Tháng Ramadan ở làng Chăm

08/06/2018 - 08:17

 - Tháng Ramadan là tháng linh thiêng của đồng bào Chăm với nhiều điểm nổi bật về văn hóa của cộng đồng Hồi giáo Islam trong tỉnh. Theo Hồi lịch, tháng 9 năm nay (tức tháng 5-2018 dương lịch) là Tháng Ramadan, bắt đầu vào tối 15-5 và kết thúc vào ngày 14-6.

Tháng lễ linh thiêng  

Tháng Ramadan được xem là tháng lễ rất linh thiêng, là dịp để đồng bào Chăm, cả nam lẫn nữ từ 5 tuổi trở lên thể hiện sự sám hối và thanh tẩy tâm hồn. Mỗi người trong suốt tháng này, từ hừng đông đến mặt trời lặn phải nhịn ăn uống (khi tắm cũng không để cho nước ngập đến lỗ tai).

Ngoài ra, trong Tháng Ramadan, họ còn phải thực hiện các việc khác như: cầu nguyện, làm từ thiện và hành hương đến thánh địa Méc-ca ở Arab Saudi (ít nhất 1 lần trong đời). Trong tháng lễ, bà con không được sát sinh, làm điều xấu, không cãi vã làm mất đoàn kết với ai.

Trong tháng lễ, các tín đồ Hồi giáo sẽ dành thời gian để cầu nguyện tại nhà thờ, ăn uống kiêng khem và làm từ thiện. Chính vì thế mà có dịp đến các làng Chăm trong tháng lễ sẽ thấy nhiều gia đình khá giả chuẩn bị các suất ăn miễn phí để tặng người nghèo hay bất kỳ ai muốn ăn sẽ được cung cấp.

Đồng bào Chăm thực hiện nghi thức tôn giáo trong Tháng Ramadan

Đồng bào Chăm thực hiện nghi thức tôn giáo trong Tháng Ramadan

Thường thì người ta hay gọi Tháng Ramadan là tháng ăn chay. Tuy nhiên, cách gọi này chưa chuẩn xác, bởi vì không chỉ nhịn ăn mà còn không uống nước (từ khi mặt trời mọc tới lúc lặn), không hút thuốc, không quan hệ tình dục…

Tuy ít ăn uống nhưng đây là tháng có khá nhiều hoạt động hội hè. Người ta thường thăm viếng và ăn uống cùng nhau sau khi “xả chay” lúc mặt trời lặn. Bữa tối rất phong phú, được gọi là Iftar và thực đơn rất đa dạng, có thể gọn nhẹ như: vài miếng hoa quả, bánh mì và nước lọc đến những bữa tiệc linh đình để cùng nhau tụ hội. 

Ông Mách Sa Les, Giáo cả, Trưởng ban Quản trị Thánh đường Hồi giáo xã Nhơn Hội (An Phú), Phó Trưởng ban Đại diện cộng đồng Hồi giáo (Islam) tỉnh cho biết: theo Hồi luật, sở dĩ phải chay nhịn từ lúc mặt trời mọc tới lúc mặt trời lặn trong Tháng Ramadan là để rèn luyện khả năng chịu đựng và chia sẻ sự kham khổ với đồng bào mình. Tuy nhiên, theo kinh Koran thì những người bệnh, trẻ em, người đang đi du lịch (ở những nước không lấy đạo Hồi làm quốc giáo), đang mang thai, đang cho con bú có thể không tuân theo luật lệ này nếu như việc kiêng khem có hại cho sức khỏe. Trong những trường hợp này, kinh Koran khuyên những người đã trót ăn uống khi có mặt trời trong Tháng Ramadan cần ăn uống chay tịnh vào những ngày khác để bù lại.

