Triển vọng từ các giống lúa tuyển chọn để xây dựng nhãn hiệu “Gạo Cần Thơ”

20/02/2024 - 09:22

Phục vụ xây dựng nhãn hiệu “Gạo Cần Thơ”, Viện Lúa ÐBSCL đã tuyển chọn được 2 giống lúa gồm OM 8 và OM 3, đồng thời phối hợp các đơn vị xây dựng mô hình trình diễn sản xuất các giống lúa này. Tham quan mô hình trình diễn sản xuất các giống lúa OM 8 và OM 3 tại xã Trung Hưng, huyện Cờ Ðỏ trong vụ đông xuân 2023-2024, nhiều nông dân đã đánh giá cao các giống lúa này và mong muốn tham gia sản xuất trong thời gian tới.

A A

Lúa OM 3 trồng tại huyện Cờ Đỏ trong vụ đông xuân 2023-2024 tại mô hình trình diễn.

Lúa cho gạo ngon, năng suất cao

Viện Lúa ÐBSCL là đơn vị chủ trì thực hiện Dự án khoa học tuyển chọn giống lúa thơm và chất lượng cao mang nhãn hiệu “Gạo Cần Thơ”, với thời gian thực hiện từ năm 2022-2025. Dự án này đã được UBND TP Cần Thơ giao Viện Lúa ÐBSCL chủ trì thực hiện theo Quyết định số 1314/QÐ-UBND của UBND thành phố. Ðến nay, Viện Lúa ÐBSCL đã tuyển chọn được 2 giống lúa gồm giống lúa thơm OM 8 và giống lúa chất lượng cao OM 3. Cả hai giống lúa này đều đạt năng suất cao và cho gạo thơm ngon, hạt gạo dài, ít bạc bụng.

Lúa OM 8 thuộc nhóm gạo chất lượng cao cấp, có thời gian sinh trưởng 92-97 ngày, chiều cao cây 90-100cm, cho gạo có mùi thơm đậm vị. Khối lượng 1.000 hạt đạt khoảng 27-28 gram, tiềm năng năng suất 6-8 tấn/ha, tỷ lệ gạo nguyên 53-56%, chiều dài hạt gạo 7,9-8,1mm, hàm lượng amylose 16-18%. Lúa có tính chống chịu mặn ở mức 3-4 phần ngàn, chống chịu đạo ôn ở mức cấp 7 và rầy nâu cấp 5. Giống lúa OM 8 đã được công nhận lưu hành.

Còn lúa OM 3 thuộc nhóm gạo chất lượng cao, có thời gian sinh trưởng 98-105 ngày, chiều cao cây 90-110cm, cho gạo có mùi thơm nhẹ. Khối lượng 1.000 hạt đạt khoảng 26-27 gram, tiềm năng năng suất 6-8 tấn/ha, tỷ lệ gạo nguyên 54-65%, chiều dài hạt gạo 6,8-6,9mm, hàm lượng amylose 16-19%. Lúa có tính chống chịu đạo ôn ở mức cấp 3-5 và rầy nâu cấp 3-7. Giống lúa OM 3 đang hoàn thiện hồ sơ xin công nhận lưu hành. Theo TS Mai Nguyệt Lan, Phụ trách Bộ môn Nông học, Viện Lúa ÐBSCL, gạo OM8 được bà con nông dân rất thích bởi nấu cơm ăn ngon, dẻo vừa, có vị ngọt, thơm đậm đà. Lúa OM 8 có khả năng cho năng rất cao, giống lúa này đã được sản xuất theo mô hình lúa - tôm tại một số tỉnh ÐBSCL, với năng suất lúa lên đến 9,4 tấn lúa khô/ha, cao hơn một số giống ST. Còn gạo OM 3 khi nấu cơm cũng rất ngon, cơm dẻo, có vị thơm nhẹ. Lúa cho năng suất bình quân 6-8 tấn/ha và có thể đạt 9 tấn lúa khô/ha.

