Bộ Chỉ huy BÐBP tỉnh Cà Mau chỉ đạo các đồn biên phòng (ÐBP) phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ, chính quyền, các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội địa phương, các trường học triển khai mô hình vào hoạt động ngoại khoá.
“Tiết học biên cương” tổ chức theo tuần, tháng hoặc quý tại doanh trại ÐBP và tại các trường; nhân các ngày lễ, kỷ niệm sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, quân đội, BÐBP và địa phương. Ngoài giới thiệu, tuyên truyền miệng, còn kết hợp chiếu phim tài liệu, phóng sự ngắn; trưng bày hình ảnh về biên giới, biên phòng; tổ chức toạ đàm, diễn đàn, hội thi... Từ đó, giúp học sinh dễ tiếp cận, thêm yêu thích tiết học của những thầy giáo quân hàm xanh.
Tiết học do cán bộ ÐBP trực tiếp giảng dạy và biên soạn giáo án chi tiết, cụ thể, phù hợp với từng lứa tuổi, giúp các em dễ hiểu, dễ nhớ, gần gũi với thực tiễn. Qua đó, cùng với các trường thực hiện đúng phương châm “Học đi đôi với hành”.
Một “Tiết học biên cương” của ÐBP Sông Ðốc.
Nội dung tiết học đa dạng, cập nhật giới thiệu về tình hình biên giới biển, đảo và vai trò, trách nhiệm của học sinh trong tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo; Luật Biên giới quốc gia, Luật Biên phòng Việt Nam, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến biên giới, biển đảo; thành tích tiêu biểu, nổi bật của BÐBP. Bên cạnh đó còn kết hợp tuyên truyền tác hại của ma tuý, thuốc lá điện tử, bạo lực học đường...
Từ khi triển khai đến nay, các đơn vị thuộc BÐBP tỉnh đã tổ chức được hơn 68 buổi/35 điểm trường/2.500 lượt học sinh; tặng 550 cuốn sách pháp luật; 40 suất quà, 1.050 cuốn tập cho học sinh nghèo vượt khó, trị giá 55 triệu đồng; vận động 2 học sinh bỏ học giữa chừng quay lại học tập...
Tham gia cùng cán bộ, chiến sĩ ÐBP Khánh Hội thực hiện mô hình “Tiết học biên cương” tại Trường Tiểu học Lê Văn Tám (xã Khánh Hội, huyện U Minh), chúng tôi cảm nhận rõ được sự hào hứng cũng như ý nghĩa thiết thực của mô hình này với học sinh trên địa bàn biên giới.
Em Nguyễn Thị Giang, học sinh Lớp 4C, Trường Tiểu học Lê Văn Tám, cho biết: “Ðược các chú BÐBP tuyên truyền, em hiểu thêm về biên giới quốc gia, thấu hiểu nỗi vất vả của BÐBP. Các chú không chỉ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ mà còn đấu tranh với hoạt động của các loại tội phạm nguy hiểm để giữ gìn bình yên biên giới. Qua đó, em thấy mình phải cố gắng học tập, phấn đấu nhiều hơn nữa”.
Thầy giáo Tô Minh Phương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Tám, cho biết: "Qua "Tiết học biên cương" không chỉ nâng cao hiểu biết, củng cố thêm tình yêu quê hương, đất nước cho giáo viên, học sinh mà còn giúp hiểu thêm về quyền hạn, chức năng, nhiệm vụ của BÐBP. Ðây là mô hình có ý nghĩa sâu sắc và hiệu quả trong trường học mà BÐBP nên triển khai sâu rộng hơn nữa".
ÐBP Khánh Hội là một trong những đơn vị triển khai mô hình sớm nhất trong BÐBP tỉnh và đang được duy trì có nền nếp.
Ðại uý Nguyễn Thành Ðức, Chính trị viên phó ÐBP Khánh Hội, cho biết: "Ðảng uỷ, Ban Chỉ huy đồn phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ, chính quyền địa phương và các trường học trên địa bàn, đồng thời chỉ đạo các tổ, đội công tác thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả mô hình “Tiết học biên cương”. Qua đó, không chỉ góp phần nâng cao nhận thức cho các em về chủ quyền biên giới, biển đảo mà thông qua mô hình, giáo viên và học sinh còn có thể trở thành tuyên truyền viên, chung sức cùng BÐBP tuyên truyền và bảo vệ chủ quyền biển, đảo".
Ðảng uỷ, Bộ Chỉ huy BÐBP tỉnh Cà Mau tiếp tục chỉ đạo đa dạng hoá hình thức, phương pháp tuyên truyền, để “Tiết học biên cương” tiếp tục mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thực hiện thắng lợi Ðề án "Phát huy vai trò của lực lượng quân đội Nhân dân tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021-2027"./.
Theo LƯƠNG VĂN BÌNH (Báo Cà Mau)