Sóc Trăng: Đợi chờ và kỳ vọng

09/07/2024 - 15:33

Tuy rất chờ đợi và cũng rất kỳ vọng vào những tín hiệu tích cực sẽ đến vào giai đoạn nửa cuối năm 2024, nhưng hơn ai hết, tất cả các bên liên quan trong chuỗi giá trị thủy sản nói chung và ngành tôm nói riêng đều nỗ lực tìm lối đi mới để tìm kiếm cơ hội, chứ không thụ động chờ cơ hội tự đến với mình.

Thị trường tôm thế giới còn đầy phức tạp, nhiều ẩn số, biến số và giá tôm đang ở mức thấp khiến sức cạnh tranh của con tôm Việt Nam giảm sút trên thị trường thế giới. Vì vậy, bên cạnh nỗ lực tìm lối đi mới, ngành tôm vẫn đang ngóng chờ những tín hiệu tích cực hơn sẽ đến từ nửa cuối năm 2024. Đó là các quyết định dự kiến sẽ được công bố vào tháng 7 và tháng 8 tới đây của Bộ Thương mại Mỹ về việc có công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường hay không? Là phán quyết cuối cùng về mức thuế chống trợ cấp ngành tôm liệu có theo hướng có lợi cho ngành tôm Việt Nam hay không? Và đó còn là kết quả thanh tra của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (gọi tắt là IUU); là sự hồi phục về sức tiêu thụ từ các thị trường nhập khẩu lớn…

Cả doanh nghiệp và người nuôi tôm đều rất chờ đợi và kỳ vọng vào những tín hiệu cung - cầu tích cực hơn trong nửa cuối năm 2024. Ảnh: TÍCH CHU

Theo các doanh nghiệp, cả 2 quyết định về: công nhận nền kinh tế thị trường cho Việt Nam và mức thuế chống trợ cấp ngành tôm của Bộ Thương mại Mỹ đều có tác động rất lớn đến ngành tôm, nên đây cũng là 2 vấn đề hiện đang được doanh nghiệp thủy sản rất quan tâm và kỳ vọng sẽ có một kết quả tốt đẹp để có thể đưa ra những sách lược cho giai đoạn nửa cuối năm 2024 và cả chiến lược dài hơi cho những năm tiếp theo. Tuy nhiên, các doanh nghiệp ngành tôm đều không hề chờ đợi một cách thụ động, mà luôn có đối sách, hướng đi mới cho riêng mình. Theo đó, thị trường Mỹ tuy có sức tiêu thụ lớn, nhưng tôm Việt gặp bất lợi trong cạnh tranh với tôm giá rẻ đến từ Ecuador và Ấn Độ và gần đây là giá cước vận tải tăng mạnh. Do đó, hiện hầu hết doanh nghiệp đều giảm tỷ trọng xuất khẩu vào thị trường này mà tập trung cho thị trường gần, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Trung Quốc… Ngay cả Tập đoàn Thủy sản Minh Phú vốn lấy thị trường Mỹ làm chủ lực thì nay cũng đang có kế hoạch chuyển hướng sang thị trường Trung Quốc để hạn chế rủi ro.

Theo bà Lê Hằng - Giám đốc Truyền thông của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), chính yếu tố thị trường đang chi phối giá xuất và giá nguyên liệu thủy sản của Việt Nam, trong đó có con tôm. Trong khi nhu cầu của các thị trường hồi phục chậm, thì cạnh tranh các nguồn cung lại tăng, nên giá xuất khẩu đi hầu hết các thị trường đều giảm. Gần đây nhất là tháng 5, tôm là mặt hàng bị tác động giảm giá rõ rệt nhất, nên xuất khẩu đã giảm 2,3%, trong đó riêng tôm chân trắng giảm 7%, tôm sú giảm 6%. Bức tranh thị trường đến cuối quý II vẫn chưa có gì sáng sủa, nhưng theo bà Hằng, hy vọng nửa cuối năm, các thị trường nhập khẩu chính sẽ có tín hiệu tốt hơn, nhất là sự hồi phục của thị trường Mỹ sẽ giúp định hướng và tác động tích cực đến các thị trường khác. Bà Hằng cũng kỳ vọng từ quý III trở đi, các vấn đề tồn kho và khó khăn vận tải sẽ giảm bớt, nhu cầu sẽ phục hồi và giá sẽ tăng lại vì đây là thời điểm nhu cầu nhập khẩu sẽ cao nhằm phục vụ nhu cầu dịp lễ, Tết cuối năm. Đây là điều doanh nghiệp đang rất chờ đợi nhưng cũng có đôi chút lo lắng, bởi giá tôm giảm mạnh thời gian dài khiến nhiều hộ ngưng nuôi, nguy cơ thiếu tôm nguyên liệu dịp cuối năm.

