“Đòn bẩy” phát triển kinh tế tập thể

07/02/2025 - 09:30

Hợp tác xã nông nghiệp có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Do đó, thời gian qua tỉnh Hậu Giang đã tạo mọi điều kiện thúc đẩy kinh tế tập thể của địa phương phát triển, góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng đời sống của người dân.

Các HTX chuyên canh lúa luôn quan tâm đổi mới mô hình canh tác, nâng cao chất lượng để đáp ứng nhu cầu thị trường. Ảnh: T.TRÚC

Nâng cao chất lượng, mở rộng thị trường

Với diện tích hơn 50ha, HTX Mãng cầu xiêm Hòa Mỹ, ở xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, mỗi năm cung ứng cho thị trường hơn 1.000 tấn trái. Để nâng cao chất lượng sản phẩm phục vụ cho các hệ thống siêu thị và xuất khẩu, thời gian qua HTX đã tập trung xây dựng chứng nhận GlobalGAP mãng cầu của HTX. Sau khi đạt chứng nhận, các thành viên của HTX đã mở rộng quy mô sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm từ trái mãng cầu.

Như năm vừa qua HTX đã mạnh dạn xây dựng sản phẩm OCOP cho mãng cầu trái tươi, để làm tiền đề cho việc sản xuất trà mãng cầu và mãng cầu sấy dẻo trong những năm tiếp theo. Ông Phùng Văn Rở, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Mãng cầu xiêm Hòa Mỹ, ở huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Năm qua, mãng cầu xiêm có giá nên tạo điều kiện thuận lợi cho các xã viên mở rộng diện tích, đầu tư để cải thiện chất lượng sản phẩm. Từ đó cũng tạo điều kiện cho HTX từng bước thực hiện mục tiêu phát triển thêm các sản phẩm sau chế biến từ trái mãng cầu”.

Còn HTX Kỳ Như, đang là một trong những HTX làm ăn có hiệu quả của tỉnh Hậu Giang, HTX có 51 thành viên, tăng 40 thành viên so với thời điểm cách đây 5 năm, tổng vốn điều lệ hơn 10,5 tỉ đồng. Hiện HTX đã mở rộng quy mô sản xuất từ 3ha lên 15ha, chuyên sản xuất cá giống và nuôi các loại thủy sản; sơ chế, chế biến sản phẩm từ các loại thủy sản; cung cấp con giống, thức ăn, thuốc thủy sản; sơ chế, chế biến sản phẩm từ thực vật như rau, củ, quả, trà mãng cầu, trà khổ qua… Hiện nay, HTX sản xuất 20 loại sản phẩm chế biến khác nhau từ cá thát lát như khổ qua rừng nhân chả cá thát lát, bao tử cá ba sa nhồi chả thát lát, bánh phồng cá thát lát... Trong đó, có 10 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao và 1 sản phẩm đạt 5 sao. Mục tiêu của HTX trong năm 2025 và những năm tiếp theo là tiếp tục cho ra những sản phẩm mới, xây dựng vùng nguyên liệu để đáp ứng đơn đặt hàng lớn từ các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Bà Nguyễn Kim Thùy, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Kỳ Như, cho biết: “Thời gian tới sẽ tập trung nghiên cứu thị trường để biết sản phẩm của mình nằm ở phân khúc nào, từ đó HTX tập trung sản xuất để cung ứng, có như vậy thì sản phẩm của mình mới tiếp cận được với người tiêu dùng”.

Huyện Phụng Hiệp hiện có 61 HTX với 1.618 thành viên, tạo việc làm cho 1.892 lao động, vốn điều lệ 96 tỉ đồng. Và 170 tổ hợp tác với 4.860 thành viên, vốn góp 6,83 tỉ đồng và 14 câu lạc bộ sản xuất nông nghiệp. Trong đó có 4 HTX tham gia Đề án phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 gồm: HTX Kỳ Như, ở xã Thạnh Hòa; HTX Mãng cầu xiêm Hòa Mỹ, ở xã Hòa Mỹ, HTX Trung Hiếu Phát, ở xã Hòa An; HTX Dưa lưới Thuận Phát, ở xã Bình Thành. Theo đó, mỗi HTX được hỗ trợ tối đa 12,5 tỉ đồng để nạo vét hệ thống thủy lợi, quy hoạch xây dựng vùng sản xuất, xây dựng nhà xưởng, trang thiết bị kỹ thuật, máy móc và quy trình sản xuất.

