Trình diễn vót đũa và đan võng tại nhà ông Lê Văn Tám.
Du lịch cồn Sơn được biết là điểm đến đậm chất văn hóa miệt vườn Nam bộ và sự độc đáo trong nếp sống của cộng đồng cư dân bản địa. Sau 5 năm hình thành và phát triển du lịch, cồn Sơn vẫn giữ được bản sắc với nhiều sản phẩm khác biệt: những “đặc sản cá” (cá lạ, cá lóc bay, cá ăn cơm bằng muỗng, cá săn mồi bằng nước bọt…), mâm cơm cộng đồng, thực đơn bay, làm bánh dân gian...
Mới đây, du lịch cồn Sơn cũng hoạt động trở lại sau dịch COVID-19 và chào đón du khách bằng diện mạo khác. Đó là chương trình “Cồn Sơn ngày mới” khai thác các yếu tố văn hóa của người dân xứ cồn, trong đó có tái hiện làng nghề truyền thống: vót đũa, đan võng, quết bánh phồng, làm cốm nổ… cùng trải nghiệm dân dã tát mương bắt cá trên cạn, ẩm thực thời khẩn hoang… Ông Lý Văn Bon, chủ bè cá Bảy Bon, nói: “Làm du lịch thì phải luôn đổi mới để mỗi lần du khách trở lại sẽ có cái mới để trải nghiệm, tăng sức hút với du khách gần xa”. Bè cá Bảy Bon tọa lạc ở cửa ngõ vào cồn Sơn, sở hữu nhiều loài cá lạ, được ví như bảo tàng sống về các loài cá nước ngọt ở sông Hậu và Mekong. Lần này, chú Bảy Bon huấn luyện đàn cá chép, tạo dịch vụ massage bằng cá có vẩy, mang đến trải nghiệm thú vị cho du khách khi ghé bè.
Bà Lê Thị Bé Bảy, thành viên trong cộng đồng du lịch cồn Sơn, chia sẻ: “Hoạt động du lịch trong thời gian qua gặp khó vì ảnh hưởng từ dịch COVID-19, nhưng người dân cồn Sơn xem đó là thách thức, cơ hội để thay đổi. Bằng chứng là người dân đã chủ động làm mới sản phẩm, dịch vụ. Điểm nhấn trong loạt sản phẩm này là chú trọng khôi phục các làng nghề truyền thống - điều mà chúng tôi luôn trăn trở suốt 5 năm qua, đến bây giờ mới chính thức đưa vào phục vụ du khách. Trong chương trình “Cồn Sơn ngày mới”, du khách có cơ hội trải nghiệm và xem nghệ nhân biểu diễn quết bánh phồng, đan võng, vót đũa. Bà Nguyễn Thị Năm, người trình diễn quết bánh phồng, chia sẻ: “Gia đình làm nghề này cũng lâu rồi mà ngày nay ít làm, chỉ dịp giỗ chạp mới mang cối ra quết. Thấy mấy đứa nhỏ làm du lịch, tìm cách khôi phục nghề truyền thống thì mình cũng tham gia, coi như góp công góp sức cho cộng đồng”. Trong khi đó, ông Lê Văn Tám, hộ dân tham gia vót đũa, đan võng, hồ hởi nói: “Nghề truyền thống thủ công khá cực nên ngày nay ít ai còn giữ. Tụi tui làm để thế hệ sau này còn biết những cái đơn giản, bình thường này từ đâu mà có và hiểu hơn về cuộc sống của dân mình khi xưa”.
Trải nghiệm tát mương bắt cá, chụp ếch trên cạn tại nhà anh Trần Minh Đạt.
