Bìa 2 quyển sách.
“Phụ nữ Việt Nam - Những sự kiện đầu tiên và nhất”
Tựa sách đầu tiên là cuốn “Phụ nữ Việt Nam - Những sự kiện đầu tiên và nhất”. Sách do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành. Nội dung trình bày theo cách giới thiệu, điểm lượt thông tin. Trong sách, bạn đọc có thể tìm thấy nhiều dữ kiện độc đáo về nữ giới Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội từ chính trị, quân sự, văn học, nghệ thuật, thể thao, khoa học. Các sự kiện tiêu biểu như: Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần đầu tiên. Văn bản luật đầu tiên trong lịch sử hiện đại Việt Nam đưa quyền phụ nữ ngang bằng với nam giới. Cuộc thi hoa hậu đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất. Đội bóng đá nữ đầu tiên được thành lập ở Việt Nam…
Những người phụ nữ tiêu biểu được kể đến như: Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ đầu tiên. Người phụ nữ đầu tiên lập nhà in và nhà xuất bản. Người phụ nữ trẻ nhất được phong tặng nghệ sĩ nhân dân. Người phụ nữ duy nhất tham gia Ban soạn thảo Hiến pháp năm 1946. Nữ tiến sĩ đầu tiên ở Việt Nam…
Đặc biệt, trong dữ liệu của sách có nhắc tới những người phụ nữ của quê hương Bến Tre. Đó là “Đội quân tóc dài” xuất hiện đầu tiên ở Việt Nam - Đội quân tóc dài của Bến Tre trong phong trào Đồng khởi 1960. Không thể không nhắc đến đội nữ đặc công thủy duy nhất ở Việt Nam lúc bấy giờ chính là Đại đội nữ đặc công thủy của Bến Tre. Các chị đã cùng tổ đặc công nam lập nên thành tích vẻ vang của đơn vị đặc công thủy Bến Tre. Trên lĩnh vực chính trị, quân sự, có Nữ tướng Nguyễn Thị Định là nữ tướng duy nhất của Việt Nam ở thế kỷ XX.
Sách cũng nhắc đến Nữ sĩ Sương Nguyệt Anh là nữ chủ bút đầu tiên trong Lịch sử Báo chí Việt Nam, với tờ Nữ Giới Chung (năm 1918).
Trên lĩnh vực kinh tế ở thế kỷ XX, Bến Tre nổi bật có người phụ nữ Việt Nam đầu tiên thắng kiện trong việc bảo vệ thương hiệu ở nước ngoài. Đó là bà Phạm Thị Tỏ - bà Hai Tỏ, người phụ nữ Bến Tre đã bảo vệ thành công thương hiệu kẹo dừa Bến Tre ở thị trường nước ngoài vào năm 1998 - 1999.
Tập sách liệt kê 135 mục về những điều đầu tiên và đứng nhất của phụ nữ Việt Nam, chủ yếu tập trung trong thế kỷ XX. Sách nhỏ gọn, chỉ 257 trang, phù hợp để tra cứu, nghiên cứu, mở rộng kiến thức cho bạn đọc nhiều lứa tuổi.
“Mẹ tôi”
“Mẹ tôi” là tập sách tổng hợp 10 bài viết của những nhà trí thức nổi tiếng trong thế kỷ XX kể về những người mẹ của mình. Những câu chuyện khai thác ở góc độ hồi ức giàu cảm xúc, phác họa lại chân dung những người mẹ giản dị, giàu tình yêu và đức hy sinh.
PGS.TS Sinh học Đặng Xuyến Như, con gái Giáo sư Đặng Thai Mai đã kể về mẹ mình là bà Hồ Thị Toan như sau: “Mẹ tôi là người phụ nữ của gia đình. Mẹ không có cái mà ngày nay chúng ta vẫn gọi là sự nghiệp riêng. Nhưng thật ra bà vẫn có một sự nghiệp. Mẹ đã cùng ba tôi đem đến cho các con một tuổi thơ hạnh phúc và nuôi nấng dạy dỗ chúng tôi nên người…”.
Bà Hồ Thị Toan (1903 - 1986) là người phụ nữ nội trợ, suốt đời sát cánh cùng chồng trong những ngày khó khăn nhất từ đầu những năm 1930. Khi chồng bà là Giáo sư Đặng Thai Mai bị Pháp bắt, bà phải nuôi các con nhỏ trong những ngày thực dân Pháp đàn áp dữ dội phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh cho đến những ngày kháng chiến chống Pháp gian khổ. Ông bà Đặng Thai Mai có 6 người con đều là các giáo sư, phó giáo sư, trí thức tiêu biểu trên các lĩnh vực của nước ta.
Đạo diễn điện ảnh Đặng Nhật Minh lại bắt đầu câu chuyện về mẹ của mình từ những ký ức về quê ngoại và “Chinh phụ ngâm” do mẹ ông dạy cho đọc từ nhỏ. Trong ký ức tuổi thơ của mình, ông Đặng Nhật Minh ghi nhớ mãi những tâm tình của mẹ mình là bà Tôn Nữ Thị Cung. Ông viết: “Những năm 40, việc một phụ nữ trẻ, một nách ba con, con nhỏ nhất mới ba tháng, vừa nuôi con vừa hầu hạ bố mẹ chồng, sống cô đơn ròng rã suốt bảy năm trời là chuyện hi hữu… Có lẽ chưa đâu trên thế giới có nhiều phụ nữ chờ chồng như ở ta”.
Bà Tôn Nữ Thị Cung (1917 - 1954) là vợ của Giáo sư, Bác sĩ Đặng Văn Ngữ, người có cống hiến to lớn cho nền y học nước nhà. Trong đó, có việc chế tạo thành công nước lọc Penicillin giúp cứu chữa cho bộ đội tại chiến trường. Bản thân bà Tôn Nữ Thị Cung cũng đã tham gia làm cán bộ ở phòng bào chế thuốc kháng sinh Penicillin tại Việt Bắc trong kháng chiến chống Pháp. Bà mất đột ngột ngay tại đơn vị do bạo bệnh. Bà Tôn Nữ Thị Cung được trao tặng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhì.
Thông qua câu chuyện về những người mẹ, độc giả lại được biết thêm cả nếp sống của các gia đình trí thức. Những người mẹ dù trong hoàn cảnh nào cũng luôn là tấm gương mẫu mực cho các con của mình. Những hồi ức về mẹ đều được các tác giả nâng niu viết lại đầy trìu mến. Qua đó, ẩn chứa tình yêu vô vàn và lòng biết ơn chân thành với mẹ.
Tập sách “Mẹ tôi” dày 432 trang, trình bày đẹp, kèm theo mỗi bài viết đều có hình ảnh tư liệu của các gia đình, giúp bạn đọc hiểu hơn về những câu chuyện. Sách do Nhà xuất bản Phụ nữ ấn hành.
Theo Báo Đồng Khởi