Đề án phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 được triển khai với mục tiêu xây dựng ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang phát triển bền vững với quy mô sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng cao, thông qua các mô hình HTX nông nghiệp, từng bước hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, sơ chế và chế biến, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, cho biết: Các HTX ở huyện Phụng Hiệp thời gian qua hoạt động theo quy định mới thì rất tốt và đạt hiệu quả cao. Công tác quản trị có nhiều đổi mới trong quá trình lãnh đạo và phát triển thêm các loại hình dịch vụ. Bởi đây là xu thuế phát triển phù hợp với nền nông nghiệp 4.0, vì tới đây nông dân làm ra các nông sản phải thông qua HTX để tiêu thụ, do đó người dân vào HTX ngoài việc được sự hỗ trợ của Nhà nước còn được HTX giải quyết đầu ra nông sản.

Sản phẩm cá thát lát của HTX Kỳ Như đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành trong nước. Ảnh: T.TRÚC

Tiếp tục hỗ trợ HTX phát triển

Theo Sở NN&PTNT tỉnh, tổng nhu cầu vốn thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025 là 618,826 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương hỗ trợ 85 tỉ đồng, ngân sách địa phương 389,926 tỉ đồng, vốn tư nhân (HTX, doanh nghiệp) là 143,9 tỉ đồng. Trong năm 2024, triển khai thực hiện theo kế hoạch của UBND tỉnh với số vốn được phân bổ 97,344 tỉ đồng, trong đó vốn sự nghiệp là 6,317 tỉ đồng, vốn đầu tư công là 84,269 tỉ đồng, vốn hỗ trợ sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi là 6,758 tỉ đồng.

Theo kế hoạch, tỉnh sẽ xây dựng 15 mô hình HTX và 3 liên hiệp HTX được đầu tư đồng bộ về kết cấu hạ tầng, máy móc, thiết bị và phát triển toàn diện, hoạt động hiệu quả. Ban đầu đã lựa chọn đủ 15 HTX và 3 liên hiệp HTX đáp ứng tiêu chí đầu vào để tham gia đề án như mục tiêu đề ra, tuy nhiên đã có 2 HTX xin không tham gia nữa và đã lựa chọn được 1 HTX khác thay thế. Đến cuối năm 2024, đã có 13/15 HTX và 2/3 liên hiệp HTX được Quyết định chủ trương đầu tư và bổ sung vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn (giai đoạn 2021-2025), 13 dự án đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm với tổng mức đầu tư 122,518 tỉ đồng. Trong đó, có 7 dự án đã khởi công, các dự án còn lại HTX đang hoàn thiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất và các huyện đang hoàn thiện các thủ tục để phê duyệt dự án. Bên cạnh đó, những HTX và liên hiệp HTX này còn được hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động, quản lý HTX và hỗ trợ sản xuất; hỗ trợ xây dựng mô hình cung ứng dịch vụ cơ giới hóa; xây dựng thí điểm mô hình kinh tế tuần hoàn; hỗ trợ HTX ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa gắn với đầu tư hệ thống kho tạm trữ, bảo quản, sơ chế và chế biến; xây dựng bản đồ nông hóa thổ nhưỡng phục vụ định hướng vùng sản xuất nông nghiệp.

Sở NN&PTNT tỉnh cho biết, trong năm 2025 tỉnh tiếp tục hỗ trợ, đầu tư xây dựng được các mô hình HTX kiểu mới điển hình để nhân rộng; hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng và hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý, trình độ chuyên môn cho cán bộ quản lý HTX. Xây dựng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu. Phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hộ gia đình và kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Xây dựng kế hoạch đẩy mạnh thực hiện các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị. Củng cố, nâng chất hình thành nên các HTX, liên hiệp HTX đủ mạnh thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ với doanh nghiệp. Thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ lãi suất cho HTX vay vốn tín dụng của Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã tỉnh và ngân hàng thương mại để HTX hoạt động kinh doanh...

Từ việc mạnh dạn, kiên trì đổi mới hoạt động, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, sự hỗ trợ đầu tư của tỉnh nên nhiều HTX trên địa bàn tỉnh đã nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành, làm ăn khấm khá, số lượng thành viên gia tăng, quy mô, diện tích sản xuất mở rộng. Đồng thời, tạo được sức hút để người dân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia liên kết, góp phần thúc đẩy khu vực kinh tế tập thể, HTX phát triển.

Đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có 718 tổ hợp tác nông nghiệp (tăng 37 tổ hợp tác so với năm 2023) với 10.995 thành viên, 4 liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp với 70 thành viên và 245 HTX nông nghiệp (tăng 14 HTX so với năm 2023) với 6.621 thành viên.

Theo Báo Hậu Giang