Cùng với sự ra đời của CLB Sáng tác trẻ thì tờ Văn nghệ trẻ Tiền Giang cũng được xuất bản số đầu tiên vào năm 1999. Đây là tờ văn nghệ hoàn toàn xã hội hóa, tự cân đối kinh phí. CLB Sáng tác trẻ và tờ Văn nghệ trẻ Tiền Giang có được tiếng vang là nhờ vai trò của Chi hội Văn học, đặc biệt là sự tâm huyết và trách nhiệm của nhà văn Thu Trang, nguyên Phó Chủ tịch Hội VH-NT tỉnh Tiền Giang. Chị là người đã có nhiều ưu ái, phát hiện, quy tụ, bồi dưỡng đội ngũ sáng tác trẻ, rồi tạo sân chơi để các cây bút trẻ phát huy năng lực.
XUẤT HIỆN NHIỀU CÂY BÚT TRẺ TRIỂN VỌNG
Trong thời gian đầu mới thành lập, CLB Sáng tác trẻ có 1 Chủ nhiệm, 1 Phó Chủ nhiệm và các Ủy viên Ban Chủ nhiệm. CLB duy trì sinh hoạt định kỳ hằng tháng, 2 năm đại hội 1 lần để bầu Ban Chủ nhiệm mới. CLB trong giai đoạn phát triển mạnh có từ 60 đến 70 thành viên, trong đó có từ 30 đến 40 thành viên tham gia sinh hoạt thường xuyên. Mọi chi phí hoạt động của CLB đều xã hội hóa.
CLB Sáng tác trẻ đi thực tế sáng tác.
CLB Sáng tác trẻ Tiền Giang thành lập năm 1998, do nhà văn Thu Trang, Phó Chủ tịch Hội VH-NT tỉnh, kiêm Chi hội trưởng Chi hội Văn học phụ trách. Nhà văn Thu Trang nhớ lại: Để giúp cho đội ngũ sáng tác trẻ có chất liệu thực tế, tích lũy vốn sống và nuôi dưỡng cảm xúc để sáng tác, CLB thường xuyên tổ chức các chuyến đi giao lưu với các CLB sáng tác trẻ ở ngoài tỉnh; đi thực tế sáng tác kết hợp với trao quà cho học sinh nghèo vượt khó ở vùng sâu, vùng xa trong và ngoài tỉnh.
Bên cạnh đó, Chi hội Văn học còn tổ chức các hoạt động có tính chất chuyên môn sâu để đội ngũ sáng tác trẻ học hỏi kinh nghiệm sáng tác như tọa đàm về truyện ngắn, thơ; mở trại sáng tác văn học trẻ; đồng thời, mời một số tác giả có uy tín tham gia sinh hoạt CLB để kích thích phong trào. Để giúp các cây bút trẻ trau dồi kỹ năng sáng tác, Chi hội Văn học còn mở các lớp bồi dưỡng, mời các tác giả có kinh nghiệm đến hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm.
CLB Sáng tác trẻ giao lưu với Ban Văn xuôi của Hội Nhà văn Việt Nam.
Từ đó nhiều tác phẩm của các tác giả trẻ đã vượt qua ranh giới tỉnh nhà, được giới thiệu, đăng tải trên các báo, tạp chí khắp cả nước. Nhiều cây bút trẻ trong giai đoạn này đã phát huy năng lực sáng tạo như: Trương Trọng Nghĩa (hiện nay là Phó Chủ tịch Hội VH-NT tỉnh Tiền Giang), Nguyễn Thị Mộng Thu, Nguyễn Thanh Hải, Vũ Tuấn, Nhật Linh, Quốc Đạt, Nguyễn Thị Chí Mỹ, Minh Châu, Nguyễn Quốc Vũ, Thùy Trang, Tố Trinh…
Để tạo sân chơi lớn hơn cho các cây bút trẻ trau dồi và cọ xát thực tế sáng tác, Chi hội Văn học đã tổ chức Cuộc thi Thơ trẻ Tiền Giang lần I - năm 2000. Cuộc thi thành công ngoài mong đợi, nhận được nhiều tác phẩm của các cây bút trẻ tham gia dự thi. Các tác phẩm qua vòng sơ tuyển ngoài công bố trên tờ Văn nghệ Tiền Giang và Văn nghệ trẻ Tiền Giang còn được in sách, tạo tiếng vang và được độc giả đón nhận, đánh giá cao, tạo thêm cảm hứng cho đội ngũ sáng tác trẻ hăng say sáng tác.
