Ảnh minh họa: TL
Đồng chung kéo dài chừng nửa tháng, hai mươi ngày và thường rơi vào cuối tháng Bảy, đầu tháng Tám âm lịch. Còn tại sao là “đồng chung”, khi được hỏi, những bậc lão nông tri điền chỉ cười và lắc đầu: “Thì ông bà nói sao mình nói vậy!”, chớ chưa ai trả lời cho rõ ngọn ngành. Phải chăng, đồng chung là cả đồng bằng miền Tây Nam Bộ rộng mênh mông, những ngày này, chưa có “ông gió” nào thực sự “làm chủ”, một chút gió nam già, một chút ngọn chướng non, rồi len lén gió nồm, đôi khi chen chân ngọn bấc… cứ xô đẩy, cứ tranh giành, không ai thắng thế?
Đồng chung, những ngọn gió cứ xô đẩy nhau nên mây không tản ra được, cứ ùn ứ trên bầu trời suốt ngày đêm, âm u, ảm đạm, không mấy khi hé tia nắng ấm. Lẽ thường, lắm mây thì nhiều mưa. Chuyển nam - mưa, chuyển chướng - mưa, chuyển bấc - mưa, chuyển nồm - cũng mưa. Trong một ngày có khi năm, bảy cơn mưa, cơn trước chưa qua cơn sau đã tới; trong một cơn mưa có khi đang nam chuyển sang chướng, rồi trở về nam, chen thêm chút bấc, chút nồm bất thình lình. Mây giăng đen trời thì mưa đã đành nhưng cũng có khi trời còn hãnh nắng vẫn cứ mưa, vừa mưa vừa kéo mây ùn về. Cơn mưa nào cũng nổi bong bóng, không nghe tiếng mưa rơi rả rích, đồm độp mà cứ như có ai xối nước lên mái nhà. Mưa nhiều, nước liên tục trút xuống nên đất bảo hòa, không còn khả năng thẩm thấu, nhất là những chân đất giồng - mưa thúi đất. Trên mặt đất, chỗ thấp thì nước đọng vũng, chỗ cao hơn cũng chỉ cần lấy ngón chân cái xủi nhẹ là đã gặp nước - đất oi nước. Mưa nhiều, nước liên tục trút xuống thêm hơi nước từ dưới bốc lên nên cả không gian trở nên ẩm thấp, độ ẩm cực đại, cả bầu trời như giăng giăng hơi nước - trời mọng nước. Bây giờ, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, lượng mưa trung bình hàng năm giảm đi, hiện tượng đồng chung mưa thúi đất chỉ còn diễn ra ở những năm La Nina - như năm Quý Mão 2023 này.
Đồng chung là những ngày thời tiết khó chịu nhất trong năm ở miền Tây Nam Bộ. Không khí luôn ẩm ướt, trời chẳng mấy khi có nắng, gió xô đẩy qua lại rồi ngừng hẳn, có phần ngột ngạt, khó thở. Quần áo, mùng mền lúc nào rờ vô cũng thấy ẩm ẩm, mà không thể nào mang ra phơi phóng. Bước ra khỏi hàng ba là ngâm chân trong nước. Bởi vậy, mùa đồng chung sức khỏe con người chừng như yếu ớt, dễ trúng mưa, cảm gió, con nít dễ bị nhặm mắt (ngày nay gọi là đau mắt đỏ), người già long xương mỏi khớp, hay đau nhức bất thường, nhất là đoạn xương sống chỗ vói không tới, lúc nào cũng khục khặc ho, sụt sịt mũi, đi đâu cũng có chai dầu trong túi.
