Tôi yêu chiếc khăn ma-tơ-ra!

11/05/2018 - 08:30

 - Chẳng biết tự bao giờ, chiếc khăn ma-tơ-ra cứ vương trên mái tóc người con gái Chăm khiến cho bao trái tim nghệ sĩ phải ngỡ ngàng, thảng thốt. Cũng như nón lá của người Việt, khăn ma-tơ-ra là hiện thân cho nét đẹp văn hóa, sự dịu dàng, hồn hậu của phụ nữ Chăm bao thế hệ.

Nép mình bên sông Châu Đốc (An Giang) thơ mộng là làng Chăm Châu Phong yên bình. Những ngôi thánh đường cao vút với kiến trúc không trộn lẫn, níu chân du khách phương xa.

Ở đó, có những nụ cười tỏa nắng phía sau chiếc khăn ma-tơ-ra lung linh. Với phụ nữ Chăm, khăn ma-tơ-ra không đơn thuần là trang phục, đó còn là nét duyên dáng, thể hiện sự nhẹ nhàng, e ấp.

Đã nhiều lần đi qua làng Chăm Châu Phong và không dưới một lần bắt gặp nụ cười phía sau chiếc khăn ma-tơ-ra huyền diệu khiến tôi cứ tò mò, mong muốn tìm hiểu thêm những điều đặc biệt xung quanh nó.

Tôi đến nhà ông Mohamad, người đang duy trì, quảng bá các sản phẩm thổ cẩm Chăm tại ấp Phũm Soài (xã Châu Phong, TX. Tân Châu). Trong căn nhà trưng bày rất nhiều sản phẩm thổ cẩm truyền thống của Mohamad, tôi thấy sự hiện hữu của khăn ma-tơ-ra.

Ông Mohamad cho biết: “Khăn ma-tơ-ra là một trong nhiều kiểu khăn truyền thống được phụ nữ Chăm sử dụng. Ngoài tác dụng che mặt tạo nét duyên thì khăn ma-tơ-ra còn thể hiện nhân phẩm, tiết hạnh của người phụ Chăm.

Thời còn tục “cấm cung”, rất dễ bắt gặp hình ảnh những cô gái trẻ choàng khăn ngồi bên cửa sổ với khung thêu, miệt mài cùng đường kim mũi chỉ. Hiện nay, tập tục ấy không còn nhưng chiếc khăn ma-tơ-ra vẫn hiện hữu bởi nó là linh hồn của văn hóa Chăm”.

Tôi yêu chiếc khăn ma-tơ-ra!

Tôi yêu chiếc khăn ma-tơ-ra!

Khăn ma-tơ-ra với đường nét, họa tiết tinh xảo

Theo ông Mohamad, khăn ma-tơ-ra chủ yếu được làm bằng tơ và có họa tiết, đường nét rất tinh xảo. Ngày trước, phụ nữ Chăm thường tự thêu khăn cho mình trong những dịp lễ, Tết hay đám tiệc quan trọng.

“Người ta có thể thêu họa tiết hoặc kết cườm lấp lánh lên chiếc khăn. Tuy nhiên, mỗi cách làm lại mang ý nghĩa riêng. Những cô gái trẻ sử dụng khăn thêu họa tiết, hoa văn là chủ yếu. Với những chiếc khăn kết cườm chỉ sử dụng cho cô dâu hay phụ nữ vừa lấy chồng đi ra mắt họ hàng. Tuy nhiên, cách phân biệt này hiện nay chỉ mang tính tương đối” - ông Mohamad cho hay.

Ngoài khăn ma-tơ-ra, phụ nữ Chăm còn sử dụng khăn trùm để che đi một phần khuôn mặt và mái tóc của mình, đó là cách thể hiện sự kín đáo, dịu dàng và tấm lòng chung thủy với người yêu.

Có những buổi chiều qua bến Châu Giang mênh mông sóng nước, bất chợt gặp chiếc khăn ma-tơ-ra và vẻ đẹp rất riêng của cô gái Chăm nào đó, tôi bỗng nhớ đến những lời ca da diết trong bài hát “Tiếng trống pa-ra-nưng” của nhạc sĩ Trần Tiến: “Tôi yêu chiếc khăn ma-tơ-ra - vương trên trán em dịu êm… như nắng buông trên dòng Tiền Giang - như gió reo trên dòng Hậu Giang - như lời thương nhớ ai - mà giọng hát xa vời…”.

Cũng chính “lời thương nhớ ai” đó mà trong lễ cưới truyền thống, chú rễ Chăm vẫn dành tặng cho cô dâu những chiếc khăn ma-tơ-ra như lời khẳng định sự thủy chung, son sắt không gì lay chuyển của đôi trái tim hướng về nhau.

“Để có một chiếc khăn ma-tơ-ra, người con gái Chăm phải rất kỳ công. Trước tiên, họ cắt một tấm lụa dài và bỏ thời gian ngồi thêu họa tiết. Nếu phải kết cườm thì còn tỉ mẫn hơn nữa. Bởi vậy, mỗi sản phẩm làm ra đều chứa đựng sự khéo léo và nét đẹp đến từ tâm hồn người thêu. Do đó, tôi chỉ bán những chiếc khăn thủ công cho khách du lịch mà không sử dụng máy thêu hiện đại, bởi khăn ma-tơ-ra chỉ đẹp khi được “sinh ra” từ bàn tay phụ nữ Chăm” - ông Mohamad khẳng định.

Hiện nay, ông Mohamad là người đại diện cho Làng nghề thổ cẩm Chăm tại Châu Phong nên ông luôn đề cao tính truyền thống trong từng sản phẩm của dân tộc mình.

Na Y Sah, một thiếu nữ Chăm tại Châu Phong chia sẻ: “Em rất yêu quý chiếc khăn ma-tơ-ra vì nó gắn bó với em từ rất lâu. Hơn nữa, em thấy mình đẹp hơn, tự tin hơn với trang phục truyền thống của dân tộc. Sau này, dù đi đâu em vẫn mang theo chiếc khăn ma-tơ-ra như lời nhắc nhở luôn nhớ về quê hương Châu Phong, nhớ bến phà Châu Giang cạnh ngã ba sông thơ mộng”.

Theo nhịp sống hiện đại, phụ nữ Chăm tham gia vào nhiều hoạt động xã hội nên trang phục truyền thống được tinh giản khi cần thiết. Tuy nhiên, họ vẫn gắn bó với chiếc khăn ma-tơ-ra và những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc mình.

Thời gian tới, Mohamad sẽ vẫn tiếp tục quảng bá các sản phẩm thổ cẩm Chăm đến du khách, trong đó có chiếc khăn ma-tơ-ra xinh xắn. Ông cũng bộc bạch ý định sẽ tái hiện lễ cưới truyền thống người Chăm để phục vụ du khách tốt hơn, khi đó chiếc khăn ma-tơ-ra có cơ hội lấp lánh trong mắt du khách gần xa. Ngày nào đó, ông Mohamad sẽ trao lại “nhiệm vụ” quảng bá, giữ gìn các sản phẩm truyền thống cho người con gái Safina.

Với ý nghĩa “tốt đẹp” từ cái tên của mình, Safina sẽ gìn giữ hồn thổ cẩm mà cha ông dày công vun đắp, khi đó cô lại tiếp tục choàng chiếc khăn ma-tơ-ra lên mái tóc của mình.

THANH TIẾN