2018 - năm trọng điểm phát triển du lịch An Giang

26/02/2018 - 08:19

 - An Giang là tỉnh đầu nguồn ĐBSCL, được thiên nhiên ưu đãi nhiều thắng cảnh, có đồng bằng, rừng núi, biên giới... Bên cạnh đó, An Giang có nhiều di tích lịch sử - văn hóa (VH), có tín ngưỡng thờ mẫu nổi tiếng khắp cả nước, có dãy Thất Sơn hùng vĩ, huyền bí và 4 dân tộc anh em (Kinh, Khmer, Chăm, Hoa). Từ đó, tạo ra những giá trị VH vật thể và phi vật thể phong phú, đa dạng, làm tiền đề phát triển các loại hình du lịch (DL).

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình: “Xác định DL là ngành kinh tế mũi nhọn, thời gian qua, UBND tỉnh An Giang đã ban hành chương trình hành động về phát triển hạ tầng DL giai đoạn từ nay đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.

Việc ban hành chương trình hành động nhằm đưa ngành DL An Giang phát triển một cách chuyên nghiệp, bền vững và đóng góp vào GRDP của tỉnh nhiều hơn”.

Rừng tràm Trà Sư. Ảnh: THANH HÙNG

Mục tiêu đề ra của tỉnh đến năm 2020 là “vừa thu hút, vừa giữ chân du khách”. Theo đó, tập trung đưa DL thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, với tỷ trọng đóng góp trực tiếp trong GRDP là 8,8% và đón trên 10 triệu lượt khách (trong đó khách lưu trú chiếm 20%); có ít nhất 1 khu DLVH tâm linh hỗn hợp quy mô lớn; có nhà hàng, khách sạn đạt chuẩn 3-4 sao; có các khu vui chơi, giải trí quy mô vừa; khai thác tốt tuyến DL kết nối nội - ngoại vùng và tuyến DL xuyên biên giới Việt Nam - Campuchia - Thái Lan - Lào.

Giai đoạn 2021-2025, tỉnh đề ra mục tiêu là “giữ chân du khách”, phấn đấu tăng tỷ lệ đóng góp trực tiếp của ngành DL khoảng 15,3%; lượng khách bình quân tăng 5%/năm, đến năm 2025 sẽ đón 12,9 triệu lượt khách. Đồng thời, có thêm ít nhất một khu DLVH tâm linh hỗn hợp quy mô lớn; có nhà hàng, khách sạn đạt chuẩn 5 sao; có khu vui chơi, giải trí quy mô lớn tại các khu DL trọng điểm và TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc.

Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam. Ảnh: THU THẢO

Ông Nguyễn Thanh Bình phấn khởi cho biết: “Với những tiềm năng sẵn có cùng sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt, sự nỗ lực của các cấp, các ngành đã góp phần thúc đẩy lượng khách DL đến An Giang tăng trưởng ổn định (năm sau cao hơn năm trước).

Theo đó, năm 2017, ngành DL đã đóng góp rất lớn vào GRDP của tỉnh, với doanh thu trên 3.700 tỷ đồng (tăng 16% so với năm trước và đạt 109% so kế hoạch). Đã đón 7,3 triệu lượt khách (tăng 12% so năm 2016, đạt 107% kế hoạch), trong đó có 600.000 lượt khách lưu trú, lữ hành (đạt 100% kế hoạch) và 75.000 lượt khách quốc tế. Với sự đóng góp và tăng trưởng đó, năm 2017, DL An Giang đã đứng thứ nhì trong khu vực ĐBSCL (sau Kiên Giang)”.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, để phát huy những tiềm năng, lợi thế sẵn có, đưa DL trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, năm 2018, tỉnh chọn là năm trọng điểm phát triển DL An Giang. Theo đó, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình phát triển hạ tầng DL giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025. Trong đó quan tâm, tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng DL, nhất là tại các điểm đến trọng điểm (TP. Châu Đốc, Thoại Sơn, Tịnh Biên…).

Trước mắt, phối hợp các sở, ngành và TP. Châu Đốc thực hiện tốt công tác chuẩn bị lễ công bố Khu DL núi Sam là Khu DL cấp quốc gia; hoàn chỉnh thủ tục công nhận cù lao Ông Hổ (xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên) là điểm DL quốc gia.

Chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo an toàn an ninh, môi trường DL an toàn, thân thiện. Mặt khác, kiên quyết chấn chỉnh và xử phạt những hành vi sai phạm, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh DL An Giang. Cùng với đó, tập trung đầu tư cơ sở vật chất - kỹ thuật đồng bộ, hiện đại và phát triển các sản phẩm có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc VH dân tộc, cạnh tranh được với các nước trong khu vực và thế giới, nhất là tại các điểm, vùng DL trọng điểm.

Tập trung hoàn chỉnh các quy hoạch phát triển DL; ban hành chính sách hỗ trợ sau đầu tư trong lĩnh vực DL trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm DL mới để thu hút du khách. Đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến và liên kết DL. Lựa chọn, tham gia các hoạt động, sự kiện DL tại các thị trường tiềm năng để quảng bá hình ảnh quê hương, đất nước, con người An Giang đến với du khách trong và ngoài nước.

Tăng cường kêu gọi đầu tư để xây dựng các khu vui chơi, giải trí quy mô lớn, hiện đại gắn với phát triển các dịch vụ ăn uống, mua bán sản phẩm DL, các sản phẩm tiêu dùng cần thiết. Tập trung nguồn lực đầu tư cho DL, ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng viễn thông, hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển DL.

Trong đó, thu hút đầu tư từ nguồn xã hội hóa vào lĩnh vực xây dựng các khu vui chơi, giải trí quy mô lớn, hiện đại, gắn phát triển các dịch vụ ăn uống, mua sắm sản phẩm, dịch vụ tại các khu, điểm DL để “giữ chân” du khách. Đồng thời, quan tâm đào tạo và phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển DL nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế ngày càng phát triển của ngành.

THU THẢO