày càng xốp hơn, cây xanh tốt hơn, trái có màu xanh đẹp mắt và số lượng trái đạt tiêu chuẩn hàng loại 1 tăng lên trên 80%. Trồng sầu riêng theo cách này, cây ít bị sâu bệnh tấn công và năng suất trái tăng cao hơn. Nếu so với cách trồng sầu riêng truyền thống năng suất tăng hơn 2 tấn/ha. Với 2,7ha sầu riêng, có tuổi đời từ 6 - 25 năm cho thu hoạch hơn 55 tấn trái/vụ/năm, trừ chi phí lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/năm”.
Theo đồng chí Trần Tấn Phương - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng, trong bối cảnh thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản có xu hướng mở rộng, đặc biệt là nhu cầu xuất khẩu trái cây có nguồn gốc xuất xứ đạt các tiêu chuẩn xuất khẩu ngày càng cao. Cùng với đó, sản xuất theo hướng hữu cơ đã đem lại các lợi ích thiết thực cho bà con nông dân như: tăng năng suất trên cây trồng, sản phẩm sau thu hoạch bán được giá tốt hơn, góp phần xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm nông sản địa phương. Từ kết quả sản xuất theo hướng hữu cơ đem lại cho nông dân, UBND tỉnh Sóc Trăng đã thông qua việc triển khai thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ, giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, mục tiêu của đề án là liên kết 4 nhà trong phát triển nông nghiệp hữu cơ trên một số sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Sản xuất nông nghiệp bền vững thân thiện với môi trường, gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ trong nước, khu vực và trên thế giới.
Riêng trong năm 2023, Ban Quản lý Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh tổ chức 11 lớp tập huấn nâng cao nhận thức về nông nghiệp hữu cơ cho các đối tượng là cán bộ từ tỉnh đến cơ sở, tại các địa phương tham gia đề án. Hỗ trợ tư vấn 14 mô hình sản xuất hữu cơ; xây dựng, hỗ trợ phát triển thương hiệu cho 3 sản phẩm trong các mô hình. Tổ chức hội nghị liên kết, tiêu thụ các sản phẩm của mô hình sản xuất hữu cơ trong tỉnh và tổ chức gian hàng trưng bày sản phẩm tại lễ hội, hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh…
Theo THÚY LIỄU (Báo Sóc Trăng)