Nhớ vài chục năm trước, trên những cánh đồng mỡ màng phù sa, nhưng hầu hết người nông dân miền Tây Nam Bộ chỉ gieo cấy mỗi năm một vụ lúa mùa nên không mấy gia đình cơm gạo đầy đủ quanh năm. Nhà thì cột tre mái lá, mưa đồng chung không ngớt nên mái lá ngậm nước nặng chịt đè lên mấy chiếc cột tre khẳng khiu, xiêu vẹo, chỗ dột chỗ khô. Ngày mưa, lu gạo thường trơ đáy, bà chủ nhà phải cắp rổ qua hàng xóm năn nỉ, ỉ ôi. Trong bếp, trừ những nhà khá giả có được cự củi đỏ như củi đước, củi già hay mù u, vú sữa thì bắt lửa đượm than, lửa reo tí tách; còn những nhà khó khăn trông cậy vào đám dừa sau nhà, lấy bẹ làm củi, lấy lá làm mồi nhóm lửa. Cái giống củi dừa (dừa cây hay dừa nước đều vậy) luôn làm khổ nhà nghèo, dù mùa nắng đã phơi phóng kỹ lưỡng đến mức nào thì mùa đồng chung cũng ngậm nước, củi bẹ thì mềm xèo bộp xộp, lá thì dẻo quặt. Bà chủ nhà ngồi cong lưng thổi, lửa chưa kịp bắt lên mà khói đã dậy khắp nhà, ong ong nước mắt. Lửa bén rồi, bà chủ vẫn phải ngồi đó mà canh, hở một chút là lửa tàn bếp lạnh, lại phải cong lưng mà thổi. Lửa mạnh rồi, sức nóng đẩy hơi ẩm về phía còn lại của bẹ củi, nhiều khi nhỏ thành giọt xuống chưn ông táo. Chén cơm chan đầy nước mắt.
Ảnh minh họa: TL
Ngày đồng chung, đất oi nước, các loại cây trồng trên giồng dưới ruộng đang tươi tốt qua mấy tháng mùa Nam, mưa thuận gió hòa, bỗng chựng lại, xuống lá. Rễ già có sẵn lẫn rễ non mới ra gặp nước oi trong đất nên thúi úng, co lại chịu trận. Cây như người không chân, chỉ cơn gió nhẹ thoáng qua cũng dễ bật gốc. Bởi vậy, những ngày mưa nhiều này, ra chợ thường gặp những buồng chuối, trái đu đủ chưa già bày la liệt (đu đủ, chuối trong vườn đang xanh tốt mà bật gốc, bỏ thì uổng, thôi cứ đem ra chợ vớt vát được gì hay đó!), giá nào cũng bán. Để giảm bớt thiệt hại, cứ tháng Bảy âm lịch, nhà vườn thường cuốc đất đắp mô, vô phân vun gốc, giúp cho rễ non trồi lên, tránh chân đất phía dưới đang oi nước. Khổ nỗi, rễ non trồi lên cũng kéo theo bọn đuông đất, dế cơm, trùn đất… lên theo và chúng cứ rễ non mà gặm. Mùa này, cứ lần theo vồng mì, luống khoai hay mô đất cao mà lật ra thì mỗi nhát cuốc cũng đôi ba anh đuông đất trắng tinh, mập lù, mọng mỡ say sưa bám vào củ mì, củ khoai, rễ cỏ. Đuông đất mùa đồng chung, nhiều mà ngon như một sản vật trời cho người nông dân trên những chân giồng đất cát.
Ngày đồng chung, mưa dầm, ít nắng, không khí ẩm thấp tạo điều kiện cho các loại côn trùng gây hại như sâu, rầy… sinh sôi nẩy nở. Chúng cứ bám vào phần thân non, lá non của các loại cây trồng vừa là nơi trú ẩn vừa là nguồn thức ăn dồi dào để chúng nhanh chóng lan rộng ra. Cộng thêm vào đó, bộ rễ đang bị tổn thương khiến sức đề kháng của cây trồng suy giảm đáng kể. Ở những chân ruộng sâu ngập nước, không khí ẩm thấp dễ sanh ra bệnh tim đọt sần (bệnh đạo ôn), làm cho cây lúa đang xanh tốt bỗng lụn xuống, không còn sức để làm đòng, trổ bông. Dù cho mưa gió cỡ nào, người nông dân cũng phải thường xuyên ra đồng chăm sóc, chí ít cũng ngó chừng thăm lúa. Chủ quan lơ là vài ngày, có khi cả thửa ruộng lúa, cả rẫy hoa màu bị sâu rầy tàn phá nặng nề, mùa màng thất bát, nghèo khó như chơi.
