Tô canh lớn ở miền Tây

22/04/2018 - 15:00

Đi công tác nên đành ăn tối một mình, khá muộn, ở Cần Thơ. Chọn lấy một nhà hàng bình thường nằm cạnh một cây cầu, gió sông mát mẻ, tôi coi như mình sẽ được an nhiên với bữa tối nhẹ nhõm.

Một suất cơm đĩa. Tôi gọi thêm phần canh khổ qua cá thác lác. Đã cố dặn cô phục vụ, dặn đi dặn lại, rằng, tôi chỉ cần tô canh nhỏ một người ăn, hoặc một chén thôi cũng được, vì sợ ăn không hết và lãng phí.

Cô phục vụ lắc đầu nói nhà hàng chỉ bán một tô canh với giá trong menu chứ không bán ít hơn. Tôi hiểu cô ấy chẳng thể làm khác quy định về giá bán đã ghi trong menu, nên nói thẳng là chỉ cần một chén canh thôi và tính tiền một tô như giá trong menu cũng được. Miễn là đừng lãng phí.

Ảnh minh họa: SGAT

Nhưng rồi tôi muốn xỉu khi nhìn thấy tô canh được bưng ra. Ôi trời, phải ba bốn người ăn chưa chắc đã hết. Phải nói theo kiểu Nam bộ là tô canh bự chảng. Nói theo kiểu mấy quán bán nước mía đường phố là tô canh khổng lồ.

Cái cảm giác bực bội bỗng dưng ập đến khiến bữa ăn tưởng là nhẹ nhõm trở nên đầy áp lực. Thà mình không lưu ý trước, đằng này dặn đi dặn lại mấy lần, cũng đã thỏa thuận luôn chuyện trả giá như ghi trong menu rồi, thế mà vẫn cứ nhất quyết bưng ra một tô canh lớn.

Có lẽ những người làm nhà hàng chưa biết một chuyện, rằng khi họ kinh doanh ẩm thực ở phân khúc của một nhà hàng, thì trải nghiệm ẩm thực của khách hàng không đơn giản chỉ là món ăn nhiều thịt cá, nêm nếm gia vị vừa miệng, tô lớn tô nhỏ, hay trình bày kiểu cách. Trải nghiệm ẩm thực của khách hàng thật ra còn nhiều yêu cầu khác, tinh tế hơn.

Chẳng hạn với tô canh bự chảng, khổng lồ khiến tôi cảm thấy như mình có lỗi. Nhà hàng bỗng dưng đẩy khách vào vai một kẻ lãng phí thực phẩm. Liệu như thế bữa ăn có còn ngon miệng, nếu vì tiếc mà ăn thật nhiều? Liệu như thế bữa ăn có còn nhẹ nhõm, nếu vì không thể ăn hết mà bỏ mứa thức ăn? Ẩm thực xét cho cùng không chỉ cần hài hòa với vị giác - khứu giác - thị giác, mà còn phải hài hòa với mong muốn và nhu cầu của thực khách nữa.

Tôi nhờ cô nhân viên phục vụ thêm một cái chén không, rồi múc một phần canh ra chén. Miễn là phần canh còn lại trong tô không phải là một phần canh ăn thừa, thế có khi sẽ phù hợp hơn để được ai đó dùng lại. Tôi nhìn đồng hồ, bữa tối của tôi đã khá muộn. Giờ này thì phần canh tôi cố lịch sự để lại chưa chắc đã được dùng lại. Biết đâu nó cũng sẽ bị đổ đi mà thôi.

Trưa hôm sau ăn cùng với ba người bạn Cần Thơ ở một quán khác, tôi cũng mém xỉu lần nữa, lần này là với một nồi (lẩu) canh bự chảng, mà đến khi về chúng tôi phải để thừa hơn nửa nồi.

Những tô canh lớn, bự chảng, như thể một bằng chứng hiển hiện của tấm lòng miền Tây rất rộng rãi, khoáng đạt. Nhưng dường như trong nghệ thuật kinh doanh ẩm thực, cũng nên điều chỉnh để không trở thành một thói quen lãng phí khiến không ít thực khách cảm thấy muộn phiền.

Theo HUỲNH VĂN THÔNG (Thanh Niên)