Nông dân mong sớm được tham gia sản xuất

Vừa qua, Viện Lúa ÐBSCL đã phối hợp Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ cùng với Phòng NN&PTNT huyện Cờ Ðỏ tổ chức hội nghị đầu bờ về mô hình trình diễn canh tác lúa an toàn cho giống lúa chất lượng cao và lúa thơm trong Dự án Khoa học công nghệ tuyển chọn giống lúa thơm và chất lượng cao mang nhãn hiệu “Gạo Cần Thơ”. Viện Lúa ÐBSCL và các đơn vị có liên quan đã phổ biến, giới thiệu đến nông dân về các quy trình, kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến, bền vững cho vùng nước ngọt và nhiễm phèn tại ÐBSCL. Ðồng thời, giới thiệu về các đặc tính, quy trình, kỹ thuật canh tác cụ thể đối với giống lúa OM 8 và OM 3 nhằm giúp nông dân canh tác đạt năng suất, chất lượng tốt và tạo ra sản phẩm an toàn. Tại sự kiện này, nhiều nông dân trên địa bàn TP Cần Thơ cũng được tham quan thực tế mô hình trình diễn sản xuất giống lúa OM 8 và OM 3 tại xã Trung Hưng, huyện Cờ Ðỏ. Nông dân đánh giá cao về năng suất, chất lượng và khả năng giúp mang lại hiệu quả sản xuất cao của các giống lúa OM 8, OM 3 và bày tỏ mong muốn sớm được chuyển giao nguồn giống để tham gia sản xuất các loại lúa này.

Lúa và gạo OM 8 và OM 3.

Ông Tô Văn Ðậm ngụ ấp Thạnh Phú 2, xã Trung Hưng, huyện Cờ Ðỏ, cho biết: “Qua tham quan thực tế mô hình trình diễn sản xuất lúa OM 8 và OM 3, cho thấy các loại lúa này cho năng suất cao, gạo thơm ngon, nông dân có thể bán được giá cao. Ðây là các loại lúa tuyển chọn để tới đây phục vụ sản xuất, tạo ra sản phẩm gạo mang thương hiệu “Gạo Cần Thơ”. Nông dân rất kỳ vọng chúng góp phần quan trọng vào việc giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao chuỗi giá trị lúa gạo của Cần Thơ và tăng thu nhập cho nông dân nên rất muốn sớm được tham gia sản xuất các loại lúa này”. Theo ông Lương Hồng Sinh ở ấp Trung Thạnh, xã Trung Hưng, ông và nhiều nông dân háo hức chờ mong Viện Lúa ÐBSCL và các cơ quan chức năng của TP Cần Thơ sớm chuyển giao lúa giống để tham gia sản xuất các loại lúa này, tạo điều kiện để nông dân kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp trong liên kết sản xuất, tiêu thụ và hình thành nên sản phẩm gạo mang thương hiệu “Gạo Cần Thơ”.

Vụ đông xuân 2023-2024, Viện Lúa ÐBSCL đã phối hợp Sở NN&PTNT TP Cần Thơ tổ chức xây dựng mô hình trình diễn sản xuất lúa OM 8 và OM 3 tại huyện Cờ Ðỏ, với diện tích 3 ha/mô hình. Dự kiến trong vụ hè thu 2024 và các vụ lúa tiếp theo, Viện Lúa tiếp tục nhân rộng diện tích thực hiện mô hình trình diễn nhằm giúp nhiều nông dân biết về các giống lúa này và nắm kỹ thuật canh tác. Từ đó tạo thuận lợi để tới đây phát triển sản xuất trên quy mô lớn gắn với việc liên kết, phối hợp chặt giữa doanh nghiệp với nông dân và các bên có liên quan để hình thành các vùng nguyên liệu sản xuất gạo mang thương hiệu “Gạo Cần Thơ”.

Theo ông Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa ÐBSCL, giống OM 8 đã được công bố lưu hành và Viện khuyến cao nông dân ở Cần Thơ nên chú ý phát triển sản xuất trong vụ lúa đông xuân vì vụ đông xuân có nhiều điều kiện thuận lợi cho trồng các loại lúa thơm chất lượng cao. Còn giống OM 3 có thể phát triển sản xuất ở tất cả các vụ trong năm. Viện Lúa ÐBSCL đang hoàn thiện hồ sơ xin công nhận lưu hành giống lúa OM 3 và dự kiến giống lúa này sớm được công nhận lưu hành trong năm nay.

Theo KHÁNH TRUNG (Báo Cần Thơ)