Văn hóa viếng chùa

03/01/2020 - 14:13

 - Nói đến viếng chùa, ai cũng thừa nhận đó là nét đẹp văn hóa của người Việt từ xưa. Tuy nhiên, nhận thức lệch lạc của một bộ phận giới trẻ hiện nay đã vô tình làm biến đổi ý nghĩa tốt đẹp này, khiến nhiều người cảm thấy bức xúc.

Bất kể thời điểm nào trong năm, mỗi người đều có thể viếng chùa. Tuy nhiên, thời điểm cuối năm cũ bước sang năm mới là lúc người Việt đến chùa nhiều nhất, bởi ai cũng muốn nhìn lại chặng đường một năm đã qua và hướng đến cuộc sống lạc quan trong những ngày tháng mới. Đã rất lâu rồi, văn hóa Phật giáo ăn sâu vào tiềm thức tâm linh của người Việt và trở thành nét đẹp truyền thống, giáo dục con người hướng về nẻo thiện và tìm đến sự tĩnh lặng trong tâm hồn.

Thế nhưng, sự phát triển và pha tạp của nhiều luồng văn hóa khác nhau trong thế giới hiện đại đã làm cho một bộ phận người dân hiểu nhầm, hiểu sai về ý nghĩa của nét đẹp văn hóa này. Từ đó, họ gây ra nhiều hình ảnh không đẹp ở chốn cửa thiền, vốn là nơi thiêng liêng của văn hóa Việt.

Không nói đâu xa, An Giang là địa phương có hoạt động du lịch tâm linh phát triển với nhiều điểm chùa nổi tiếng, nên có nhiều du khách đến lễ Phật là lẽ đương nhiên. Cũng vì thế đã phát sinh những câu chuyện không đẹp của một bộ phận du khách khi đến với những điểm chùa nổi tiếng này.

Cần chú trọng trang phục khi đến viếng chùa

Trước hết, phải nói đến câu chuyện “đẹp mà không đẹp” từ cách ăn mặc. Thực tế cho thấy, thời trang hiện nay đa dạng và phong phú như trăm hoa đua nở, khiến cho các bạn trẻ tha hồ chọn lựa và vận lên mình đủ thứ áo quần. Tuy nhiên, cái họ thiếu là nhận thức đúng trong cách ăn mặc khi đến chùa.

Từ cái váy ngắn củn đến chiếc quần rách năm, bảy chỗ. Từ cái áo như lưới bẫy chim cho đến trào lưu… áo dây, áo sợi! Nhiều người chia sẻ rằng, họ bị phân tâm khi bắt gặp những du khách mặc như không mặc đến chùa, khiến ý nghĩa tốt đẹp của tục lễ Phật bị ảnh hưởng không nhỏ.

Câu chuyện ăn mặc hở hang khi đến chùa đã khiến báo chí tốn không ít giấy mực và phần nào có sự chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, đâu đó vẫn có những “hạt sạn” gây xốn mắt dư luận. Trở lại bài thơ “Chân quê” của thi sĩ Nguyễn Bính, tác giả cứ một mực “Van em em hãy giữ  nguyên quê mùa/ Như hôm em đi lễ chùa/ Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh!”.

Bàn rộng ra, đó là cách ăn mặc sao cho hợp hoàn cảnh, hợp văn hóa chứ không dừng lại ở việc đi chùa. Phải thừa nhận rằng, ý thích ăn mặc là của cá nhân mỗi người và họ có thể mặc theo những gì mình muốn. Nhưng nhìn nhận ở góc độ văn hóa, việc khoe da thịt khi đến chốn thiêng liêng là điều không nên, vì nó trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc và ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm vốn có của cửa thiền!

Cũng nói về giới trẻ, cùng với sự thoải mái trong cách ăn mặc của họ là nhận thức hạn hẹp về ý nghĩa của tục viếng chùa. Thay vì tập trung lễ Phật, người ta chỉ chăm chăm “sống ảo” với đủ cách, đủ kiểu, đủ sắc thái cảm xúc.

Người viết từng chứng kiến một nhóm bạn trẻ mặt mũi xinh xắn, trang điểm tươi tắn và mặc đồ phật tử cùng đi chùa Hang (núi Sam, TP. Châu Đốc) để… chụp ảnh! Tất nhiên, vào thời đại công nghệ 4.0 thì người ta có quyền chụp ảnh, “tự sướng” khi đứng trước cảnh đẹp và không ai cấm việc đó.

Nhưng cần phân biệt rõ ý nghĩa của việc chụp ảnh và viếng chùa. Nhiều người đã phì cười khi chứng kiến cảnh tượng một bạn trẻ chấp tay quỳ trước Phật và diễn rất sâu, rất thành tâm cho một bạn khác live-stream trên mạng xã hội, với mục đích cho cả thế giới biết 2 nhân vật ấy đang đi chùa!

Việc đến chùa lễ Phật rồi nhân tiện chụp vài tấm ảnh đẹp để lưu giữ khoảnh khắc đó khác xa với mục đích chỉ chăm chăm đến chùa để "tự sướng", để "sống ảo" mà chẳng thắp nổi một nén nhang thành tâm cho đấng linh thiêng.

Bên cạnh đó, nhiều cá nhân xem chùa là nơi để tâm sự riêng tư, thề non hẹn biển cũng khiến những người khác phải "nhức mắt". Nhà chùa cũng vì thế buộc phải treo bảng nhắc nhở nhằm giữ gìn vẻ tôn nghiêm nơi cửa Phật. Đã đành chốn thiền môn luôn mở cửa với tất cả chúng sinh, nhưng không nên đem chuyện trần tục vào những nơi như thế này. Đó còn là chuyện người ta vứt rác bừa bãi hay vô tư làm ầm ĩ, khiến cho góc chùa thành góc chợ và rất nhiều điều khác nữa khiến cho những ai tôn kính Phật pháp cảm thấy bức xúc vô cùng.

Hàng ngàn năm qua, người Việt xem Phật giáo là cái nôi văn hóa của dân tộc, bởi thế chẳng ai chấp nhận những cảnh tượng quá lố, nhố nhăng xuất hiện chốn cửa thiền. Không nói đến những yếu tố khách quan, cá nhân mỗi người cần nhìn nhận lại bản thân để mỗi lần đến với cửa thiền sẽ giúp chúng ta buông bỏ muộn phiền, tìm đến cảm giác an nhiên, tự tại. Nếu nói viếng chùa là văn hóa thì tất cả mọi người cũng cần đề cao văn hóa khi viếng chùa!

MINH QUÂN