Khu di tích Giàn Gừa.
Bà Võ Thị Nhung đến từ tỉnh Bến Tre phấn khởi kể: “Từ năm 2018 trở về trước, muốn đến đây, chúng tôi gửi xe ngoài QL 61B rồi mới đi bộ vào đây nên vừa mất thời gian, vừa vất vả. Năm nay về dự hội trên con đường mới láng o, khỏe vô cùng”.
Bà Lê Thị Tiết (87 tuổi) là cư dân tại đây, cho biết: “… Năm nay, cúng Bà rất văn hóa, văn minh. Nhà nước tuyên truyền không đốt vàng mã vừa lãng phí, vừa dễ xảy ra cháy nổ. Vật cúng kiếng cũng đơn giản hơn, tiết kiệm hơn. Quan trọng là tấm lòng thôi”.
Theo thông lệ hàng năm, lễ cúng Bà được tổ chức rất hoành tráng vào 2 ngày 27 và 28-2 âm lịch với nhiều hoạt động tế tự, cúng bái, đờn ca tài tử, hát bội, múa bóng rỗi đi kèm với các hoạt động mua bán sản vật lưu niệm, hàng hóa tiêu dùng. Năm nay lễ hội diễn ra vào ngày 2 và 3-4-2019.
Chị Lê Thị Kim Trắc đến từ tỉnh Vĩnh Long cho biết: “Năm nào cũng vậy, cách lễ hội 15 ngày, tôi đến đăng ký mua bán quần áo, quà lưu niệm tại đây.
Theo tập tục chung, mua bán tại đây không được nói thách; không bán hàng giả, hàng kém chất lượng, nếu vi phạm sẽ bị “Bà quở phạt”. Cạnh đó, chính quyền địa phương kiểm tra giá cả, chất lượng thường xuyên lắm”.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: Nói là “giàn gừa” nhưng thật ra chỉ có một cây “ cái” với bộ rễ khổng lồ bám xuống mặt đất.
Cây này có tên khoa học là Ficus Microcarpa, phát triển rất nhiều chi đan xen với nhau tạo nên một giàn cành nhánh với tán lá phủ cả một khu vực rộng lớn, vì thế mà người ta gọi là giàn gừa.
Trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, giàn gừa này là căn cứ cách mạng rất vững chắc nhờ địa hình hiểm trở và sự linh thiêng theo lời đồn đại của người dân.
Tháng 4-2013, Khu Di tích lịch sử Giàn Gừa đã được UBND TP Cần Thơ công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố. Ngày 13-6-2013, giàn gừa cổ thụ đã được Hội Bảo trợ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là Cây di sản Việt Nam.
Đây cũng là cây di sản đầu tiên của ĐBSCL và là cây di sản duy nhất của TP Cần Thơ được công nhận. Trong khuôn viên, ngoài miếu thờ bà Thượng Động Cố Hỷ còn có đền thờ Bác Hồ, các anh hùng liệt sĩ và biểu tượng 12 cô gái đã hy sinh tại ngã ba Đồng Lộc.
Không biết hư thực ra sao nhưng nhiều người dân địa phương vẫn lưu truyền câu chuyện cách nay hàng trăm năm. Chuyện kể rằng: Xưa kia, giàn gừa phát triển xanh tốt rộng trên 4.000m2.
Một hôm, có nông dân đi làm đồng ghé vào hút thuốc, vô tình làm rơi tàn thuốc khiến cả giàn gừa bốc cháy dữ dội. Sau đó, ở làng xuất hiện một căn bệnh lạ làm nhiều người chết.
Đang hoang mang lo lắng thì xuất hiện một đạo sĩ từ An Giang tìm đến cho biết, dưới giàn gừa là nơi ở của “Bà” có tên Thượng Động Cố Hỷ. Bà đang trừng phạt làng vì làm bốc cháy nơi ở. Muốn hết bệnh phải lập miếu cúng vái thì sẽ khỏi. Nghe vậy, cả làng lập tức làm theo.
Quả nhiên cơn bệnh lạ biến mất. Từ đó, ngày 28-2 âm lịch hàng năm được xem là lễ giỗ của “Bà”. Lễ cúng đầu tiên diễn ra vào năm Đinh Tỵ 1857, tính đến nay đã 162 năm.
Ngoài lễ cúng chính, khu di tích còn có 2 lễ cúng phụ vào ngày Thương binh- Liệt sĩ (27-7) và Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22-12) hàng năm.
Bà Nguyễn Thị Thời (ấp Nhơn Khánh, xã Nhơn Nghĩa) cho biết: Dù còn mang tính giai thoại dân gian nhưng điều đáng mừng là người đến dự lễ đều mong muốn, cầu nguyện quốc thái dân an, gia đình hạnh phúc, ấm no, chuyện làm ăn được suôn sẻ, trúng mùa, được giá. Tuyệt nhiên không có tệ nạn mê tín dị đoan nên lễ hội ngày càng có nhiều du khách đến tham quan.
Theo SONG ANH (Báo Vĩnh Long)