Bác sĩ Trần Đăng Khoa, Trưởng Khoa Nhi Bệnh viện đa khoa Xuyên Á Vĩnh Long, cho biết bệnh viện vừa tiếp nhận trường hợp bé gái bị ngạt nước do té sông. Khi người nhà đưa bé lên bờ thì cơ thể đã tím tái, ngưng thở.
Ngay lúc này, bà ngoại bé đã thực hiện sơ cứu tại chỗ xốc nước và thổi ngạt cho bé. Sau đó, bé thở lại được, gia đình nhanh chóng đưa đến bệnh viện địa phương cấp cứu trong tình trạng lơ mơ, kích thích. Bé được thở ôxy rồi chuyển đến Bệnh viện đa khoa Xuyên Á Vĩnh Long để tiếp tục điều trị.
Tại đây, bé nhập viện trong tình trạng suy hô hấp nặng, co gồng tay chân, các bác sĩ cấp cứu và khoa Nhi đã nhanh chóng tiến hành các biện pháp hồi sức tích cực, hút đàm nhớt trong miệng, ủ ấm, thở áp lực dương liên tục qua mũi (NCPAP), đặt sonde dạ dày, điều chỉnh rối loạn điện giải, chống phù não, kháng sinh dự phòng nhiễm trùng.
Qua hai ngày điều trị tích cực, bé tỉnh táo hoàn toàn, ăn uống được, tiêu tiểu khá, không ghi nhận các di chứng não. Bé được xuất viện vào ngày thứ 3 và được hẹn tái khám sau 3 ngày.
Tình hình sức khoẻ của bé gái đã ổn định sau nhiều ngày được điều trị tích cực. Ảnh: BVCC
Theo bác sĩ Trần Đăng Khoa, đuối nước là tai nạn thường gặp ở trẻ em thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long do hệ thống sông ngòi, kênh rạch dày đặc, nhất là vào mùa nóng các bé thường hay tắm sông, hồ. Phần lớn trẻ bị đuối nước tử vong hoặc có các biến chứng nặng như: suy hô hấp, viêm phổi, hoặc di chứng tổn thương não do thiếu ôxy kéo dài là do không được cấp cứu kịp thời hoặc cấp cứu không đúng cách.
Những thao tác đầu tiên của cấp cứu hồi sức ban đầu góp phần quan trọng trong việc cứu sống tính mạng của trẻ: không để trẻ nhỏ một mình ở nhà, đậy kín các vật chứa nước trong nhà. Không cho trẻ chơi một mình gần ao, hồ, kênh, rạch, sông: luôn có người lớn đi theo. Không cho bệnh nhân động kinh bơi. Nên hướng dẫn tập bơi, cho trẻ học bơi.
Theo NG. THUẬN (Người lao động)