Nhìn nhận 6 tháng đầu năm 2024 thật sự là rất khó khăn đối với ngành tôm, nhưng theo ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, ngành tôm vẫn có những điểm sáng nhất định để toàn ngành tiếp tục nuôi hy vọng về một kết quả khả quan hơn trong 6 tháng cuối năm. Điểm sáng đầu tiên theo ông Lực là doanh số xuất khẩu tôm toàn ngành có tăng trưởng, dù là một con số và điểm sáng thứ hai là cơ cấu thị trường cân bằng hơn, từ đó sẽ giảm rủi ro hơn. Riêng đối với Sao Ta tỷ lệ tăng trưởng có tốt hơn khi đạt mức hai con số, đáp ứng kỳ vọng của doanh nghiệp. Cũng như bà Hằng, ông Lực nhận định, giai đoạn nửa cuối năm sẽ "nhẹ thở" hơn, do đây là lúc nhu cầu thị trường tăng mạnh, nhưng không vì thế mà được phép chủ quan, bởi diễn biến tình hình là vô chừng với những biến số tác động cho cả cầu lẫn cung.

Đối với cầu thị trường, ẩn số đầu tiên được đặt ra là khi nào xung đột vũ trang Đông Âu và Trung Đông dừng lại? Đây là vấn đề có tác động lớn tốc độ phục hồi kinh tế thế giới, từ đó dẫn đến câu hỏi và cũng là ẩn số thứ hai, là khi nào suy thoái và lạm phát giảm mạnh. Còn đối với nguồn cung, theo các doanh nghiệp, họ đang thiếu thông tin chính thống về tình hình chung nguồn cung tôm từ hai cường quốc tôm hàng đầu là Ecuador và Ấn Độ. Cho nên doanh nghiệp luôn gặp khó mà theo ông Lực là do ta chỉ mới “biết ta”, còn chuyện “biết người” thì hạn chế. Do đó, rất cần có sự phối hợp chặt hơn giữa cơ quan chức năng và cộng đồng doanh nghiệp về việc thu thập, xử lý thông tin ngành trên phạm vi quốc tế. Trong khi chờ đợi sự phối hợp trên, mỗi doanh nghiệp đều tìm cách thu thập thông tin qua những kênh riêng của mình, để nắm diễn biến tình hình cung cầu từng thị trường, từng hệ thống tiêu thụ trên thế giới, từ đó có giải pháp, sách lược cho từng tình huống, từng giai đoạn cụ thể. Và nói như ông Lực là: “Tất cả để kịp thời tranh thủ mọi cơ hội ở nửa cuối năm, nhất là cơ hội tăng tốc”.

Đợi chờ và kỳ vọng. Đó là tâm trạng chung của doanh nghiệp cũng như các bên liên quan trong chuỗi giá trị ngành tôm hiện nay. Hy vọng thị trường tới đây sẽ khả quan hơn, lối đi mới sẽ tạo điều kiện sản xuất trong nước ổn định và thuận lợi hơn, cơ hội sẽ đến với ngành tôm một cách rõ ràng hơn để ngành tôm có điều kiện tăng tốc, về đích đúng như mong đợi.

Theo TÍCH CHU (Báo Sóc Trăng)