Nét đẹp văn hóa

Khi mặt trời vừa tắt nắng, màn đêm buông xuống là lúc các xóm Chăm bắt đầu nhộn nhịp trở lại. Cô gái A Y Sha (xã Vĩnh Trường, An Phú) cho biết: “Tháng này, bà con chúng em chủ yếu làm việc về đêm. Vì ban ngày hầu hết nhà nào cũng đóng cửa”. Nhịp sống sôi động, tiếng cười nói xôn xao hòa cùng âm thanh chuẩn bị cho bữa tối Iftar càng làm cho không khí làng Chăm thêm vui. Vào thời điểm này, bà con mới bắt đầu được ăn uống trở lại sau 1 ngày nhịn ăn. Bữa ăn được bắt đầu bằng những món ăn nhẹ và nước uống để ổn định lại cơ thể.

“Lúc đầu cảm thấy rất khó chịu, vì phải nhịn ăn uống cả ngày. Nhưng dần dần sẽ quen, cảm thấy rất tự hào vì mình làm được điều rất thiêng liêng” - A Y Sha cho biết. 

Nét đẹp văn hóa còn thể hiện trong ẩm thực của đồng bào Chăm. Món ăn truyền thống trong những buổi tiệc là 2 món cà-ri và cà-púa. Thử dùng món cà-ri của đồng bào sẽ cảm nhận được nhiều điều thú vị. Có lẽ hấp dẫn và ngon nhất vẫn là món cà-ri dê. Người Chăm sử dụng rất nhiều gia vị, hương liệu trong nấu ăn, nhất là bột cà-ri và lá cà-ri tươi, củ hành tím...

A Y Sha dặn tôi: “Cay dữ lắm đó nghen. Nhưng thử ăn đi, chắc chắn sẽ ghiền!”. Thú thật, mới nếm vào đã cảm nhận được mùi vị đậm đà, thơm ngon của thịt dê, chất béo ngậy của nước cốt dừa và vị cay của ớt đến mức xé lưỡi. Không chỉ kiêng khem, đồng bào Chăm còn tham gia làm từ thiện để chia sẻ khó khăn trong tháng lễ. Các Thánh đường Hồi giáo phát suất ăn đêm miễn phí cho người nghèo. Nhiều nhà còn nấu cháo để phát cho bà con.

Hiện nay, đồng bào Chăm ở An Giang có trên 5.000 hộ với hơn 17.200 người theo Hồi giáo (Islam). Bà con sinh sống tập trung tại 9 xóm Chăm thuộc các địa phương: An Phú, Châu Phú, Châu Thành, TX. Tân Châu cùng một số ít sinh sống ở TP. Châu Đốc và TP. Long Xuyên. Người Chăm rất giỏi giao thương mua bán, ngoài ra còn chăn nuôi, đánh bắt thủy sản; phụ nữ thì rất khéo tay, nữ công gia chánh với nghề thêu đan, dệt vải, nấu ăn. Trong tháng lễ, dù đi làm ăn nơi đâu, bà con cũng cố gắng trở về nhà để thực hiện các nghi thức lễ và sum họp gia đình. 

Ông Jacky, Trưởng ban Đại diện cộng đồng Hồi giáo (Islam) tỉnh cho biết: được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đời sống của đồng bào Chăm ngày càng khởi sắc, trình độ dân trí được nâng lên. Các dịp lễ quan trọng của bà con, đại diện chính quyền, các ngành, mặt trận, đoàn thể đều đến thăm hỏi, tặng quà và chúc mừng các vị chức sắc trong đạo. Đồng bào Chăm sống chan hòa, đoàn kết với các dân tộc khác, làm tốt nghĩa vụ giữa đạo và đời, tích cực tham gia các phong trào để cùng nhau xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Sau Tháng Ramadan là đến Tết Roya (ngày xả chay). Ngày này,bà con thăm hỏi lẫn nhau và bố thí cho người nghèo. Người Chăm ở An Giang xem đây là những ngày vui nhất, nhà nào cũng sẵn sàng cơm nước và chuẩn bị nhiều loại ẩm thực, đặc sản để đãi khách. 

Bài, ảnh: HỮU HUYNH