Bản đồ các dự án Mekong DPO tháng 3-2023. Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Đề xuất 16 dự án
Mekong DPO góp phần thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về hiện thực hóa quy hoạch vùng. Trong đó đặt mục tiêu liên kết vùng là quan trọng, thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời tạo được động lực phát triển cho các địa phương. Thứ trưởng Bộ KH&ÐT Trần Quốc Phương cho biết: Gần 1 năm qua, với sự phối hợp của 6 đối tác phát triển (Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng Tái thiết Ðức (KfW), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM), Ngân hàng Thế giới (WB), sự chỉ đạo của lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố vùng ÐBSCL và đặc biệt sau lễ công bố Quy hoạch vùng ÐBSCL vào tháng 6-2022, công tác chuẩn bị dự án của các bộ, địa phương được quan tâm, thúc đẩy. Bộ đã phối hợp với các bộ, địa phương tiến hành các thủ tục trong nước theo quy định đối với các đề xuất dự án.
Từ tháng 3-2022, Bộ KH&ÐT đã phối hợp cùng 6 đối tác phát triển phương án nguồn vốn nước ngoài cho các dự án tổ chức hơn 10 chuyến khảo sát, làm việc với 13 tỉnh, thành và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) để trao đổi về quy mô, hướng tuyến, tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án. Bộ Giao thông vận tải (GTVT) , Bộ NN&PTNT và 13 tỉnh, thành ÐBSCL đã xây dựng 16 đề xuất dự án. Tổng mức đầu tư khoảng 94.328 tỉ đồng; trong đó, vốn đối ứng khoảng 28.046 tỉ đồng; vốn vay nước ngoài khoảng 66.282 tỉ đồng. Về cơ chế tài chính trong nước phần vốn vay, đối với Bộ NN&PTNT và Bộ GTVT: cấp phát; đối với 13 tỉnh, thành phố vùng ÐBSCL: vay lại 10%, cấp phát 90%.
Về tiến độ của các dự án Mekong DPO, Bộ KH&ÐT dự kiến, trong tháng 6-2023 sẽ phê duyệt đề xuất; đến tháng 12-2023, phê duyệt chủ trương đầu tư. Ðối với các dự án của Bộ NN&PTNT, Bộ GTVT sẽ quyết định đầu tư và ký hiệp định vào tháng 6-2024. Còn các dự án của các tỉnh, thành phố vùng ÐBSCL sẽ quyết định đầu tư và ký hiệp định vào tháng 9-2024...
Đẩy nhanh tiến độ
Ðể đẩy nhanh tiến độ các dự án, theo ông Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại thuộc Bộ KH&ÐT, về danh mục dự án Mekong DPO, cần xác định danh mục các dự án ưu tiên của ÐBSCL trên cơ sở quy hoạch vùng, quy hoạch tích hợp địa phương nhằm đảm bảo tính kết nối, làm căn cứ đàm phán tổng thể với các đối tác phát triển. Về hạn mức vốn nước ngoài huy động cho các dự án Mekong DPO, không nên giới hạn từ đầu mức vốn ODA huy động cho các dự án ưu tiên của vùng để đảm bảo tính linh hoạt, đáp ứng nhu cầu của Vùng. Về cơ chế tài chính, do các dự án của vùng ÐBSCL là nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và liên kết vùng nên tất cả các dự án do 1 địa phương làm chủ đầu tư được áp dụng cơ chế cấp phát vốn vay nước ngoài 90% từ ngân sách Trung ương. Về thẩm quyền đầu tư, đối với các dự án có tính chất liên kết vùng liên quan đến 2 địa phương, cần kiến nghị Quốc hội ban hành cơ chế đặc thù giao 1 địa phương làm chủ đầu tư và cấp phát toàn bộ, các địa phương bố trí ngân sách giải phóng mặt bằng.
Thời gian qua, trên địa bàn TP Cần Thơ đã có nhiều công trình phát huy hiệu quả liên kết vùng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội vùng. Trong ảnh: Cầu Vàm Cống nối Cần Thơ - Đồng Tháp. Ảnh: T. TRINH
Các địa phương vùng ÐBSCL đều thống nhất một số giải pháp đẩy nhanh tiến độ mà Bộ KH&ÐT đưa ra. Ðồng thời xác định 16 dự án là một nhóm dự án biến đổi khí hậu, đều ưu tiên như nhau. Ông Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, cho rằng: Mekong DPO là dự án đặc biệt kết nối các tỉnh, thành vùng ÐBSCL, có nhiều tài trợ từ châu Á đến châu Âu. Dự án không chỉ là mong mỏi của lãnh đạo mà còn của nhân dân vùng ÐBSCL. Vì vậy rất mong dự án làm sao triển khai nhanh hơn; trong đó chú trọng tính đồng bộ để mang lại hiệu quả tích cực cho ÐBSCL. Bởi dự án đi qua nhiều tỉnh, thành, nếu một địa phương triển khai chậm trễ thì sẽ ảnh hưởng đến dự án không đạt kết quả như mong muốn...
