Tiền Giang: Mở lối cho nông nghiệp phát triển

18/03/2024 - 10:29

Quyết định 1762 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã định ra những phương án phát triển cho các khu chức năng, trong đó lĩnh vực nông nghiệp cũng được tiếp cận theo tư duy mới.

A A

Hướng vào các vùng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao là một trong những phương án quan trọng cho nền nông nghiệp tỉnh Tiền Giang. Lối đi mới cho ngành Nông nghiệp Tiền Giang dần được mở ra.

ĐƯỜNG HƯỚNG MỚI

Là tỉnh nông nghiệp nhưng trong chặng đường sắp tới Tiền Giang sẽ có những đường hướng phát triển mới hơn, chuyển động tích cực hơn. Bởi, phương án phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung của Tiền Giang được đề cập trong Quyết định 1762 đã hướng vào các nội dung trọng tâm: Vùng cây ăn trái tập trung tại các huyện: Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước, Châu Thành, Chợ Gạo và TX. Cai Lậy; vùng sản xuất rau màu tại các huyện: Châu Thành, Gò Công Đông và TX. Gò Công; vùng chuyên canh lúa chất lượng cao tại các huyện: Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước, Gò Công Tây, Gò Công Đông; vùng sản xuất dừa tại các huyện: Chợ Gạo, Châu Thành, Tân Phú Đông và Gò Công Tây; phát triển chăn nuôi tập trung gia súc, gia cầm chủ yếu tại các huyện: Chợ Gạo, Châu Thành, Tân Phước, Gò Công Tây; phát triển vùng nuôi trồng thủy sản nước ngọt tại các huyện: Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành và TX. Cai Lậy. Nuôi trồng thủy sản trên hệ sinh thái mặn - lợ tại các huyện vùng ven biển như: Gò Công Đông, Tân Phú Đông.

Đồng thời, Tiền Giang cũng sẽ hình thành trung tâm nông nghiệp công nghệ cao gắn kết với vành đai vườn cây ăn trái, các công viên chuyên đề, rau an toàn theo VietGAP tại TP. Mỹ Tho, huyện Chợ Gạo, huyện Châu Thành và các khu vực khác có tiềm năng…

Tiền Giang chú trọng thu hút đầu tư công nghiệp chế biến nông, thủy sản.

Nhìn từ thực tiễn mới thấy, Tiền Giang và các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long được thiên nhiên ưu đãi, đã trở thành vùng trọng điểm về sản xuất lúa - gạo, trái cây, rau màu và thủy sản của cả nước, với nhiều chủng loại đa dạng, phong phú.

Tiền Giang được xem là tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp, với nhiều chủng loại cây ăn trái đặc sản, mang lại giá trị kinh tế cao. Những bước đi của ngành Nông nghiệp Tiền Giang vừa qua cũng gần như tương đồng với phương án phát triển được đề cập trong Quyết định 1762. Bởi, theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khu vực nông, lâm, ngư nghiệp chiếm tỷ trọng 37,1% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Điểm đặc biệt là Tiền Giang có diện tích trồng cây ăn trái lớn, mang tính tập trung, nằm trong nhóm đầu của vùng và dường như tăng đều qua các năm gần đây.

Thống kê của ngành Nông nghiệp cho thấy, diện tích cây ăn trái của Tiền Giang đến cuối năm 2023 đạt hơn 84 ngàn ha, với sản lượng trên 1,76 triệu tấn. Trên địa bàn tỉnh, có 5 địa phương có diện tích cây ăn trái lớn (chiếm hơn 86% diện tích cây ăn trái của tỉnh) như: Huyện Cái Bè, huyện Cai Lậy, huyện Tân Phước, huyện Châu Thành, huyện Chợ Gạo.

Trong những năm vừa qua, nhờ ứng dụng công nghệ bao trái, xử lý thành công ra hoa nghịch vụ cũng như mở rộng được thị trường xuất khẩu trên một số loại cây ăn trái như: Sầu riêng, thanh long, chôm chôm, nhãn, xoài… đã góp phần nâng cao thu nhập cho nhà vườn. Nhờ đó, lợi nhuận từ sản xuất nghịch vụ luôn cao hơn sản xuất chính vụ từ 1,5 - 1,7 lần; đã hình thành vùng chuyên canh cây ăn trái tập trung với sản lượng lớn, cung cấp cho thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. Điểm nhấn quan trọng là câu chuyện trái sầu riêng được “nở rộ” trong những năm gần đây cho thấy bài toán kinh tế nông nghiệp đang được xác lập lại, tính toán kỹ hơn, theo hướng tập trung hơn.

Dẫn chứng về hiệu quả cây sầu riêng, ông Nguyễn Văn Sáu (xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy) cho biết, trong 2 năm gần đây, nhất là sau thông tin xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc được công bố, giá sầu riêng luôn duy trì ở mức khá cao, có thời điểm lên đến 200.000 đồng/kg. “Những hộ gia đình có khoảng 1 ha sầu riêng đang trong thời kỳ thu hoạch có thể thu lợi nhuận tiền tỷ mỗi năm, nông dân rất phấn khởi”- ông Sáu cho biết.

