Sóc Trăng: Xã An Mỹ ứng phó với sạt lở

02/10/2023 - 10:20

Hiện nay, có nhiều địa phương trên địa bàn huyện Kế Sách xảy ra sạt lở bờ sông, bờ bao, đê cồn... Trong đó, xã An Mỹ được xem là địa phương thường xuyên xảy ra sạt lở nhất, đặc biệt là tại ấp Phụng An sạt lở rất nghiêm trọng, gây khó khăn cho việc đi lại và làm thiệt hại nhà cửa, cây ăn trái của nhiều hộ dân. Hiện đang trong giai đoạn mùa mưa và sắp đến những tháng triều cường dâng cao, dự báo sạt lở sẽ diễn biến ngày càng phức tạp hơn. Do đó, ngoài việc chính quyền các cấp đầu tư gia cố các điểm có nguy cơ sạt lở, người dân cũng rất tích cực tham gia lấy đất làm bờ bao nhằm hạn chế nước triều cường dâng cao tràn bờ, gây ngập làm thiệt hại nhà ở và vườn cây ăn trái tại hộ.

Mặc dù đã gần 80 tuổi nhưng hằng ngày ông Huỳnh Văn Hộ, ấp Phụng An, xã An Mỹ vẫn dùng chiếc xe chở đất để đắp ven theo bờ bị sạt lở, tạo thành đoạn bờ bao trước nhà. Theo ông, điểm sạt lở xảy ra trước nhà từ năm 2021, chính quyền địa phương cũng đã tiến hành việc gia cố bằng kè mềm, nhưng sạt lở vẫn tiếp tục xảy ra kéo dài tầm 40m. Kể từ ngày trước nhà xảy ra sạt lở, thì vào các ngày có con nước lớn trong tháng, nước đều tràn vào nhà và vườn cây ăn trái, kéo dài thời gian từ 3 - 5 ngày. Có thời điểm nước mặn tràn bờ gây ngập, làm vườn cây vú sữa tím diện tích 4.000m2 bị thiệt hại hết, ông đành đốn bỏ trồng cây khác.

Ông Huỳnh Văn Hộ, ấp Phụng An, xã An Mỹ, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) hằng ngày lấy đất đắp tạo thành bờ bao ven điểm sạt lở. Ảnh: THÚY LIỄU

Ông Huỳnh Văn Hộ bộc bạch: “Đoạn đường trước nhà tôi, người dân lưu thông qua lại rất nhiều, có các cháu học sinh đi học hằng ngày. Nên khi xảy ra sạt lở, việc đi lại của người dân, các cháu học sinh gặp rất nhiều khó khăn. Tôi mong muốn Nhà nước hỗ trợ địa phương đầu tư kè cứng để ngăn sạt lở xảy ra, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại và chúng tôi yên tâm sinh sống”.

Cách điểm sạt lở nhà ông Hộ tầm 1km là điểm sạt lở trước nhà ông Phạm Chế Linh, ấp Phụng An, xã An Mỹ. Ông Linh chỉ cho chúng tôi thấy những tấm đal đã sụp xuống sông gần hết và sạt lở ăn sâu vào trong con đường đất. Mọi người qua lại đoạn đường này với tâm trạng bất an, vì đoạn đal có thể rớt xuống sông bất cứ lúc nào. Ông Chế Linh nhớ lại: “Điểm sạt lở này mới xảy ra khoảng 3 tháng nay. Mới đầu sạt lở chỉ 1 đoạn tầm 5m, sau đó cứ lớn dần, giờ đoạn sạt lở này trên 17m. Gia đình tôi bị ảnh hưởng rất nhiều, nước ngập tràn vào nhà, chúng tôi không có cách nào xử lý. Tôi rất trông chờ Nhà nước đẩy nhanh việc triển khai phương án khắc phục và phòng chống sạt lở, không để sạt lở tiếp tục xảy ra trên đoạn sông ấp Phụng An”.

“Tính từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn xã An Mỹ xảy ra 27 điểm sạt lở (số điểm sạt lở tăng gần gấp đôi so năm 2022), chiều dài hơn 889m. Sạt lở xảy ra trên địa bàn 3 ấp: Phụng An, Trường Thọ và Trường Phú, trong đó ấp Phụng An sạt lở rất nghiêm trọng (do địa hình ấp nằm ven sông nên khi sạt lở đã ảnh hưởng đến 6 nhà của hộ dân, xã đã hỗ trợ dân di dời ra nơi ở an toàn). Để khắc phục sạt lở trên địa bàn ấp Phụng An, tỉnh và huyện đã hỗ trợ xã triển khai thi công đoạn đường tránh dài 275m, chiều ngang 3,5m, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại và lưu thông hàng hóa của người dân. Đối với các điểm sạt lở nhỏ tại các ấp trên địa bàn xã, từ nguồn kinh phí huyện hỗ trợ, xã tiến hành gia cố, khắc phục, đạt gần 80%. Riêng các điểm sạt lở lớn, cần nguồn vốn nhiều, xã đề xuất lên huyện hỗ trợ khắc phục. Bên cạnh đó, hộ sống ven sông khu vực UBND xã An Mỹ cũ, điểm nóng xảy ra sạt lở, xã vận động bà con cam kết chỉ ở tại khu vực đó vào ban ngày để buôn bán, ban đêm phải rời đi nhằm đảm bảo an toàn tính mạng nếu có xảy ra sạt lở”, đồng chí Huỳnh Phú Danh - Phó Chủ tịch UBND xã An Mỹ thông tin.

Theo THÚY LIỄU (Báo Sóc Trăng)