Vĩnh Long: Cần giảm dần tiến tới chấm dứt chăn nuôi hộ

17/04/2024 - 10:00

Nghị quyết số 05 ngày 9/9/2021 của HĐND tỉnh về ban hành Quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi (CN); vùng nuôi chim yến và chính sách hỗ trợ khi di dời CN ra khỏi khu vực không được phép CN trên địa bàn tỉnh (gọi tắt là NQ05) trong quá trình triển khai đã phát sinh khó khăn, vướng mắc, do một số cán bộ, công chức và người dân chưa hiểu đúng quy định, dẫn đến lúng túng trong thực hiện. Để NQ05 thực sự đi vào cuộc sống, đã đặt ra yêu cầu cần nghiên cứu kỹ, tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, tuyên truyền, vận động.

A A

Hộ chăn nuôi gửi gắm kiến nghị

Trong đợt tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh khóa X, cử tri các phường Trường An, Tân Ngãi, Tân Hòa, Tân Hội (TP Vĩnh Long) phản ánh việc cấm CN gia súc, gia cầm theo NQ05 gây khó khăn cho người dân. Đồng thời, kiến nghị: Việc cấm CN chỉ áp dụng với một số vùng trung tâm đô thị, vì CN là thu nhập chính của người dân nơi đây...

Cho hay “phường còn nhiều hộ sản xuất nông nghiệp, CN bò, dê... để cải thiện đời sống”- ông Hà Minh Sự- Phó Chủ tịch UBND phường Trường An, cho biết: Khi phường cho làm cam kết thì một số hộ xin kéo dài thời gian CN, một số hộ nuôi bò “chờ có giá để bán”; khi dừng CN cần được hỗ trợ một khoản tiền.

Cần tiếp tục tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và thực hiện Nghị quyết 05.

Ông Lê Xuân Hiếu- Phó Chủ tịch UBND phường Tân Ngãi, thì cho biết, phường có 6 khóm, trong đó 3 khóm: Vĩnh Bình, Vĩnh Phú và một phần của khóm Vĩnh Hòa còn khoảng 360ha đất nông nghiệp, nhiều hộ tận dụng CN. Khi triển khai NQ05, nhiều hộ phản ánh gay gắt; một số hộ mới vay vốn CN lo dừng nuôi không có tiền trả nợ vay. Qua tuyên truyền, vận động đã có 89/96 hộ cam kết giảm CN trong năm nay.

Bà Lâm Thị Thảo Trang- Phó Trưởng Phòng Kinh tế TP Vĩnh Long, cho biết: Chúng tôi đã thành lập đoàn xuống các phường, gặp gỡ tuyên truyền, vận động người dân thực hiện NQ05 cùng các văn bản liên quan. Theo đó, lộ trình đến năm 2025, thành phố là khu vực không được phép CN. Do vậy, tỉnh sẽ không phân bổ thuốc tiêu độc khử trùng và tiêm phòng. Bên cạnh, Nghị định số 02 của Chính phủ về hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh, cũng nêu rõ khu vực không được phép CN, thì không được hỗ trợ về thiên tai, dịch bệnh…

Qua gặp gỡ 245 người, thì có 61 ý kiến kiến nghị. Theo NQ05, có 2 hình thức hỗ trợ là: đào tạo, chuyển đổi nghề và vay vốn ngân hàng. Song, phần lớn các hộ CN không đủ điều kiện hưởng ưu đãi này. Người dân ở 4 phường vùng ven và một số hộ ở Phường 5 (giáp ranh xã Thanh Đức, huyện Long Hồ), Phường 8 (giáp xã Tân Hạnh, huyện Long Hồ) chủ yếu sống bằng nông nghiệp, diện tích đất vườn còn rộng, nên tận dụng nuôi dê, bò...

Cử tri kiến nghị, điều chỉnh NQ05 đối với vùng ven. Những hộ sống bằng nghề nông, diện tích đất nông nghiệp còn nhiều, cần được tiếp tục CN và có thể quy định nuôi với số lượng bao nhiêu. Bên cạnh, cần hỗ trợ chi phí di dời chuồng trại, con giống; gia hạn thời gian vay vốn ngân hàng...

Bà Trang cho biết thêm, TP Vĩnh Long hiện có 24 nhà yến, trong đó 3 nhà được xây sau khi NQ05 ban hành, địa phương đã cho ký cam kết dừng CN, di dời cơ sở ra khỏi thành phố. Đối với những hộ xây nhà yến trước khi NQ05 ban hành thì ký cam kết không nới rộng cơ sở và không phát loa... “Các cấp, các ngành đã vào cuộc quyết liệt với tinh thần trách nhiệm cao, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hiện, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân thực hiện NQ05”- bà Trang nói. 

“Tạo điều kiện tốt nhất để thực hiện”

Cho biết “thời gian qua, ngành CN phát triển tốt nhưng các con sông ngày càng ô nhiễm bởi xả thải”- Ông Lê Thanh Tùng- Chi cục trưởng Chi cục CN Thú y và Thủy sản, cho rằng: Chỉ nên phát triển CN ở những nơi phù hợp. Bước đầu, cần giảm dần và tiến tới chấm dứt CN hộ, để TP Vĩnh Long phát triển xứng tầm theo quy hoạch đô thị loại II.