BƯỚC CHUYỂN MÌNH

Tất nhiên, trong chặng đường tới đây, nhất là khi triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngành Nông nghiệp Tiền Giang cũng sẽ có những bước chuyển mình mới hơn, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư và thu hút đầu tư. Nhìn từ thực tiễn cũng cho thấy, trong những năm gần đây, Tiền Giang chú trọng vào đầu tư và thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông, thủy sản nhằm nâng cao giá trị gia tăng các mặt hàng chủ lực của tỉnh.

Theo đó, Tiền Giang hiện có khoảng 14 nhà máy chế biến trái cây đang hoạt động, với công suất trên 47.000 tấn/năm. Hầu hết các doanh nghiệp đã từng bước đầu tư đổi mới công nghệ khá hiện đại, đa dạng hóa sản phẩm. Ngoài thị trường Trung Quốc, các sản phẩm chế biến còn xuất khẩu sang các thị trường khác như: EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga…, gồm các sản phẩm: Trái cây đóng hộp, nước quả cô đặc và purée; sản phẩm sấy từ sầu riêng, thanh long... 

Bên cạnh đó, toàn tỉnh có khoảng 121 cơ sở chế biến thủy sản, với công suất 345.000 tấn/năm (có hơn 22 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trực tiếp, chủ yếu chế biến mặt hàng cá tra fillet, trong đó có 4 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn chủ động khoảng 80% sản lượng nguyên liệu). Năm 2023, thủy sản xuất khẩu cũng đã mang về khoảng 444 triệu USD, chiếm hơn 73% tổng kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản của tỉnh…

Tuy nhiên, để khai thác hết tiềm năng và lợi thế về nông nghiệp của tỉnh theo định hướng phát triển mới, trong thời gian tới Tiền Giang sẽ triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp mang tính hiệu quả và căn cơ hơn. Một trong những giải pháp trọng tâm là Tiền Giang sẽ tập trung thu hút đầu tư vào lĩnh vực trái cây, thủy sản theo hướng thu hút đầu tư nhằm xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện, hiện đại, bền vững, có khả năng cạnh tranh dựa trên nền tảng của nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa công nghệ cao, bảo đảm an ninh lương thực, nâng cao đời sống nhân dân; sản xuất thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo đó, định hướng đến năm 2030, Tiền Giang ưu tiên thu hút đầu tư phát triển toàn diện nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bao gồm hệ thống các doanh nghiệp, các khu nông nghiệp, các vùng sản xuất; hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tương ứng với sản phẩm chủ lực về nông nghiệp và thủy sản; xây dựng một khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Để phục vụ tốt hơn cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, Tiền Giang cũng tính toán thu hút các dự án đầu tư nhằm hình thành những vùng chuyên canh lớn, đặc biệt là chuyên canh cây ăn trái, vùng trồng lúa cao sản theo hướng nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến, thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước; thu hút đầu tư vào hệ thống thương mại, mạng lưới thu mua, chế biến, gắn với sản xuất tiêu thụ. Đồng thời, Tiền Giang cũng tính toán đầu tư xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao khoảng 100 ha ở xã Điềm Hy (huyện Châu Thành) sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, thực hiện chức năng nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp - thử nghiệm - trình diễn - chuyển giao.

Bên cạnh đó, Tiền Giang cũng sẽ chú trọng thu hút đầu tư trong việc đầu tư mở rộng cảng và hoàn thành cơ bản hạ tầng đồng bộ cảng biển và cảng cá, đội tàu vận tải biển, dịch vụ hàng hải và công nghiệp tàu thủy và phát triển một số nghề biển mới trên cơ sở kết quả nghiên cứu, thăm dò tài nguyên như phát triển nuôi trồng một số loài hải sản có giá trị kinh tế cao ở vùng biển, ven biển, khai thác tài nguyên dưới đáy biển; sử dụng năng lượng gió, sóng và thủy triều.

Bên cạnh đó, Tiền Giang sẽ xúc tiến thu hút đầu tư xây dựng quy hoạch cụ thể hệ thống cơ sở hạ tầng vùng ven biển bao gồm: Thủy lợi, giao thông, điện, cung cấp nước sạch, hệ thống trạm, trại kỹ thuật và các công trình phúc lợi xã hội; hình thành một số đô thị ven biển, gắn phát triển kinh tế kết hợp với an ninh - quốc phòng, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia; thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến nhằm phát triển ngành công nghiệp chế biến nông - thủy sản để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, bao gồm công nghiệp chế biến thủy sản, rau quả…. và khai thác lợi thế của vùng nguyên liệu lúa - gạo, trái cây, rau màu, vùng nuôi trồng, khai thác thủy sản của tỉnh và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo A.P (Báo Ấp Bắc)