Phát huy thành công từ Cuộc thi Thơ trẻ Tiền Giang lần I, Chi hội Văn học tiếp tục tổ chức Cuộc thi Thơ trẻ Tiền Giang lần II vào năm 2006 và lần III vào năm 2013. Mỗi lần tổ chức cuộc thi thơ trẻ đều xuất hiện những tác giả mới, có tiềm năng.
Trao giải Cuộc thi Thơ trẻ Tiền Giang lần III.
NỖ LỰC KHÔI PHỤC PHONG TRÀO
Trước sự phát triển mạnh mẽ của đội ngũ sáng tác trẻ, một số tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã đến Tiền Giang để học tập kinh nghiệm cách thức tập hợp, phát huy đội ngũ sáng tác trẻ của tỉnh nhà. Tuy nhiên, khi công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, cùng với đó là sự bùng nổ của Internet, chỉ cần một cú click chuột là có đầy đủ mọi loại hình nghệ thuật trên không gian mạng, đáp ứng yêu cầu giải trí mọi lúc mọi nơi.
Từ đó phong trào sáng tác trẻ dần dần chìm lắng, nhất là trong những năm gần đây. Các CLB, bút nhóm sáng tác trên cả nước dần dần không tập hợp được tác giả trẻ. Các cây bút trẻ cũng vắng bóng dần trên văn đàn. CLB Sáng tác trẻ của tỉnh nhà cũng không thể duy trì được hoạt động; tờ Văn nghệ trẻ Tiền Giang phải dừng xuất bản, khép lại một chặng đường nhiều dấu ấn và trách nhiệm của những người tâm huyết với văn học trẻ tỉnh nhà.
Phó Chủ tịch Hội VH-NT tỉnh Tiền Giang Trương Trọng Nghĩa cho biết: Trong nỗ lực tìm kiếm tác giả trẻ và vực dậy phong trào sáng tác trẻ, trong những năm qua, Chi hội Văn học đã tổ chức 2 khóa bồi dưỡng sáng tác dành cho các tác giả trẻ vào năm 2014 và 2017. Mỗi khóa bồi dưỡng 1 tháng, gồm các buổi nghe các nhà văn, nhà thơ trao đổi kinh nghiệm sáng tác, đi thực tế viết bài thu hoạch... Tuy nhiên, qua các khóa bồi dưỡng vẫn chưa phát hiện những cây bút mới có tiềm năng.
CLB Sáng tác trẻ được củng cố và ra mắt Ban Chủ nhiệm mới vào tháng 8-2019.
Sau nhiều cố gắng, tháng 8-2019, CLB Sáng tác trẻ đã được củng cố, tái thành lập và ra mắt Ban Chủ nhiệm mới. Tuy nhiên, từ khi được củng cố, tái thành lập đến nay, CLB vẫn chưa có hoạt động gì nổi bật, các sáng tác của tác giả trẻ cũng chưa nhiều và còn thiếu những tác phẩm có chất lượng, để lại dấu ấn cho người đọc.
Ban Chủ nhiệm CLB Sáng tác trẻ ra mắt vào tháng 8-2019. Trong ảnh: Ban Chủ nhiệm CLB chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo Hội VH-NT tỉnh Tiền Giang và Chi hội Văn học.
Có thể thấy, dù đã rất nỗ lực nhưng văn học trẻ của tỉnh nhà hiện nay còn một khoảng trống chưa thể lấp đầy. Trong khi đó, các tác giả trẻ có nhiều dấu ấn trong giai đoạn những năm 2000 giờ chỉ còn lại vài người vẫn giữ nhiệt huyết, đam mê sáng tác như Trương Trọng Nghĩa, Nguyễn Thanh Hải, Vũ Tuấn, nhưng cũng đã gần 40 tuổi và ngoài 40 tuổi, thậm chí là 50 tuổi; một số tác giả còn lại thì ít hoặc ngừng hẳn việc sáng tác.
Làm thế nào để có đội ngũ sáng tác văn học kế thừa trong thời gian tới? Câu hỏi ấy vẫn đang là thách thức đối với những người có tâm huyết và trách nhiệm với văn học của tỉnh nhà.
Theo THIÊN LÊ (Báo Ấp Bắc)