Nông dân sử dụng thiết bị sản xuất sầu riêng
Hiện nay, nông dân không chỉ linh hoạt lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn chủ động ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Nếu như trước đây, những chuyện đồng áng như bón phân, phun thuốc BVTV,... vào mỗi mùa vụ phụ thuộc phần lớn vào sức người thì những năm gần đây được thay thế bằng máy móc. Trong đó, thiết bị bay không người lái được đánh giá khá hiệu quả bởi không chỉ góp phần giảm công lao động mà còn giảm thời gian và chi phí sản xuất.
Theo chân anh Phan Thanh Hưng cùng các thành viên Tổ phun thuốc bằng thiết bị bay không người lái của Hợp tác xã Dịch vụ Thương mại Nông nghiệp Cây Trôm (xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An) ra đồng mới thấy sản xuất lúa giờ đây đỡ vất vả hơn.
Sau các bước quan sát, chọn điểm đáp an toàn, ít vật cản, định vị ruộng lúa sẽ phun, một thành viên trong tổ pha thuốc rồi cho vào bình phun có dung tích 20 lít, thành viên còn lại điều khiển thiết bị bay. Chỉ trong khoảng 20 phút, thiết bị bay không người lái đã phun đều toàn bộ 2ha lúa của ông Nguyễn Thái Hòa (ấp Gò Xoài, xã Hưng Điền A).
“Nhanh gọn, hiệu quả, làm lúa bây giờ khỏe lắm! 2ha lúa này mà phun kiểu truyền thống cũng mất cả ngày, còn nếu thuê nhân công thì tốn cả triệu đồng. Trong khi đó, phun bằng thiết bị bay không người lái chỉ tốn 130.000 đồng/ha nên tiết kiệm được đáng kể chi phí sản xuất” - ông Hòa phấn khởi nói.
Thành viên Tổ phun thuốc bằng thiết bị bay không người lái của Hợp tác xã Dịch vụ Thương mại Nông nghiệp Cây Trôm (xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng) cho thuốc vào bình phun của thiết bị
Vừa thu dọn bộ thiết bị bay, anh Phan Thanh Hưng vừa chia sẻ, trước đây nông dân mang từng bình thuốc để xịt nên vừa hít, vừa dính thuốc BVTV vào người, dễ ảnh hưởng đến sức khỏe. Từ khi có thiết bị bay này giúp giảm được sức người, nông dân hạn chế tiếp xúc trực tiếp với thuốc BVTV và tiết kiệm thời gian rất nhiều. Ngoài ra, thiết bị còn giúp nông dân sử dụng lượng thuốc, phân bón chính xác, tránh lãng phí, tiết kiệm được chi phí đầu vào.
“Năm 2019, tôi đầu tư gần 500 triệu đồng để mua thiết bị bay có dung tích 10 lít về phun thuốc, bón phân cho ruộng lúa của gia đình. Năm 2021, tôi tiếp tục đầu tư hơn 500 triệu đồng mua thêm 1 thiết bị bay phun thuốc có dung tích 20 lít để vừa làm ruộng nhà, vừa làm dịch vụ cho các thành viên trong hợp tác xã. Hiện chi phí 1 lần phun thuốc là 130.000 đồng/ha và chi phí 1 lần rải phân bón là 90.000 đồng/ha” - anh Hưng chia sẻ thêm.
Được biết, trung bình một thiết bị bay có thể phun từ 15-30ha/ngày và mất khoảng 10-12 phút để phun cho 1ha lúa, nhanh hơn 15 lần so với phun thuốc kiểu truyền thống. Ngoài ra, phun thuốc bằng cách này không giẫm đạp lúa và hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động do không phải tiếp xúc trực tiếp với hóa chất.
Theo Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Hưng - Đinh Châu Phong, thời gian tới, ngành Nông nghiệp huyện tiếp tục triển khai thí điểm các mô hình sử dụng thiết bị bay vào sạ lúa, rải phân bón, phun thuốc BVTV,... nhằm giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, hướng đến nền nông nghiệp tiên tiến, hiện đại.
Thiết bị bay không người lái hiện nay không chỉ được nông dân trên địa bàn tỉnh sử dụng trong canh tác lúa mà còn trong sản xuất các loại cây ăn quả, đặc biệt là các loại cây trồng chủ lực của tỉnh như thanh long, chanh, sầu riêng,... Qua đó, góp phần hình thành nên các vùng chuyên canh nông sản có chất lượng và giá trị cao./.
Theo MINH TUỆ (Báo Long An)