Tiếp sức tài tử

21/08/2020 - 09:14

Phong trào đờn ca tài tử (ĐCTT) ở Hậu Giang phát triển khá đồng đều, từng bước đi vào thực chất. Dù vậy, vẫn cần những sự quan tâm cụ thể để phát huy giá trị loại hình nghệ thuật này.

Nghệ nhân Đặng Hồng Mau đờn cho cháu nội hát tài tử.

Vẫn đam mê

Điều nhọc nhằn đầu tiên là những nghệ nhân tài tử không sống được với nghề. Những người có thu nhập, có thể lo toan cho cuộc sống gia đình chỉ đếm trên đầu ngón tay như những nghệ nhân là nhạc công, là những giọng ca trẻ, có thanh, sắc. Còn lại, đa phần họ đến với bộ môn này bằng sự đam mê và làm tất cả để có thể theo đuổi đến cùng.

Nghệ nhân Kim Nhan, ở phường V, thành phố Vị Thanh, chia sẻ: “Đam mê tài tử, nhưng vẫn phải mưu sinh. Tôi nghĩ đến chuyện mở quán nước nhỏ để có thu nhập, rồi xây dựng nơi đây thành điểm giao lưu, truyền nghề. Tôi quan niệm rằng mình biết thôi chưa đủ, phải truyền cho thật nhiều người cùng biết, để phát huy môn nghệ thuật này”.

Một số những nghệ nhân khác trong tỉnh cũng chọn cách này để tập hợp mọi người. Có nơi kinh doanh quán ăn, có nơi bán quán nước. Người có điều kiện khá giả hơn sau thời gian miệt mài mưu sinh, giờ con cái trưởng thành lại đứng ra tập hợp mọi người để cùng nhau thỏa đam mê, như nghệ nhân Hoàng Nam, cũng ở phường V (thành phố Vị Thanh), nghệ nhân Nguyễn Hồng Quân, ở xã Lương Tâm (huyện Long Mỹ), nghệ nhân Ngọc Phượng, ở xã Vị Đông (huyện Vị Thủy)…

Đó là số ít, đa phần còn lại cuộc sống họ vẫn còn nhọc nhằn, phải chắt chiu mới chăm chút được cho gia đình. Dù vậy, mỗi khi nghe tiếng rao đờn ngọt lịm là chân lại muốn tìm đến, vì niềm đam mê đã ăn sâu vào trái tim. Không vì cuộc sống khó khăn mà họ dễ dàng từ bỏ.

 Khi tham gia sinh hoạt CLB ĐCTT, người đam mê phải đóng góp quỹ để chi phí trà, nước, nhiều hơn chút thì mua lít rượu đế, ít mồi nhâm nhi. Nghệ nhân Đặng Hồng Mau, ở xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A, chia sẻ: “Gia đình tôi nghèo lắm, nhưng vất vả mấy tôi vẫn mê tài tử. Nó như cái nghiệp và tôi rất vui vì đã song hành cùng ĐCTT suốt mấy chục năm qua”. Không chỉ riêng mình ông theo nghiệp này, hạnh phúc của ông là đã truyền được niềm đam mê cho các cháu của mình và ở tuổi ngoài 70, ông mãn nguyện khi hai đứa cháu nội đang nối bước ông, viết tiếp đam mê ĐCTT…

Nhiều cách phát huy đờn ca tài tử

Chính niềm đam mê của những nghệ nhân tài tử, đã thúc đẩy sự quan tâm của các ngành, các cấp ngày càng đi vào thực chất. Ông Dương Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Những năm qua, ngoài xây dựng và triển khai thực hiện Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đờn ca tài tử Nam bộ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2020, trong khả năng của ngành, đã nâng chất và củng cố CLB ĐCTT ở cấp tỉnh, cấp huyện, thành những CLB kiểu mẫu, đủ sức để giao lưu, truyền nghề các bài bản tài tử. Từ đó, tổ chức sinh hoạt, giao lưu với các CLB ở cơ sở để tạo điều kiện nâng cao kỹ năng đờn, ca của các nghệ nhân. Cùng với đó là việc tổ chức hội thi ĐCTT, đưa tài tử lên sân khấu để mọi người cùng thưởng thức…

Việc tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ đờn ca tài tử từ cơ bản đến nâng cao, giúp các nghệ nhân có thêm nhiều kiến thức nền. Mới đây, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh đã củng cố và ra mắt CLB ĐCTT Hậu Giang, trực thuộc trung tâm, với quyết tâm tổ chức sinh hoạt, dàn dựng những chương trình tài tử phục vụ công chúng…

Với những cách làm phù hợp, ĐCTT từng bước được quan tâm đúng mức và dần xây dựng được đội ngũ kế thừa. Nghệ nhân Thanh Triều, Chủ nhiệm CLB ĐCTT Hậu Giang, chia sẻ: “Chúng tôi sẽ tiếp tục không chỉ nâng chất sinh hoạt mà còn đi cơ sở nhiều hơn, để tìm kiếm và phát huy nhân tố mới, xây dựng tiếp lớp kế thừa”.

Toàn tỉnh có hơn 1.000 nghệ nhân ĐCTT, sinh hoạt chủ yếu dưới dạng CLB. Nhiều nghệ nhân chia sẻ: Điều họ cần chính là ngoài việc hỗ trợ về tinh thần, còn là vật chất, để tiếp sức, phát huy niềm đam mê của họ…

Theo VĨNH TRÀ (Báo Hậu Giang)