Sóc Trăng triển khai phương án phòng, chống hạn, mặn mùa khô

21/03/2023 - 10:21

Theo dự báo của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, do ảnh hưởng của La Nina, mưa kết thúc muộn kết hợp với triều cường cao, dẫn đến tổng lượng dòng chảy về đồng bằng sông Cửu Long ở mức tương đương trung bình nhiều năm. Theo đó, lưu lượng dòng chảy trên hệ thống sông Mê Kông về đồng bằng sông Cửu Long nhỏ, nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn vào các tháng mùa khô là rất cao. Do đó, để chủ động phòng, chống hạn, xâm nhập mặn, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh, vào những tháng cao điểm mùa khô năm 2023, các địa phương, ngành chuyên môn và hộ dân trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã triển khai nhiều giải pháp ứng phó hạn, mặn.

Theo thống kê của ngành chuyên môn, diện tích lúa Đông - Xuân muộn (năm 2022 - 2023) trên địa bàn tỉnh hơn 26.900ha tập trung tại một số huyện như: Kế Sách, Mỹ Tú, Thạnh Trị, Châu Thành… lúa đang trong giai đoạn mạ, đẻ nhánh, làm đòng nên cần lượng nước đầy đủ trong ruộng để cây lúa tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, trước tình hình nắng nóng gay gắt, thì độ mặn trên các sông, kênh, rạch có thể tăng cao vào thời điểm hiện tại và các tháng tới sẽ làm ảnh hưởng đến việc lấy nước đưa vào ruộng cung cấp cho cây lúa.

Vì vậy, để ứng phó nếu tình trạng độ mặn lên cao, không thể lấy nước vào ruộng, đồng chí Trần Vĩnh Nghi - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Sóc Trăng khuyến cáo, các địa phương có diện tích lúa thực hiện công tác trữ nước trong hệ thống kênh, rạch, hồ, ao và vận hành công trình thủy lợi hợp lý để lấy nước, đảm bảo trữ đủ lượng nước ngọt sử dụng trong thời gian xâm nhập mặn gia tăng và cả trong mùa khô, đảm bảo nước cung ứng cho lúa; đo độ mặn trước khi lấy nước, có thể sử dụng nước có độ mặn dưới 2‰ để bơm tưới tránh cho mặt ruộng bị khô nứt, nhưng không được giữ lâu trong ruộng, khi có nguồn nước ngọt phải cho nước mới vào thay thế; áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác lúa “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, tưới ngập khô xen kẽ; bón bổ sung một số loại phân bón lá, chế phẩm tăng cường khả năng chống chịu mặn cho cây lúa như: KNO3 (10 gram/lít nước), phân chứa các nguyên tố Ca, Mg, Si…

Bà Đào Diệu Thúy, xã Trường Khánh, huyện Long Phú (Sóc Trăng) dành hẳn 3.000m2 đất đào ao dự trữ nước mưa tưới cho vườn cây ăn trái trong mùa nắng nóng. Ảnh: THÚY LIỄU

Là địa phương chuyên về sản xuất nông nghiệp, huyện Long Phú (Sóc Trăng) rất quan tâm đến nguồn nước tưới, phục vụ cho các loại cây trồng, đặc biệt là đối với diện tích cây ăn trái hơn 12.000ha được trồng tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, bởi đây là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, cần phải được chăm sóc, bảo vệ tốt trong thời điểm mùa nắng nóng. Do đó, để chủ động việc phòng, chống xâm nhập mặn mùa khô, đồng chí Huỳnh Quốc Lâm - Phó Chủ tịch UBND huyện Long Phú nêu một số giải pháp huyện thực hiện, đó là: vận động, hướng dẫn người dân chủ động đắp đập tạm, bờ bao cục bộ trữ nước khi có điều kiện để phục vụ sinh hoạt, sản xuất, chăn nuôi; khuyến cáo nông dân xuống giống theo đúng lịch thời vụ và phù hợp với khả năng đáp ứng nguồn nước của từng vùng; sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi thích nghi với điều kiện hạn, mặn; ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm trên cây trồng trong điều kiện thiếu nước ngọt; hướng dẫn người dân dự trữ nước uống cho đàn vật nuôi. Theo dõi tình hình biến động thời tiết và môi trường nước để khuyến cáo người dân sản xuất phù hợp; hướng dẫn người dân bố trí thời vụ nuôi thủy sản theo tình hình thực tế xâm nhập mặn; tổ chức tuyên truyền, tập huấn hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống, ứng phó hạn, xâm nhập mặn trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; thông báo, dự báo số liệu đo độ mặn hàng ngày tại các trạm thông qua các trang mạng zalo, facebook về phòng, chống thiên tai để người dân biết, chủ động ứng phó…

