NHIỀU TRƯỜNG HỢP VI PHẠM
Tiền Giang là tỉnh cuối nguồn của Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng và nguồn nước thuận lợi để phát triển nông nghiệp đa dạng. Trong đó, thế mạnh của tỉnh là trái cây và rau màu, nhất là trái cây xuất khẩu mang lại giá trị cao.

Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều.
Đến nay, hạ tầng thủy lợi trên địa bàn tỉnh tương đối hoàn chỉnh. Đến thời điểm hiện tại, hệ thống công trình thủy lợi cơ bản đảm bảo ngăn được lũ, triều cường và kiểm soát được xâm nhập mặn. Tuy nhiên, thời gian qua, tình trạng vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều vẫn còn xảy ra phổ biến.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Tiền Giang, từ tháng 1-2022 đến hết tháng 11-2024, trên địa bàn tỉnh xảy ra 436 vụ vi phạm đến phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều. Trong đó, có 381 vụ xây dựng công trình, nhà ở, lều, quán, chuồng trại... ảnh hưởng đến an toàn công trình thủy lợi, đê điều; 105 vụ đặt nò, đăng, đó, ụ chà dưới lòng sông, kinh, rạch gây cản trở dòng chảy. Kết quả, các ngành chức năng và địa phương đã xử lý 370 vụ vi phạm.
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, thời gian qua, UBND các huyện, thị xã, thành phố và Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang thực hiện tốt công tác quản lý, khai thác các công trình thủy lợi. Các cấp chính quyền và các cơ quan đơn vị liên quan làm tốt công tác tuyên truyền; thường xuyên kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm.
Mặc dù, các ngành chuyên môn và chính quyền các cấp đã kịp thời phát hiện và xử lý, nhưng công tác xử lý đạt hiệu quả chưa cao. Còn nhiều trường hợp vi phạm đã được lập biên bản nhưng chưa được xử lý. Nguyên nhân là do công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ công trình thủy lợi mặc dù được triển khai thực hiện thường xuyên, nhưng chưa đồng bộ. Một số ít người dân chưa hiểu rõ quy định của Nhà nước về bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều.
Mặt khác, cán bộ làm công tác thủy lợi ở cấp xã còn thiếu, chuyên môn chưa phù hợp với nhiệm vụ, chủ yếu kiêm nhiệm nhiều việc nên chưa tham mưu tốt cho lãnh đạo địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều.
Chính quyền cơ sở chưa thật sự quan tâm đối với công tác quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều; thiếu kiên quyết trong xử lý các trường hợp vi phạm, còn xem đây là trách nhiệm của ngành chuyên môn.
Đối tượng vi phạm chủ yếu là các cá nhân, hộ gia đình có đất bị công trình thủy lợi, đê điều đi ngang hoặc xây dựng mới nằm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều. Đa phần các trường hợp vi phạm là hộ gia đình kinh tế khó khăn, không còn đất để xây dựng nhà ở…
TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ
Để quản lý tốt các công trình, UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành Công văn 7526 ngày 26-11-2024 về việc tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tiếp tục tăng cường công tác xử lý vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều trên địa bàn tỉnh.
Sở NN&PTNT có trách nhiệm tăng cường phối hợp với các cơ quan truyền thông, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thủy lợi, đê điều. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền; kiến nghị UBND cấp huyện, các cơ quan liên quan xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật; đôn đốc, kiểm tra kết quả xử lý.
Sở NN&PTNT chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị và địa phương tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều theo quy định…
UBND các huyện, thị xã, thành phố kịp thời phát hiện các vi phạm phát sinh. Đặc biệt là phải có biện pháp kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm xảy ra theo đúng quy định của pháp luật, không để vi phạm tồn đọng, tái vi phạm…
UBND tỉnh cũng yêu cầu Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi có biện pháp cụ thể tổ chức thực hiện các nhiệm vụ quản lý, bảo vệ công trình thủy lợi thuộc phạm vi, trách nhiệm quản lý theo quy định; thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện các vi phạm phát sinh. Đồng thời, chủ động kiểm tra, phối hợp lập biên bản, thông báo, kiến nghị UBND cấp huyện, xã để xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật…
Theo Báo Ấp Bắc