Sau khi NQ05 ra đời, phường Tân Hòa ban hành kế hoạch sớm (ngày 7/1/2022), một số phường ban hành trễ hơn. Khi tiếp xúc, nhiều cử tri thắc mắc: Đất rộng như vậy sao cấm CN? Sao nuôi 5-10 con không được?... Cho thấy “nếu các địa phương quyết liệt làm sớm hơn, có lẽ nhận thức của người dân sẽ tốt hơn”- ông Tùng nhận định. 

Theo Thông tư số 23 của Bộ Nông nghiệp-PTNT về hướng dẫn một số điều của Luật CN và hoạt động CN, có nêu rõ loài vật nuôi và số lượng vật nuôi tối thiểu phải kê khai, chẳng hạn: nuôi 20 con gà, 20 con vịt, 5 con heo thịt... trở lên thì mới kê khai, còn nếu dưới ngưỡng này thì không buộc phải kê khai, không bị chi phối, điều chỉnh.

Bên cạnh, cần hiểu rõ là: Di dời CN chỉ áp dụng đối với các cơ sở CN trang trại. Ngoài ra, việc hỗ trợ chỉ được thực hiện trong khuôn khổ văn bản pháp luật về tập huấn, học nghề, tín dụng... không có cơ sở nào để áp dụng cho việc ngưng nuôi một con bò, con heo thì hỗ trợ bao nhiêu.

Đối với kiến nghị muốn kéo dài thời gian để bán có giá, thì CN sinh kế nông hộ chỉ có mất vốn nếu không tận dụng cỏ cho bò ăn... “Tôi nhận thấy, đây là NQ khá “nhạy cảm” đối với người CN nhỏ lẻ, khi triển khai cần phải hiểu rõ, bình tĩnh tiếp thu ý kiến và giải thích cho người dân hiểu”- ông Tùng nói. 

Đại biểu thông tin về các nội dung liên quan đến ý kiến, kiến nghị của cử tri TP Vĩnh Long tại buổi làm việc với Thường trực HĐND tỉnh.

Đại biểu thông tin về các nội dung liên quan đến ý kiến, kiến nghị của cử tri TP Vĩnh Long tại buổi làm việc với Thường trực HĐND tỉnh.

Ông Đỗ Đình Gần- Trưởng Ban Pháp chế, HĐND tỉnh, cho hay, căn cứ khoản 1, Điều 80 của Luật CN, thì UBND các cấp có trách nhiệm trình HĐND cấp tỉnh quyết định khu vực nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép CN. NQ05 cũng đã quy định rõ. “Ngành chuyên môn cần nghiên cứu kỹ để có hướng đề xuất phù hợp. Có thể là quy định cụ thể những nơi không được phép nuôi, nơi được phép nuôi thì tuân thủ Điều 56 và khoản 2, Điều 57 của Luật CN về kê khai, đảm bảo vệ sinh môi trường..."

Ghi nhận những khó khăn, đề xuất, bà Lê Thị Thúy Kiều- Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, lưu ý, Sở Nông nghiệp-PTNT phối hợp với UBND thành phố xem có cần thiết sửa đổi Điều 3 NQ05 hay không, nếu cần thì kiến nghị sớm. Đồng thời, phối hợp với các huyện, thị nắm tình hình, kiểm tra tiến độ triển khai, có khó khăn thì báo cáo, thống kê, tổng hợp và đề xuất cụ thể.

Việc chăn nuôi gia súc, gia cầm chỉ nên phát triển ở những nơi phù hợp.

Việc chăn nuôi gia súc, gia cầm chỉ nên phát triển ở những nơi phù hợp.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cũng khuyến nghị TP Vĩnh Long chủ động chọn phường làm điểm, đề xuất từng khu vực và có phụ lục cụ thể kèm theo; nắm kỹ các văn bản, tuyên truyền, vận động người dân hiểu và thực hiện. Đồng thời, chủ động rà soát theo lộ trình lên đô thị loại II, khu vực nào nuôi quy mô bao nhiêu, đến năm nào... cần có báo cáo, đề xuất cụ thể.

“Chúng tôi sẽ đồng hành với thành phố, tạo điều kiện tốt nhất để đảm bảo thực hiện theo luật và các văn bản của Chính phủ, Trung ương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội”- bà Lê Thị Thúy Kiều khẳng định. 

Ông Đặng Văn Lượng- Chủ tịch UBND TP Vĩnh Long: Thành phố tiếp tục chỉ đạo các phường, các ngành quyết liệt tuyên truyền, vận động người dân thực hiện NQ05 theo đúng lộ trình. Chậm nhất ngày 20/4/2024, các phường hoàn thành rà soát, đề xuất vùng, khu vực được phép, không được phép CN và gửi về Phòng Kinh tế tổng hợp, báo cáo, kiến nghị điều chỉnh NQ; hoặc có hướng dẫn của ngành chuyên môn để các phường triển khai thực hiện cho đúng.

Theo XUÂN TƯƠI- TUYẾT HIỀN (Báo Vĩnh Long)