
Khu căn cứ Tỉnh ủy Bạc Liêu (huyện Hồng Dân). Ảnh: N.Q
Di tích quốc gia đặc biệt
Khu căn cứ Tỉnh ủy Bạc Liêu (Khu căn cứ Cái Chanh) nằm sâu trong xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân vừa được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt vào ngày 31/12/2020, sau 9 năm được Bộ VH-TT&DL công nhận là di tích lịch sử quốc gia. Nơi đây, thời kháng chiến chống Pháp là căn cứ của Xứ ủy Nam Bộ, giai đoạn 1949 - 1951. Đến thời kỳ chống Mỹ cứu nước, Tỉnh ủy Bạc Liêu đã chọn vùng đất này làm căn cứ từ năm 1973 - 1975.
Sau khi Khu căn cứ Tỉnh ủy trở thành di tích lịch sử quốc gia, tỉnh đã phục dựng, tái hiện lại một số công trình, địa điểm trú đóng và hoạt động của Xứ ủy Nam Bộ và Tỉnh ủy Bạc Liêu. Từ khi di tích được đầu tư phục dựng và tái hiện nhiều hạng mục, công trình có ý nghĩa lịch sử, Đảng bộ và quân dân tỉnh Bạc Liêu thường xuyên tổ chức về nguồn, sinh hoạt văn hóa, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ vào các dịp lễ kỷ niệm của dân tộc.
Giờ đây, Khu căn cứ Tỉnh ủy đã là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, đó là niềm vinh dự, tự hào lớn của Đảng bộ, Nhân dân tỉnh nhà, trong đó có tập thể quản lý di tích, đồng bào huyện Hồng Dân. Bạn Tuyền, nhân viên quản lý di tích, bày tỏ: “Để giữ gìn, phát huy di tích, tập thể nhân viên nơi đây sẽ phấn đấu nhiều hơn, không ngừng học tập, trau dồi kiến thức, kỹ năng để phục vụ khách tham quan, có những sáng kiến kinh nghiệm mới, phù hợp, góp phần phát huy giá trị di tích”.
Du lịch truyền thống lịch sử
Từ trung tâm huyện lỵ Hồng Dân về Khu căn cứ Tỉnh ủy có thể đi bằng ô tô, mất chưa đến nửa giờ. Tháng 9/2017, tuyến đường ô tô từ thị trấn Ngan Dừa về đây đã được thông xe, nó là niềm mơ ước bao đời của người dân địa phương. Tuyến đường đưa vào sử dụng đã rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển từ trung tâm huyện về xã Ninh Thạnh Lợi và di tích cách mạng. Ngoài ra, nó cũng mở ra cơ hội phát triển cho vùng sản xuất lúa - tôm rộng lớn từ xã Lộc Ninh đến xã Ninh Thạnh Lợi và hoạt động du lịch trải nghiệm kết hợp giáo dục truyền thống, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vùng quê anh hùng. Nếu năm 2016, có 16 đoàn khách và một số khách lẻ đến tham quan di tích, thì sau khi có con đường, lượng khách đoàn và khách lẻ về “địa chỉ đỏ” đã tăng lên nhiều.
Trở lại với các bạn trẻ của Công ty Địa ốc, sau khi tham quan di tích, họ đã hiểu hơn về giá trị của cuộc sống mà mình đang có và sự gắn bó máu thịt giữa Đảng và Nhân dân địa phương. Các cơ quan và cán bộ Xứ ủy Nam Bộ lúc bấy giờ đều sống chung với dân, ăn ở và làm việc trong nhà dân, được dân thương yêu và đùm bọc như người thân. Truyền thống này tiếp tục được tỏa sáng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Căn cứ địa cách mạng trong lòng dân đảm bảo thắng lợi cho cuộc kháng chiến chống Pháp, đánh Mỹ - ngụy, nhưng điều quan trọng là đã giác ngộ ý thức cách mạng cho người dân vùng căn cứ, xây dựng con người mới, xã hội mới.
Rời Khu căn cứ Cái Chanh, các bạn cùng đoàn viên Báo Bạc Liêu và cán bộ địa phương ghé một quán lá nhỏ dùng cơm trưa, với nhiều món ăn dân dã, đã từng nuôi cán bộ kháng chiến suốt hai thời kỳ chống giặc ngoại xâm. Đọt choại luộc, bông súng “ma” chấm với mắm cá trắm cỏ chưng, ăn cùng cơm khiến mọi người xuýt xoa ăn lấy, ăn để. Trên đường trở lại Bạc Liêu, nhóm phượt ghé vãng cảnh chùa Kos Thum - ngôi chùa Khmer cổ kính, có công với cách mạng, tìm hiểu nghề dệt chiếu, nghè rèn lâu đời của thị trấn Ngan Dừa.
Chuyến đi phượt của nhóm bạn nêu trên có thể là gợi ý cho nhiều người muốn tìm hiểu về đất và người Hồng Dân, một vùng đất giàu truyền thống cách mạng, đa dạng văn hóa, phong cảnh hữu tình. Địa phương đang quan tâm, phát triển và quảng bá du lịch văn hóa - lịch sử và du lịch sinh thái, với những tua tuyến về làng hoa, cây ăn trái, làng nghề ở xã Ninh Hòa và thị trấn Ngan Dừa; tuyến du lịch sinh thái từ Ngan Dừa - Vĩnh Lộc - Vĩnh Lộc A - Vàm Chắc Băng.
Theo NGHĨA LẬP (Báo Bạc Liêu)