Các cấp hội được hỗ trợ từ tổ chức MYI- Hàn Quốc xây dựng mái ấm tình thương giúp phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.
Hội vững mạnh là chỗ dựa vững chắc cho phụ nữ
Hàng năm, Hội LHPN tỉnh lãnh chỉ đạo các cấp hội tổ chức rà soát, nắm danh sách, khảo sát từng nhóm đối tượng để vận động, kết nạp hội viên (HV) mới; duy trì các mô hình tập hợp HV theo địa bàn dân cư, nhóm đối tượng; nâng cao chất lượng các tổ, nhóm, CLB theo đặc thù lứa tuổi, sở thích, ngành nghề, hoạt động thiện nguyện, dân tộc, tôn giáo.
Kết quả, trong hơn 2 năm qua, các cấp hội phát triển mới gần 11.700 HV, nâng tổng số HV hiện nay là trên 163.000 HV; có 91/93 cơ sở có tỷ lệ tập hợp HV đạt từ 60% trở lên.
Đặc biệt, với những kết quả hoạt động nổi bật qua nhiều năm, cải thiện đáng kể đời sống cho PN, đã tạo được niềm tin cho các tầng lớp nhân dân, hiện nay đa phần nam giới đã có nhiều đóng góp và ủng hộ tích cực cho các hoạt động hội PN.
Là tổ chức đại diện bảo vệ quyền lợi cho PN, hàng năm các cấp hội thực hiện tốt việc lựa chọn nội dung giám sát phù hợp và tham gia nhiều cuộc giám sát với các ngành, các cấp về các chính sách có liên quan đến PN, trẻ em và bình đẳng giới.
Sau giám sát, thực hiện tốt việc kiến nghị với cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành về những vấn đề còn bất cập trong triển khai thực hiện các chính sách liên quan đến quyền lợi PN.
Cán bộ hội cũng ngày càng mạnh dạn hơn trong đề xuất, góp ý tại các cuộc họp, hội nghị, sinh hoạt tổ, nhóm, CLB PN, tổ nhân dân tự quản, thùng thư góp ý…
Thời gian qua, các cấp hội đóng góp trên 450 ý kiến vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, các kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của HV, PN.
Đồng thời, các cấp hội đẩy mạnh vận động cán bộ, HV, PN tham dự các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp để kiến nghị trực tiếp những vấn đề khó khăn đang gặp phải trong cuộc sống; hàng trăm ý kiến, kiến nghị, đề xuất của PN đã được ghi nhận và tích cực giải quyết.
Các cấp hội còn phát huy tốt vai trò hòa giải viên cơ sở; kịp thời lên tiếng bảo vệ, thăm hỏi, động viên các trường hợp PN, trẻ em bị xâm hại; giáo dục cảm hóa các đối tượng vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, giúp chị em tái hòa nhập cộng đồng.
Phối hợp chặt chẽ với ngành tư pháp, hội luật gia tổ chức các hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý; tham gia hòa giải, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của PN, trẻ em.
Chị Lê Tú Nhi- Chủ tịch Hội LHPN TT Trà Ôn, cho biết, Hội LHPN thị trấn luôn bám sát các chi, tổ hội, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của HV, PN để kịp thời tham mưu đề xuất xây dựng nhiều mô hình mới phù hợp với nhiệm vụ chính trị địa phương.
Phát huy vai trò là chỗ dựa vững chắc cho HV, PN, hội đã tích cực vận động hỗ trợ PN và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên mọi mặt cuộc sống. Qua đó đã tạo được sự đồng thuận, gắn bó, giúp PN an tâm, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và của hội.
Thực hiện tốt bình đẳng giới
Các cấp hội LHPN tiếp tục tuyên truyền, quán triệt và triển khai thực hiện tốt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết số 11-NQ/TW và Chỉ thị số 21-CT/TW của Ban Bí thư (khóa XII) về “Tiếp tục đẩy mạnh công tác PN trong tình hình mới”; phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền nâng cao kiến thức bình đẳng giới cho cán bộ, HV, PN thông qua nhiều hình thức như tập huấn, truyền thông, hội thi,... từ đó đã tạo điều kiện, cơ hội để PN tham gia, thụ hưởng và bình đẳng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển nhanh, bền vững của tỉnh.
Phụ nữ kiến nghị những khó khăn đang gặp phải trong đời sống tại các cuộc tiếp xúc cử tri với Quốc hội, HĐND các cấp.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng, đề bạt, quy hoạch, tạo nguồn cán bộ hội được quan tâm đúng mức. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ hội được nâng lên đáp ứng yêu cầu thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Vị thế, vai trò của hội PN ngày càng được khẳng định, phát huy hiệu quả các quyền cơ bản của PN. Đội ngũ cán bộ hội ngày càng được chuẩn hóa về trình độ chuyên môn và lý luận chính trị.
Các cấp hội phối hợp mở rất nhiều lớp tập huấn, đưa đi học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị, công tác chuyên môn để chuẩn hóa đội ngũ. Tính đến nay, 100% cán bộ chuyên trách cấp tỉnh, huyện và 107/107 chủ tịch hội LHPN cơ sở đạt chuẩn chức danh theo quy định; 100% chi hội trưởng được bồi dưỡng nghiệp vụ mỗi năm.
Bên cạnh đó, tình hình PN kết hôn có yếu tố nước ngoài được các cấp hội rất quan tâm để hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho chị em.
Thời gian qua, các cấp hội kịp thời phát hiện và phối hợp hỗ trợ tư vấn 422 trường hợp PN kết hôn với người nước ngoài; tiếp cận, hỗ trợ làm giấy khai sinh cho 4 trẻ theo mẹ trở về Việt Nam sinh sống.
Ngoài ra, các cấp hội còn kết nối các tổ chức phi chính phủ, kiều bào về thăm quê hương; các chương trình, dự án để huy động nguồn vốn; trong nửa nhiệm kỳ 2021-2026, đã hỗ trợ 870 hộ vay với tổng vốn trên 3 tỷ đồng để chăn nuôi, trồng trọt, mua bán, kinh doanh...
Theo Chủ tịch Hội LHPN xã Trung Thành Đông (huyện Vũng Liêm) Nguyễn Thị Thảo Xuyên, với vai trò đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của PN và trẻ em, tiến tới bình đẳng giới, hội PN xã đã thành lập mô hình “Phòng chống bạo lực gia đình” ở ấp Đức Hòa có 12 thành viên tham gia.
Từ khi phát động thành lập và ra mắt mô hình đã giúp chị em PN tiếp cận pháp luật, phòng ngừa bạo lực gia đình, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; tuyên truyền HV hiểu được trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình trong thực hiện phòng chống bạo lực gia đình. Qua đó đã lan tỏa sâu rộng trong toàn xã, có gần 700 lượt chị em PN được tiếp cận nội dung tuyên truyền.
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh- Nguyễn Thị Kim Anh cho biết, những năm qua, các cấp hội LHPN trong tỉnh luôn cố gắng thực hiện hiệu quả chức năng đại diện của tổ chức hội.
Tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực làm chủ và phát huy vai trò làm chủ của HV, PN; chăm lo cho cán bộ, HV, PN được thụ hưởng các thành quả kinh tế- xã hội.
Ngoài ra, còn tham mưu tổ chức cho PN đối thoại chính sách với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền; tổ chức đối thoại chính sách cấp xã và cụm ấp, khóm, khu nhằm tăng cường tiếng nói của PN, nhất là tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó đảm bảo quyền lợi cho PN, ngày càng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.
Theo HẢI YẾN (Báo Vĩnh Long)