Vĩnh Long: Sạt lở nghiêm trọng, ước thiệt hại 35 tỷ đồng

07/12/2022 - 08:58

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT- TKCN) tỉnh, vào lúc 16 giờ 30 phút ngày 5/12, tại ấp Bình Thuận 1 (xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ) khu vực cặp sông Cổ Chiên đã xảy ra vụ sạt nghiêm trọng. Vụ sạt lở tuy không thiệt hại về người nhưng đã gây thiệt hại kinh tế rất lớn, nhiều căn nhà và diện tích đất vườn, ao cá của người dân bị sạt lở hoàn toàn xuống sông.

A A

Điểm sạt lở nghiêm trọng khoảng 500m và có dấu hiệu tiếp tục lở thêm.

 14 căn nhà, nhiều diện tích cây ăn trái chìm xuống sông
 
Người dân tại khu vực ấp Bình Thuận 1 cho biết dấu hiệu sạt lở đã xuất hiện từ khoảng 14 giờ đến khoảng 16 giờ 30 phút ngày 5/12. Thất thần, hoang mang, thức trắng cả đêm không ngủ, nhiều hộ dân sống tại khu vực sạt lở không kìm được nước mắt khi nhắc đến đêm sạt lở tối hôm trước. Nhiều người cho hay, chưa bao giờ nghĩ tới cảnh sạt lở nghiêm trọng như thế này. Chỉ sau một đêm, họ rơi vào cảnh tay trắng vì nhà cửa, tài sản đã đổ hết xuống sông. 
 
Do gần mé sông nên nhà của ông Võ Minh Thảo là một trong những căn bị tuột xuống sông đầu tiên. Tiếp đến là nhà và đất của các hộ dân xung quanh. Do sạt lở diễn ra nhanh, trên diện rộng nên người dân không kịp di dời những tài sản có giá trị, chỉ kịp chạy ra ngoài thoát thân, có người không kịp mang theo quần áo.
 
Nhà cửa, tài sản tuột hết xuống sông, anh Võ Minh Thảo xót xa: “Vườn mít kế bên đất rớt ào ào xuống rồi nó mới sạt qua tới nhà tôi. Lúc đó rối bời, luýnh huýnh rồi chỉ lấy được có giỏ đồ để giấy tờ tùy thân quay trở ra. Rồi trở vô nhà lại nghe rắc rắc ghê quá là chạy vô ôm được di ảnh của người thân, quay ra sân là sạt tới sân, làm tôi rớt chiếc dép, chạy bỏ dép luôn, không có lấy được cái gì hết”.

Ngành chức năng, chính quyền địa phương đến khảo sát điểm sạt lở.

Cũng bị sạt lở nhà xuống sông, anh Lê Ngọc Hùng nhà phía sau nhà anh Thảo cho biết: “Tầm khoảng 6 giờ tối, vợ chồng tôi vừa đi làm về thì thấy nhà phía trước sạt lở, hoảng quá tôi cùng vợ và hai đứa con gom vội quần áo rồi chạy đi. Chỉ chốc lát sau là nhà đổ ụp xuống sông, tài sản mất hết”.
 
Rơm rớm nước mắt, chị Nguyễn Thị Kim Tư kể lại: “Nhà tôi có ba người, 4,5 công trồng nhãn, mà chỉ trong vài phút đã mất trắng. Đất đã mất hơn phân nửa, còn lại mấy liếp nhãn cũng có dấu hiệu chìm xuống sông tiếp. Tôi chỉ kịp lấy ít quần áo, đồ đạc, còn mấy hộ khác không kịp lấy gì, chỉ kịp chạy thoát thân”. 
 
Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh, tính đến sáng ngày 6/12, khu vực sạt lở có chiều dài khoảng 500m, rộng khoảng 200m, đã làm ảnh hưởng đến 16 hộ dân với 58 nhân khẩu, thiệt hại 14 căn nhà (trong đó có 12 căn nhà cấp 4, 1 căn nhà gỗ, 1 căn nhà kho). Sạt lở còn làm thiệt hại hoàn toàn 2 ao nuôi cá chốt của người dân. Ước thiệt hại ban đầu khoảng 35 tỷ đồng.
 
Ngay sau khi xảy ra sạt lở, tối 5/12, Ban Chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh và lãnh đạo UBND huyện Long Hồ đã đến khảo sát khu vực sạt lở. Đoàn đã thăm hỏi, động viên các hộ gia đình đồng thời chỉ đạo xã thực hiện các công tác cần thiết trước mắt.
 
Ông Nguyễn Chí Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện Long Hồ, cho biết: Huyện chỉ đạo cho xã tập trung lực lượng vận động rời khỏi khu vực nguy hiểm. Làm sao đảm bảo tính mạng của người dân là trên hết. Các hộ nằm trong vùng nguy hiểm thì tập trung vận động, di dời người dân về nơi an toàn.
 
