Một tiết mục hát múa ca ngợi các chiến sĩ cách mạng anh dũng chiến đấu bảo vệ quê hương.
Trong chiến tranh, tỉnh có hơn 35 ngàn liệt sĩ, hơn 15 ngàn thương bệnh binh, gần 20 ngàn người bị bắt, tù đày và hàng chục ngàn người nhiễm chất độc da cam và các thế hệ con cháu đang chịu những di chứng đau thương. Tất cả những hy sinh ấy đều mang ý nghĩa cao cả, thiêng liêng là bảo vệ Tổ quốc, để đất nước được độc lập, tự do. Tác giả Nguyễn Hồ đã viết nên những câu thơ đầy xúc động: “Cậu tôi ra trận không về/ Chú tôi không hề trở lại/ Em tôi ra đi mãi mãi/ Bạn bè, đồng đội tôi/ Cả hai bờ chiến tuyến/Không còn nắm xương tàn/Không chút tro than…” (trích bài Tháng Bảy).
Với hình ảnh các Mẹ Việt Nam anh hùng chịu thương, chịu khó và hết lòng vì cách mạng, hiến dâng những đứa con thân yêu của mình cho Tổ quốc cũng là nguồn cảm hứng sáng tác thơ văn cho các thi sĩ. Nhà thơ Hắc Sơn đã có bài thơ “Thêm cao dáng đứng”. Ông viết: “…Vọng mãi âm vang mùa xuân đuốc mõ rung trời, lớp lớp sóng người nón lá, khăn rằn xuống đường tranh đấu/ Vì độc lập tự do, nhọn hoắt chông tre, sáng ngời mã tấu, chân trần nứt nẻ gánh gạo nuôi quân/ Chong đèn khi mờ khi tỏ đêm đêm, tiếng quốc gọi bìm bịp kêu, bao phen giặc thù điên đảo... Niềm vui chung thủy trước sau tròn đạo nghĩa, ngõ vườn xưa đọng mãi dáng người thương/ Trên bàn thờ lấp lánh những huân chương, ba bằng Tổ quốc ghi công vinh danh rạng rỡ…”.
Nhà thơ Kim Ba - Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu đã nhận định: “Hiện thực đời sống là mảnh đất màu mỡ để nảy sinh âm nhạc, lời ca, tiếng hát. Cũng từ âm nhạc, lời ca, tiếng hát ấy đã tác động trở lại hiện thực đời sống, trở thành một nguồn lực xã hội, có năng lực bày tỏ, phản ánh, động viên, kêu gọi mạnh mẽ. Có thể nói, hai tiếng “Bến Tre” thân thương luôn có sức mời gọi mãnh liệt nhiều thế hệ nhạc sĩ trên cả nước dành nhiều tâm huyết, cảm xúc để sáng tạo nên nhiều tác phẩm để đời, phổ biến sâu rộng”.
Với chủ đề thương binh, liệt sĩ, về truyền thống cách mạng anh hùng cũng đã có rất nhiều tác phẩm âm nhạc được sáng tác. Điển hình như bài hát “Người mẹ xứ Dừa” đong đầy tình cảm của Nhạc sĩ Lan Phong. “…Máu đã đổ nhiều rồi, mẹ cùng triệu người xóa thế kỷ xiềng gong. Ngọt nước Ba Lai thắm tình đất mẹ, thân dừa trụi lá vẫn đứng thành chông. Dừa con mọc lên phất ngọn cờ hồng. Người mẹ đất thành đồng có dáng đứng quê hương…”.
Hay bài “Cung bậc xứ Dừa” của Nhạc sĩ Trần Minh Luân cũng đã thể hiện một niềm tự hào về lịch sử đấu tranh cách mạng của Bến Tre. Ông viết: “Quê tôi! Nơi đây một thời nổi sóng Hàm Luông, Bến Thạnh Phong đầu cầu tàu không số. Nơi ánh đuốc lá dừa rực sáng đêm đen. Long trời tiếng mõ, Định Thủy lưu danh lịch sử. Nơi đất của dừa, của thơ của biển. Của 8 chữ vàng Bác tặng Bến Tre…”.
Cũng mang một khí thế phản ánh phong trào Đồng khởi anh hùng, Nhạc sĩ Quốc Nam có bài “Cháy mãi ngọn lửa thiêng” với các câu từ mạnh mẽ, hùng tráng: “Không thể nào quên, không thể nào quên những năm dài nô lệ. Máu đổ thành sông. Xương rơi thành núi. Đứng lên, đứng lên theo lời Đảng gọi. Ba mũi giáp công, tay không cướp đồn…”.
Và còn rất nhiều những tác phẩm âm nhạc ca ngợi tinh thần yêu nước, sẵn sàng hy sinh để giành lấy độc lập tự do cho Tổ quốc. Kế thừa truyền thống ấy, lớp lớp thế hệ tiếp tục góp sức vào công cuộc bảo vệ và xây dựng quê hương để tỉnh nhà ngày càng phát triển đổi mới đi lên. Như các bài: Chắp cánh (Cao Vượt), Dệt những ước mơ (Huy An), Khởi nghiệp hôm nay (Lê Vũ)… Các tác phẩm thơ văn và âm nhạc đã được chọn lọc giới thiệu trên Tạp chí Văn nghệ Hàm Luông, trên các phương tiện truyền thông và trong nhiều chương trình nghệ thuật của tỉnh nhà.
Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu là người thấu hiểu, yêu thương và trân trọng những đóng góp của thương binh, liệt sĩ. Tháng 6-1947, Bác đã đề nghị Chính phủ chọn một ngày nào đó trong năm làm ngày thương binh, liệt sĩ để đồng bào ta có dịp tỏ lòng hiếu nghĩa, yêu mến thương bệnh binh và những người đã hy sinh vì Tổ quốc. Hưởng ứng và đáp lại tấm lòng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một hội nghị đã được tổ chức và thống nhất lấy ngày 27-7 hàng năm là Ngày Thương binh, liệt sĩ, tổ chức kỷ niệm lần đầu tiên vào năm 1947.
Theo ÁNH NGUYỆT (Báo Đồng Khởi)