Ảnh minh họa: TL
Tất nhiên, cũng có những loại thực vật có ích sống trong môi trường ngập nước lại phát triển nhanh chóng hơn trong những ngày mưa dầm đồng chung. Người nông dân quê tôi lại rủ nhau chống xuồng ra bưng sâu hái bông điên điển, bông súng; lên đồng cạn cắt rau đắng đất, rau dừa, cần nước, mã đề, bồn bồn… hoặc ra bãi nhổ đọt cù nèo, rau ngổ… dặm vào bữa ăn hoặc mang ra chợ cho có đồng ra đồng vô, dù bèo bọt nhưng có còn hơn không. Mưa dầm, đồng ngập sâu và nhiệt độ trong nước giảm xuống, khiến cho nhiều loại cá đồng tìm cách vượt lên những chân rẫy, chân rộc, thậm chí lên luôn đất giồng cát xâm xấp nước. Những thập niên trước, không hiếm khi người ta chứng kiến nhiều đàn cá lóc, cá trê, cá rô hàng trăm con, lợi dụng cơn mưa chiều xối xả, rủ nhau vượt lộ ngay giữa ban ngày. Trời đang mưa, ai đó ngồi trước hàng ba nhìn ra và phát hiện cá vượt lộ, vội í ới gọi nhau mang thùng, mang rổ ra bắt cá trên đường đi - cảnh tượng ấy, thế hệ trẻ ngày nay nghe kể chắc cũng khó mà tin được.
Nghề đáy hàng khơi ở huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Ảnh: BÁ THI
Trên vùng biển Trà Vinh và một số tỉnh miền Tây Nam Bộ vốn rất thịnh hành nghề đóng đáy hàng khơi. Giữa biển cả mênh mông, nghề đáy hàng khơi phụ thuộc vào lạch nước chảy và hướng gió thổi nên mỗi năm có hai mùa đáy, mùa nam và mùa chướng. Đồng chung là những ngày các “thon đáy” nam nằm “phơi đáy” nghỉ ngơi để chủ và các “bạn đáy” giong ghe đi tìm lạch mới thuận với ngọn gió chướng sắp về. Khi cánh đàn ông giong ghe trên biển ngày đồng chung thì các mẹ, các chị ở nhà đứng ngồi không yên, cứ tựa bậu cửa mà mắt ngóng dài ra biển cả, thon thót đợi tiếng ghe quay về. Là dân đi biển ai cũng rành chuyện nhìn hướng gió, để mũi ghe chẻ trên ngọn sóng mà đi. Ngày đồng chung, gió thường xuyên trở ngọn, chẳng biết đâu mà lường. Đó là chưa kể những cơn mưa giông bất chợt kèm theo những cơn gió dữ dựng sóng từ tứ phương kéo về, khiến chiếc ghe tải trọng vài mươi tấn gắn động cơ công suất vài chục sức ngựa cũng trở nên mong manh như chiếc lá giữa dòng thác lũ. Cứ hình dung năm, bảy mươi năm trước nữa, khi dân đi biển miền Tây Nam Bộ còn ra khơi trên những chiếc ghe buồm bé xíu, nương gió mà đi, thì nỗi ám ảnh sóng gió ngày đồng chung còn lớn đến cỡ nào. Bởi vậy, với những người phụ nữ ven biển miền Tây, câu ca “lấy chồng đi biển hồn treo cột buồm” luôn đeo đẳng, day dứt trong tâm can các mẹ, các chị từ đời này sang đời khác.
Cũng may, ngày đồng chung không kéo dài lắm. Một buổi mai nào đó giữa tháng Tám âm lịch, bầu trời ảm đạm bỗng hửng nắng phía đàng Đông, mây ùn ứ bỗng vón cục lại như những cục rác mà người nông dân đi bừa nhả ra (nên gọi là “mây nhả bừa”), rồi bị đẩy dần về phía mặt trời lặn. Trời dần quang đãng, cả mặt đất, cả bầu trời dần khô ráo. Con người cảm thấy khỏe khoắn hơn. Cả động vật, cây cối dần lấy lại sức sống.
Lao rao ngọn chướng non đã về.
Theo TRẦN DŨNG (Báo Trà Vinh)