Nhanh chóng hỗ trợ, di dời người dân đến nơi an toàn 
 
Ghi nhận của phóng viên đến sáng ngày 6/12, tình hình sạt lở tại đây vẫn tiếp tục xảy ra, trong đó có 9 căn nhà có nguy cơ tiếp tục bị sạt lở. Trong khu vực sạt lở có 1 căn nhà đã bị nghiêng xuống sông và có đường răn, nứt ở giữa ngôi nhà. Khu vực lân cận một số nơi đất rớt xuống sông. Chính quyền địa phương đã huy động lực lượng di dời 21 hộ dân (12 hộ bị sạt lở và 9 hộ có nguy cơ sạt lở) với gần 90 nhân khẩu ra khỏi khu vực sạt lở để tránh gây nguy hiểm, đồng thời, đảm bảo nơi ăn, ở, sinh hoạt an toàn cho các hộ dân được yêu cầu sơ tán.
 
Sáng 6/12, ngành chức năng và địa phương đã đến khảo sát điểm sạt lở. Sau đó, đã đến thăm và động viên người dân bị ảnh hưởng. Đồng thời, hỗ trợ tiền, nhu yếu phẩm cho bà con, bố trí nơi ăn, chỗ ở cho người dân, tạm thời ổn định cuộc sống. Theo đó, UBND xã Hòa Ninh cũng sơ tán nhiều người còn nhà người thân ở. Các hộ còn lại được xã bố trí chỗ ở tạm thời, đồng thời phân công tổ công tác hỗ trợ việc ăn uống, sinh hoạt của người dân.
 
Đang ở tạm tại Nhà văn hóa xã Hòa Ninh, bà Đặng Thị Thẩm (xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ) chưa hết bàng hoàng, kể lại: “Nhà và tất cả diện tích đất vườn cây ăn trái của tôi đã hoàn toàn bị chìm trong nước sau khi sạt lở xảy ra. Không có người thân ở khu vực này, gia đình tôi được chính quyền địa phương đưa đến ở tạm tại đây. Nhờ có địa phương hỗ trợ lo chỗ ăn, ngủ, hỗ trợ nhu yếu phẩm. Nếu không cũng không biết ở đâu vì nhà cửa, đất đai mình mất tiêu hết rồi, giờ tay trắng”. 
 
Ông Nguyễn Chí Cường cho hay: Sau khi rà soát những thiệt hại của các hộ dân xã cũng kiến nghị về tỉnh, huyện để thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân bị thiệt hại về thiên tai. Đối với một số hộ đã thiệt hại không còn tài sản, nhà cửa trong đó có một số hộ cận nghèo, trước mắt địa phương hỗ trợ mỗi hộ bị thiệt hại về nhà 4 triệu đồng, cùng lương thực, nhu yếu phẩm. Đồng thời, đối với những hộ không có nơi ở sẽ được bố trí nhà trọ để con em đi học.

Địa phương đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ người dân tạm thời ổn định cuộc sống.

Phát huy phương châm 4 tại chỗ trong PCTT, xã Hòa Ninh đã thực hiện tốt việc bố trí chỗ ở tạm thời cũng như đảm bảo sức khỏe cho người dân khi sạt lở xảy ra, góp phần giúp người dân ổn định tinh thần, vượt qua khó khăn.
 
Nhiều người dân bị ảnh hưởng cũng bày tỏ mong muốn địa phương, ngành chức năng có biện pháp hỗ trợ kịp thời trước hết về quần áo, đồng phục, sách vở để con em có thể tiếp tục đến trường và chỗ ngủ, nghỉ tạm thời. Về lâu dài, mong ngành chức năng có biện pháp hỗ trợ để bà con ổn định cuộc sống lâu dài. 

Khảo sát tại điểm sạt lở, ông Lưu Nhuận - Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh, cho biết: Tại thời điểm khảo sát, nguy cơ sạt lở vẫn còn tiếp tục xảy ra. Trước mắt, phối hợp với chính quyền địa phương di dời đồ đạc, rà soát tất cả các hộ dân nằm trong khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn, ổn định đời sống người dân. Vận động người dân không ở lại trong các ngôi nhà thuộc phạm vi sạt lở. Đồng thời, thông báo cho người dân trong khu vực biết về tình hình sạt lở và tiếp tục theo dõi tình hình sạt lở để có biện pháp ứng phó kịp thời; cử lực lượng túc trực tại khu vực sạt lở, cấm biển cảnh báo, không cho người dân vào bên trong.
“Đến thời điểm này điểm sạt lở còn diễn biến phức tạp, cần tiếp tục theo dõi, đánh giá mức độ sạt lở, đưa ra kết luận để có hướng giải quyết mang tính bền vững, lâu dài, hiện tại không thể can thiệp ngay. Bên cạnh đó, ở các vùng trọng điểm cảnh báo trước đây, thời điểm này các điểm ở cù lao đều có nguy cơ xảy ra sạt lở, do đó, khuyến cáo bà con cần nâng cao cảnh giác” - ông Lưu Nhuận khuyến cáo.

Theo PHI LONG (Báo Vĩnh Long)