Những người làm du lịch ở cồn Sơn, đúng kiểu chơn chất, mộc mạc của người Nam bộ. Khi du khách hỏi hay thắc mắc gì họ đều tận tình chia sẻ, thi thoảng kể vài câu chuyện để khách có thể hình dung về nếp sống của người xưa. Ông Bùi Văn Hiếu, Giám đốc Benthanh Tourist Cần Thơ, cho rằng: “Du lịch cồn Sơn có nhiều đặc trưng, nhất là những sản phẩm mang nét văn hóa xứ cồn Nam bộ. Đối với doanh nghiệp chúng tôi thì những sản phẩm như thế này rất phù hợp trong tình hình tái hoạt động trở lại. Thực tế, du lịch nhiều nơi đang bị bão hòa và công nghiệp hóa nhiều, do đó để tìm một nơi còn nguyên vẹn “hồn xưa” thế này không dễ. Tại đây người dân không chỉ tái hiện những làng nghề thủ công mà còn sẵn sàng chia sẻ nét văn hóa. Đó là sự chân thật mà nhiều du khách muốn cảm nhận”. Đồng quan điểm, ông Huỳnh Đăng Khoa, Trưởng Phòng Sales và Marketing, công ty EST.TRAVEL, TP Hồ Chí Minh, nói: “Cần Thơ còn nhiều tiềm năng để phát triển du lịch trong tương lai. Các chuyến bay ở Cần Thơ đang dần tăng chuyến đón khách nội địa lẫn quốc tế, trong đó Bình Thủy là điểm rất tốt để đón khách vì gần sân bay, nhất là có điểm du lịch khác biệt như cồn Sơn. Thế hệ trẻ của cồn Sơn rất sáng tạo, biết cách tạo ra sản phẩm rất hay, không chỉ thu hút khách nội địa mà còn khách quốc tế, nhất là thị trường chúng tôi đang hướng tới là khách Nhật và châu Âu. Trong giai đoạn kích cầu du lịch như hiện nay, cần có những sản phẩm mới, dịch vụ mới và những trải nghiệm mới. Những sản phẩm mang tính trải nghiệm như thế này của cồn Sơn rất phù hợp trong giai đoạn tái khởi động”.
Thực tế, tại cồn Sơn, sau thế hệ của gia đình Năm Phước, Bảy Muôn, Năm Minh… làm du lịch, các bạn trẻ cũng “bắt nhịp”, trở lại quê nhà góp sức. Đó là anh Nguyễn Minh Chiến với đàn cá đút cơm bằng muỗng, hay anh Trần Minh Đạt với sản phẩm tát mương bắt cá, chụp ếch trên cạn. Mới đây chính là sản phẩm cốm cồn Sơn của anh Hồ Công Minh. Anh Hồ Công Minh chia sẻ: “Ban đầu mình tận dụng vườn hoa, cây trái lâu năm nuôi ong mật để cây trái của bà con sai hơn. Được 2 năm thì mình nhớ ra là có nghề làm cốm nổ của ông ngoại hồi xưa, nên có ý định khôi phục. Sau đó, kết hợp với mật ong nuôi trong vườn, làm nên cốm cồn Sơn, hy vọng sẽ góp phần nho nhỏ cho du lịch xứ cồn”. Cốm cồn Sơn giờ trở thành sản phẩm để du khách mua về làm quà cho người thân và bạn bè. Không chỉ có các hoạt động mới mà người dân cồn Sơn còn làm mới thực đơn, tái hiện ẩm thực thời khẩn hoang với nhiều món dân dã, mộc mạc đậm chất xưa.
Cồn Sơn là điểm đến mang lại nhiều trải nghiệm cho du khách về văn hóa miệt vườn, cộng đồng. Đây là sản phẩm độc đáo và khác biệt tại Cần Thơ, nhất là khi bà con cồn Sơn không ngừng nỗ lực làm mới, hoàn thiện các sản phẩm và đa dạng trải nghiệm cho du khách. Không ngừng sáng tạo nhưng vẫn giữ giá trị văn hóa bản địa chính là điều làm nên sức hút của cồn Sơn, góp phần làm cho du lịch Cần Thơ có điểm nhấn khác biệt.
Theo ÁI LAM (Báo Cần Thơ)