Tăng giá trị chuỗi ngành hàng lúa gạo

17/03/2023 - 10:18

Theo ngành chức năng, việc triển khai Đề án trồng 1 triệu hecta lúa chất lượng cao ở ĐBSCL là một chủ trương đúng để phát triển, nâng tầm giá trị chuỗi ngành hàng lúa gạo. Theo đó, để đề án được thành công, Bộ Nông nghiệp-PTNT xác định rõ phải có sự thay đổi nhất định trong thực hiện liên kết, tư duy sản xuất.

Sự cần thiết lập đề án

Là vựa lúa của cả nước, sản lượng lúa sản xuất tại vùng ĐBSCL những năm gần đây ổn định khoảng 24 -25 triệu tấn, chiếm trên 50% sản lượng lúa sản xuất và sản lượng gạo xuất khẩu chiếm trên 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Qua đó, tạo việc làm và thu nhập cho trên 1,5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp, đóng góp chủ lực vào mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; thúc đẩy công nghiệp chế biến và xuất khẩu gạo. 

Mục tiêu của đề án là phát triển sản xuất lúa gạo vùng ĐBSCL theo hướng nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững.

Theo Cục Trồng trọt, sản xuất lúa gạo đang đứng trước nhiều cơ hội như nhu cầu nhập khẩu gạo thế giới vẫn còn tiếp tục tăng lên trong những năm tới. Ngành lúa gạo có cơ hội rất lớn để mở rộng thị trường xuất khẩu khi Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại mới như TPP, liên minh thuế quan…

Tuy nhiên, sản xuất lúa gạo ĐBSCL vẫn còn nhiều hạn chế như chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng và tính cạnh tranh thấp; thu nhập của nông dân sản xuất lúa thấp và không tương xứng so với thu nhập của tác nhân trong kinh doanh, xuất khẩu gạo. Sản xuất lúa thiếu tính bền vững, tác động tiêu cực đến môi trường. Đặc biệt là thâm dụng phân bón, thuốc BVTV có nguồn gốc hóa học, là nguyên nhân chính dẫn đến tăng giá thành, giảm chất lượng sản phẩm và tăng phát thải khí nhà kính còn chiếm tỷ lệ cao.

Đơn vị sản xuất lúa hiện nay chủ yếu vẫn là hộ gia đình quy mô nhỏ, phân tán, áp dụng phương thức sản xuất truyền thống, đang là trở ngại lớn nhất đối với việc đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, liên kết sản xuất, thu mua, chế biến và xuất khẩu, hình thành vùng nguyên liệu hàng hóa quy mô lớn.

Từ những lý do trên và thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ thúc đẩy phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững vùng ĐBSCL, chủ động thích ứng biến đổi khí hậu, việc triển khai xây dựng đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” là hết sức cần thiết.

Ông Trần Thanh Nam- Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT, cho rằng, mục tiêu của đề án là phát triển sản xuất lúa gạo vùng ĐBSCL theo hướng nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững. Cùng với đó, đề án đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước, làm nòng cốt cho đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, nâng cao chất lượng, giá trị dinh dưỡng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hình thành và nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị lúa gạo, thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu, sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao thu nhập của nông dân và lợi ích cho người tiêu dùng xuất khẩu gạo chất lượng cao, giá trị cao...

Mở ra nhiều cơ hội cho ngành hàng lúa gạo

Tại Vĩnh Long, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT Nguyễn Văn Liêm cho hay: Cây lúa được xác định là 1 trong 3 loại cây trồng chủ lực về phát triển nông nghiệp của tỉnh. Thời gian qua, trong ngành lúa gạo, việc phát triển liên kết chuỗi giá trị rõ nét nhất, các mắt xích của chuỗi được đầu tư phát triển cả chất và lượng, lợi nhuận sản xuất lúa tăng thêm 10-15% so với bên ngoài.

Theo đó, tỉnh đã hình thành nhiều vùng sản xuất lúa tập trung, chỉ sử dụng 1-2 loại giống chất lượng cao đáp ứng nhu cầu xuất khẩu tại các huyện Tam Bình, Trà Ôn, Vũng Liêm (có trên 70% diện tích sử dụng giống lúa chất lượng cao trên mỗi vụ).

