Để cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước hơn 230 ngàn tấn thuỷ sản các loại mỗi năm, đằng sau nụ cười khi tàu đầy tôm, cá... luôn là những giọt mồ hôi và lắm lúc là cả nước mắt của ngư dân.
Sau hơn một ngày đánh bắt trên biển, anh Lê Văn Bằng (Ấp 6, xã Khánh Hội, huyện U Minh, hành nghề lưới) cho phương tiện vào Vàm T29 trên đê biển Tây bán sản phẩm và chuẩn bị cho chuyến biển tiếp theo. Hơn chục ký cá và mực là những gì anh có được sau gần một ngày vật lộn với sóng biển. Dù không được như kỳ vọng, nhưng anh Bằng vẫn tươi cười chia sẻ, chỉ cần chuyến nào đi cũng được vào bờ an toàn, suôn sẻ là mừng lắm rồi. Bởi làm nghề biển không chỉ thường xuyên phải đối mặt với hiểm nguy từ thời tiết, mà chỉ một chút bất cẩn là dẫn đến rủi ro trong lao động, rồi hư hỏng máy, phương tiện... nhất là vào mùa mưa bão như hiện nay.
Hơn 10 kg cá các loại là thành quả sau một ngày khai thác bằng nghề lưới trên biển của anh Lê Văn Bằng, ngư dân Vàm T29.
Tỉnh Cà Mau có đội tàu khai thác khá lớn, nhưng phương tiện nhỏ còn nhiều. Trong số 4.265 tàu cá toàn tỉnh thì số lượng tàu có chiều dài lớn nhất từ 12 m đến dưới 15 m là 1.498 phương tiện, tàu có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên là 1.542 phương tiện, còn lại là tàu có chiều dài lớn nhất từ 6 m đến dưới 12 m. Lượng phương tiện nhỏ còn nhiều, tức số người phải đối diện với nguy hiểm từ mưa dông bất thường trên biển lớn.
Tàu có kích thước nhỏ vẫn là hình ảnh rất đặc trưng tại các cửa biển nhỏ, dọc theo tuyến biển Tây.
Hiện nay, dọc theo các cửa biển nhỏ, cửa sông thông ra biển từ Ðông sang Tây, gần như nơi nào cũng có phương tiện khai thác nhỏ, thậm chí chỉ là phương tiện thuỷ được cải hoán để ra biển mưu sinh theo kiểu sáng ra, chiều vào.
“Có khi vật lộn cả ngày, vào bờ lỗ chi phí, có khi phải chấp nhận cho tàu nằm bờ vì sóng gió lớn... Ðó là nỗi khổ mà những ngư dân ít vốn, phương tiện nhỏ khai thác trong mé như chúng tôi gặp phải. Nhưng từ nhỏ đã sống ở biển, theo nghề biển thì chỉ biết bám biển”, ngư dân Nguyễn Văn Ðoàn, ấp Mũi Tràm B, xã Khánh Bình Tây Bắc, bộc bạch.
Ở nhiều cửa biển nhỏ như: Vàm T29, xã Khánh Hội, huyện U Minh hay vàm Ba Tỉnh, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời...; khu vực biển Ðông thì cửa Hố Gùi, Giá Lồng Ðèn, Giá Cao... việc hành nghề trên biển cũng chủ yếu theo hình thức nghề dạy nghề, cha truyền con nối, phương tiện nhỏ, hoạt động gần bờ, để có việc làm duy trì cuộc sống.
Cư dân tại Vàm T29 vận chuyển sản phẩm sau một ngày khai thác để bán cho các vựa gần đó.
Hơn 20 năm đối diện với sóng gió, vươn khơi bám biển, điều mà ông Trần Trọng Khâm, ấp Mũi Tràm B, xã Khánh Bình Tây Bắc, quan tâm trước tiên khi chuẩn bị cho chuyến đánh bắt là diễn biến thời tiết. “Ngoài theo dõi thời tiết trước khi khởi hành, tàu phải đảm bảo đã được kiểm tra, bảo dưỡng máy móc, hệ thống thông tin liên lạc... Tất cả phải trong tình trạng hoạt động tốt nhất”, ông Khâm chia sẻ.
Ðể giảm thiểu thiệt hại do thiên tai trên biển, nhất là vào mùa mưa bão như hiện nay, việc tăng cường kiểm soát chặt chẽ tàu ra vào cửa biển, số lượng thuyền viên đăng ký; phải đảm bảo đầy đủ trang thiết bị an toàn khi xuất bến... là giải pháp đã được các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và đặc biệt là các đồn biên phòng triển khai trong suốt thời gian qua.
Từ đầu năm đến nay, trên vùng biển của tỉnh đã xảy ra 58 vụ việc, phần lớn liên quan đến tàu cá. Theo đó, đã có 22 phương tiện bị chìm, làm chết 29 thuyền viên, mất tích 11 thuyền viên, trôi dạt 41 thuyền viên. Ðiều này một lần nữa khẳng định thời tiết trên biển luôn chứa đựng những yếu tố bất thường, hiểm nguy là không thể lường trước.
Ðài Khí tượng thuỷ văn tỉnh Cà Mau nhận định từ nay đến cuối năm 2024 vẫn còn khoảng 4-5 cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên biển Ðông, trong đó khoảng 2-3 cơn đổ bộ vào đất liền, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và các tỉnh phía Nam. Trên địa bàn tỉnh có khả năng xuất hiện nhiều loại hình thiên tai khác như: gió mạnh trên biển, mưa lớn, triều cường, ngập lụt, dông lốc, sạt lở đất ven sông, ven biển. Dự báo này cho thấy từ nay đến cuối năm, thiên tai có nguy cơ tác động đến sản xuất và đời sống của người dân trên địa bàn tỉnh, trong đó có ngư dân ven biển, là điều khó tránh khỏi.
Ðể tiếp tục chủ động trước mọi tình huống thiên tai, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra, Văn phòng UBND tỉnh vừa có Công văn số 8352/UBND-NNTN ngày 7/10. Bên cạnh những nội dung chỉ đạo các sở, ngành và chính quyền địa phương chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ lực lượng, phương tiện và vật tư cần thiết theo phương châm “4 tại chỗ” thì trong Công văn, Chủ tịch UBND tỉnh còn đặc biệt lưu ý Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng kiểm tra, chuẩn bị các điều kiện về thông tin liên lạc, lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, sẵn sàng ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên biển, đảo. Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị, địa phương có liên quan kiểm tra việc đảm bảo các điều kiện an toàn cho người và phương tiện trước khi ra biển hoạt động; phối hợp, giữ thông tin liên lạc với các lực lượng trên biển, sẵn sàng liên hệ, đề nghị hỗ trợ khi có yêu cầu.
Theo NGUYỄN PHÚ (Báo Cà Mau)