Thông qua công tác tuyên truyền của chính quyền địa phương và kinh nghiệm thực tế trong nhiều năm trồng cây ăn trái, bà Đào Diệu Thúy, xã Trường Khánh, huyện Long Phú cho biết: "Tôi có diện tích đất 7.000m2 trồng các loại cây ăn trái như: xoài cát, dừa dứa, sapô chê; vườn cây ăn trái hơn 10 năm tuổi thu hoạch trái nhiều đợt trong năm, đem về số tiền hàng chục triệu đồng/năm. Vườn cây ăn trái là nguồn thu nhập chính của gia đình, do đó để bảo vệ vườn cây ăn trái trong mùa nắng nóng, tránh nước mặn xâm nhập, tôi đã dành hẳn diện tích đất 3.000m2 đào đất làm ao trữ nước mưa, tưới cho cây quanh năm. Nhờ có ao trữ nước mưa nên trong các tháng mùa khô, không lo thiếu nước tưới cho vườn cây ăn trái".

Theo đồng chí Trần Hoàng Dũng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trần Đề, vài năm trở lại đây, xâm nhập mặn tiến sâu vào nội đồng, làm ảnh hưởng đến việc lấy nước dùng cho trồng trọt, chăn nuôi và nước sinh hoạt của người dân trên địa bàn huyện. Vì vậy, để phòng, chống hạn, mặn trong mùa khô, huyện triển khai các giải pháp ứng phó như: thông tin, tuyên truyền hướng dẫn người dân chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn; thực hiện nạo vét khu vực cửa cống lấy nước, hệ thống kênh, mương đập ngăn mặn; khuyến cáo người dân xuống giống theo đúng lịch thời vụ và phù hợp với khả năng đáp ứng nguồn nước của từng vùng; hướng dẫn người dân kỹ thuật chăn nuôi, thích ứng biến đổi khí hậu…

Nhằm phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2023, đồng chí Vương Quốc Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh quan tâm thực hiện tốt các giải pháp về phòng, chống xâm nhập mặn bằng cách rà soát, kiểm tra và kịp thời duy tu, gia cố, sửa chữa các cống xung yếu, triển khai các biện pháp giảm thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp, nhất là đối với diện tích cây ăn trái; thường xuyên kiểm tra tình hình nguồn nước, vận hành các cống, tranh thủ lấy nước vào khi nồng độ mặn cho phép; thường xuyên theo dõi diễn biến, thông tin dự báo về tình hình thời tiết, tình hình xâm nhập mặn, chủ động các công tác ứng phó; phối hợp các ngành liên quan rà soát, kiểm tra hệ thống công trình thủy lợi địa phương; rà soát, khoanh vùng các khu vực có nguy cơ ảnh hưởng hạn, mặn, triển khai các giải pháp ứng phó phù hợp cho từng đối tượng cây trồng. Kiên quyết không để người dân sản xuất ở vùng có nguy cơ thiếu nước…

Theo dự báo của ngành chuyên môn, trong tháng 3/2023, độ mặn xâm nhập mạnh và sâu vào trong các kênh, rạch trên địa bàn tỉnh và có khả năng ở mức cao hơn cùng kỳ năm trước từ 0,1 - 4,8‰ và mặn xâm nhập mạnh vào các ngày 19, 20, 21. Dự báo độ mặn cao nhất trên sông Hậu tại Trần Đề là 23,6‰, tại Long Phú 18,8‰, tại Đại Ngãi 9,7‰, tại Rạch Mọp 7,6‰, tại Cái Trâm 4,7‰, trên sông Mỹ Thanh tại Dù Tho 7,1‰, tại Thạnh Phú (Mỹ Xuyên) 2,6‰, tại thành phố Sóc Trăng 2,9‰, trên kênh Quản lộ Phụng Hiệp tại Ngã Năm 8,9‰. Qua độ mặn tại các sông nêu trên, bà con cần lưu ý khi lấy nước vào sản xuất nông nghiệp.

Theo Báo Sóc Trăng