Cơ giới hóa đầu tư đồng bộ, khâu chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên 80%; thu hoạch trên 99% và làm đất 100% giảm thất thoát, tăng hiệu quả sản xuất. Các giải pháp kỹ thuật thích ứng với biến đổi khí hậu được áp dụng linh hoạt, nhuần nhuyễn, sản phẩm lúa gạo đã được sơ chế, đóng gói gắn nhãn hiệu cụ thể…

Cũng theo ông Nguyễn Văn Liêm, việc xây dựng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao ở ĐBSCL là phù hợp với các chính sách về phát triển ngành hàng lúa gạo và chủ trương phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Tỉnh đồng tình và tích cực tham gia đề án phát triển bền vững 1 triệu hecta lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL. 

“Qua nghiên cứu đề án, UBND tỉnh đã thống nhất với mục tiêu cũng như các nội dung thực hiện của đề án. Đồng thời, tỉnh đăng ký tham gia thực hiện đề án với quy mô 20.000ha trên địa bàn các huyện Tam Bình, Vũng Liêm, Long Hồ và Bình Tân”, ông Nguyễn Văn Liêm thông tin.

Tuy vậy, vẫn còn nhiều thách thức mà ngành lúa gạo phải đối mặt. Theo ngành chức năng, để phát triển thành công 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, đòi hỏi nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long nói riêng và ĐBSCL nói chung phải có sự chuyển đổi để thích ứng với tình hình mới và để phát huy lợi thế của cây lúa, thế mạnh hàng đầu của ĐBSCL.

Bên cạnh đó, cần phải điều chỉnh một số cơ chế chính sách cho phù hợp. Đồng thời, phải có liên kết, hợp tác chặt chẽ, minh bạch giữa doanh nghiệp và nông dân trong hiện thực hóa mục tiêu…

Doanh nghiệp khi tham gia đề án cần xác định trách nhiệm gắn kết với nhà nông để xây dựng vùng nguyên liệu.

Doanh nghiệp khi tham gia đề án cần xác định trách nhiệm gắn kết với nhà nông để xây dựng vùng nguyên liệu. Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng: Các địa phương cần xác định nhiệm vụ chính trị là giữ đất lúa và khi giữ đất lúa phải nâng giá trị cây lúa cho bà con nông dân. Vấn đề quan trọng đối với các địa phương vùng ĐBSCL là xây dựng được vùng nguyên liệu. Với các doanh nghiệp khi tham gia đề án cần xác định trách nhiệm là phải gắn kết với bà con nông dân để xây dựng vùng nguyên liệu bởi thực tế hiện nay rất ít doanh nghiệp lúa gạo xây dựng được vùng nguyên liệu riêng.

Trong đề án, Bộ Nông nghiệp-PTNT đặt mục tiêu đến năm 2025 diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao ở ĐBSCL đạt trên 500.000ha, tương ứng khoảng 1 triệu hecta gieo trồng, sản lượng khoảng 6,2 triệu tấn lúa (3,8 triệu tấn gạo). Qua đó, thúc đẩy lợi nhuận bình quân của người trồng lúa đạt trên 35%; giảm lượng lúa giống xuống còn 80 kg/ha và lượng phân bón, thuốc BVTV có nguồn gốc hóa học giảm 30%. 

Đến năm 2030, diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao toàn vùng ĐBSCL sẽ hoàn thành mục tiêu 1 triệu hecta, tương ứng khoảng 2 triệu hecta gieo trồng, sản lượng đạt khoảng 12,4 triệu tấn lúa (7,7 triệu tấn gạo). Tham gia đề án, lợi nhuận bình quân của người trồng lúa đạt trên 40%; tỷ lệ diện tích áp dụng GAP và tương đương được công nhận đạt 100%; tỷ lệ ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số đạt trên 50%. Theo dự trù, kinh phí của Đề án 1 triệu hecta lúa giai đoạn 2023-2030 trên 40.000 tỷ đồng. Bình quân 1ha lúa chất lượng cao được đầu tư 40 triệu đồng.

Theo Báo Cần Thơ