Trà Vinh: Xây dựng kế hoạch và lồng ghép quản lý rủi ro trong cộng đồng

16/09/2022 - 08:50

Trước tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH) gây tác động tiêu cực đến đời sống, sản xuất của Nhân dân và ảnh hưởng đến một số công trình cơ bản... việc xây dựng kế hoạch và lồng ghép quản lý rủi ro là một trong những giải pháp quan trọng để từng người dân và chính quyền địa phương tham gia, góp phần hạn chế tình trạng dễ bị tổn thương với thiên tai như con người, sinh kế và tài sản bị ảnh hưởng bất lợi khi bị tác động bởi các thiên tai.

A A

Tận dụng điều kiện tự nhiên của vùng đất cù lao, nông dân Long Hòa - Hòa Minh, huyện Châu Thành đã gắn kết việc sản xuất theo hướng “thuận thiên” trong nuôi tôm và làm lúa mùa thích ứng với BĐKH.

Với các biện pháp “mềm”, giải pháp sinh thái trong thích ứng BĐKH, là các giải pháp theo hướng dựa vào thiên nhiên, phục hồi các hệ sinh thái và sử dụng các dịch vụ hệ sinh thái để giúp giảm thiểu các tác động, thiệt hại do thiên tai, BĐKH gây ra, đồng thời phát triển sản xuất theo hướng thích ứng với BĐKH và gắn với bảo tồn đa dạng sinh học. Hiện nay, trên địa bàn Trà Vinh đang đẩy mạnh triển khai khôi phục và quản lý bền vững các vùng đất ngập mặn ven biển và lưu vực sông để phát triển nguồn lợi thủy sản và sinh kế, giảm rủi ro lũ lụt và cung cấp các lợi ích giải trí và du lịch.

Bên cạnh đó, một số vùng ven biển như: huyện Duyên Hải, Trà Cú, Cầu Ngang, Châu Thành và thị xã Duyên Hải đã phát huy tiềm năng hiện có ở vùng ven biển như hệ thống rừng ngập mặn, rừng phòng hộ… để gắn kết vào bảo vệ bờ biển, chống xói mòn, sạt lở do tác động của mực nước biển dâng. Thông qua mô hình nuôi thủy sản kết hợp trồng và phát triển rừng (tôm, cua, cá... kết hợp); tận dụng diện tích đất bãi bồi ven biển, ven sông để nuôi một số loài nhuyễn thể có giá trị kinh tế (nghêu, sò huyết, vọp, hàu…).

Theo ông Trần Quốc Đoàn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Duyên Hải: đối với địa phương, kinh tế nông nghiệp ven biển khá đa dạng trong sản xuất từ trồng trọt, nuôi thủy sản và chăn nuôi. Để xây dựng mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện vùng đất ven biển, thích ứng với BĐKH; trong này, có mô hình nuôi tôm sinh thái (rừng - tôm) khoảng 865ha ở xã Long Khánh, Đông Hải. Riêng địa bàn các xã Đôn Xuân, Đôn Châu hướng đến sản xuất 02 vụ lúa ăn chắc + 01 vụ màu. Các khu vực ven biển và giồng cát được huyện triển khai các mô hình trồng màu theo hướng nhà lưới, gắn với thích ứng với BĐKH và ứng dụng các giống cây trồng mới như nho, táo theo hướng du lịch sinh thái, tạo điểm tham quan cho du khách…

Thích ứng với BĐKH thông qua các hoạt động của chính quyền địa phương, các ngành, đoàn thể trong xây dựng lồng ghép quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng có sự tham gia của Nhân dân được UBND thành phố Trà Vinh tích cực triển khai và đưa vào các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong thời gian qua.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Nhi, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trà Vinh: đối với thành phố có 02 địa phương là Phường 9 và xã Long Đức nằm ven khu vực sông lớn, những năm gần đây do tác động của BĐKH nên thường xuyên gây sạt lở, triều cường ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Năm 2015, thông qua Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) chọn thành phố Trà Vinh triển khai Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu của cộng đồng nhằm ứng phó thiên tai” ở địa bàn Phường 8, Phường 9 và xã Long Đức. Qua hơn 07 năm triển khai thực hiện, nhiều chương trình của dự án được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống của người dân trên địa bàn.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Ngọc Nhi, 05 chương trình trong dự án được triển khai trong thời gian qua cho người dân như: góp phần cùng với người dân địa phương thúc đẩy, phát triển các giải pháp sinh kế thay thế và nông nghiệp bền vững; nâng cao trách nhiệm giải trình và tình đoàn kết trong cộng đồng nhằm thay đổi kinh tế - xã hội, nhận thức về BĐKH, tăng cường lãnh đạo trẻ và tín nhiệm xã hội; thúc đẩy bình đẳng trong tiếp cận giáo dục chất lượng cho trẻ; ứng phó với các tác động của thiên tai và BĐKH bằng các phương pháp lấy con người làm trung tâm; xây dựng các giải pháp xã hội và chính trị cho phụ nữ, trẻ em gái. Đối với thành phố, thông qua các lần hội thảo, từ đó hướng dẫn các phường, xã cách lồng ghép kế hoạch và đề xuất các giải pháp ứng phó phù hợp, hỗ trợ địa phương lập kế hoạch quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo Báo Trà Vinh