Quyết tâm sớm triển khai dự án Mekong DPO, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đề nghị các địa phương cần kết thúc việc điều chỉnh, rà soát, thay đổi nội dung đề xuất dự án. Cùng đó, cân đối, báo cáo cấp thẩm quyền địa phương, HÐND về khả năng đối ứng của địa phương đối với các dự án DPO. Về phía Bộ KH&ÐT phối hợp chặt chẽ với bộ, ngành và các địa phương hoàn thiện hồ sơ đề xuất dự án để sớm được phê duyệt. Thứ trưởng Trần Quốc Phương cũng mong muốn các đối tác phát triển sẽ cùng nỗ lực huy động các nguồn vốn viện trợ không hoàn lại, các khoản hỗ trợ kỹ thuật để giúp trực tiếp các dự án, các địa phương cũng như cân nhắc về việc đơn giản hóa quy trình thủ tục đối với các dự án…
16 dự án Mekong DPO đề xuất gồm:
Cần Thơ: Đường kết nối quốc lộ 91B qua huyện Thới Lai, TP Cần Thơ với quốc lộ 80 qua huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang và quốc lộ 61C tỉnh Hậu Giang. Nay đổi thành dự án Phát triển bền vững TP Cần Thơ thích ứng với biến đổi khí hậu tham gia chương trình DPO.
Long An: Dự án 3 cầu trên đường tỉnh 827E.
Tiền Giang: Dự án tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa phận tỉnh Tiền Giang kết nối tỉnh Long An và tỉnh Bến Tre (giai đoạn 1).
Bến Tre: Dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển kết nối tỉnh Bến Tre với tỉnh Tiền Giang và Trà Vinh.
Trà Vinh: Dự án xây dựng tuyến đường hành lang ven biển trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.
Vĩnh Long: Hoàn thiện đê bao sông Măng Thít (giai đoạn 2) - Kè sông Hậu đoạn qua thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu.
Hậu Giang: Xây dựng các tuyến đường bộ nhằm cải thiện liên kết vùng Đông Nam của tỉnh Sóc Trăng và kết nối với tỉnh Bạc Liêu, Trà Vinh.
Sóc Trăng: Xây dựng các tuyến đường bộ nhằm cải thiện liên kết vùng Đông Nam của tỉnh Sóc Trăng và kết nối với tỉnh Bạc Liêu, Trà Vinh.
An Giang: Xây dựng hệ thống hồ trữ ngọt gắn với hạ tầng thủy lợi phục vụ liên kết sản xuất tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên.
Đồng Tháp: Hạ tầng đường bộ khu vực nam sông Tiền, tỉnh Đồng Tháp.
Kiên Giang (2 dự án): Dự án đầu tư xây dựng đường bộ ven biển kết nối tỉnh Kiên Giang với tỉnh Cà Mau và dự án nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 963 đoạn quốc lộ 80 - Vị Thanh qua huyện Tân Hiệp và huyện Rồng Riềng nối với huyện Thới Lai, TP Cần Thơ.
Bạc Liêu: Dự án Đường ven biển đoạn đi qua tỉnh Bạc Liêu và đoạn nhánh kết nối đường Nam sông Hậu
Cà Mau: Dự án đường ven biển đoạn đi qua tỉnh Cà Mau.
Đối với 2 Bộ, gộp chung các dự án vào 1 đề xuất. Cụ thể, Bộ GTVT: Dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 53, đoạn Long Hồ - Ba Si, thuộc tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh; dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 62, tỉnh Long An; dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 91B Nam sông Hậu. Bộ NN&PTNT: Cải tạo hệ thống kênh trục chính chuyển nước từ sông Hậu về bán đảo Cà Mau; cải tạo hệ thống kênh trục chính liên vùng, liên tỉnh khu vực giữa sông Tiền và sông Hậu; kết nối hệ thống thủy lợi Bảo Định - Gò Công - Tân Trụ.
Theo Báo Cần Thơ