An Giang :“Dấu ấn” đua bò tốc độ

07/06/2018 - 08:04

 - Dù được tổ chức trong khuôn khổ Hội chợ Thương mại quốc tế Tịnh Biên - An Giang 2018 nhưng Giải đua bò tốc độ (ĐBTĐ) thật sự là “điểm nhấn” thu hút đông đảo người dân địa phương. Với nhiều người đam mê đua bò truyền thống (ĐBTT) thì ĐBTĐ thật sự là sân chơi mới lạ nhưng không kém phần hấp dẫn.

Khoảng 6 giờ sáng, ông Chau Sươl (ngụ xã An Cư, Tịnh Biên) hớn hở dẫn đôi bò của mình “hội quân” ở khu vực thi đấu của Giải ĐBTĐ tại Khu công nghiệp Xuân Tô (thị trấn Tịnh Biên, Tịnh Biên) khi những lớp sương còn đọng trên bờ cỏ. Trước giải đấu khoảng nửa tháng, ông Chau Sươl đã chủ động cho đôi bò của mình nghỉ ngơi, không tham gia lao động nhằm đảm bảo thể lực tốt nhất.

“Muốn cho bò có sức khỏe tốt, quan trọng nhất là phải cho ăn đủ cỏ và bồi dưỡng thêm chế độ mỗi ngày 2 quả trứng pha rượu để tăng cường sức bền. Ngày thường, đôi bò này đi rẫy với tôi nên mình thương nó. Tôi đã tham gia chơi ĐBTT từ rất lâu nên cũng muốn thử sức ở sân chơi “tốc độ” này. Năm trước, vì chưa quen với cách đua trên sân cát khô nên thành tích không cao. Năm nay, tôi ráng đạt thứ hạng tốt hơn” - Chau Sươl chia sẻ.

Tranh tài quyết liệt

Không như ĐBTT, ĐBTĐ được tổ chức trên sân cát khô nên có nhiều khó khăn, thử thách hơn với người điều khiển. Với ĐBTT, các đôi bò sẽ tranh tài trên đường đua ngập nước trên cự ly khoảng 400m. Do đó, khán giả sẽ được chứng kiến những màn so kè quyết liệt trong làn nước bắn tung tóe. Ngược lại, ĐBTĐ thực sự là những cuộc “nước rút” ngoạn mục ở cự ly 120m mang đến cảm xúc mạnh cho khán giả.

Chứng kiến các đôi bò thi đấu, chúng tôi như bị cuốn theo những lớp bụi mù do chúng tạo nên. Quả thật, với cự ly ngắn và đòi hỏi kỹ năng bứt tốc cao, những đôi bò hầu như không cần bài bản thi đấu mà chỉ tập trung vào yếu tố “nước rút”. Do đó, các “tài xế” phải thực sự dũng cảm và nhanh nhẹn mới có thể điều khiển đôi bò về đích như ý muốn.

Giám đốc Trung tâm Thể dục - Thể thao huyện Tịnh Biên Nguyễn Văn Xưa cho biết: “Việc tách bạch đường đua riêng giữa 2 đôi bò sẽ không xuất hiện những tình huống “đạp bừa” của đối thủ để chiếm thế thượng phong mà chỉ có 1 đích đến duy nhất nhằm xác định thắng thua. Do đó, yếu tố ưu tiên ở đây phải là độ nhanh chứ không phải sức bền hay bài bản như ĐBTT. Có những đôi bò là đương kim vô địch ở đường đua truyền thống nhưng lại thi đấu không thành công ở sân chơi tốc độ này”.

Với ĐBTĐ, việc chụp ảnh của phóng viên rất khó khăn bởi bụi mù và bò chạy rất nhanh. Việc đứng cuối đường đua ghi ảnh cũng là thử thách, bởi đó là thời điểm các đôi bò tung hết sức để chiến thắng, tạo nên tốc độ sẽ đạt đến đỉnh điểm. Xen lẫn tiếng thét lanh lảnh của các “tài xế” là tiếng hò reo vang dội của khán giả.

Với người dân Bảy Núi, đua bò đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu nên dù sự kiện diễn ra thời điểm nào thì lượng người đến cổ vũ rất đông. Nếu trong quá trình đua, có “tài xế” nào ngã xuống bừa mà leo lên được để tiếp tục thì sẽ nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt từ người xem, bởi đó là một kỳ tích thực sự.

Vì đã quen nhau từ các giải đua bò trước đây, nên những người điều khiển bò hiểu rất rõ trình độ của nhau. “Trong cuộc đua, ngoài đôi bò tốt còn phải tính đến “tài xế”. Nếu không có kinh nghiệm thì họ khó lòng điều khiển đôi bò đang “hăng máu” về đến đích an toàn, nhất là khi chúng chạy với tốc độ nhanh hơn nhiều so với đường đua ngập nước. Ngoài ra, việc hiểu được trình độ của đối phương giúp cho “nài bò” có cách thi đấu hợp lý để chiến thắng dù thời gian mỗi cuộc đua là rất ngắn” - ông Chau Chanh Ra, một chủ bò tham gia giải năm nay bật mí.

Dù có phân định thắng thua nhưng ý nghĩa của bộ môn đua bò lại nằm ở sự đề cao tinh thần đoàn kết, siêng năng lao động sản xuất của người dân Bảy Núi, đồng thời giá trị quý nhất mà nó mang lại chính là sự hào hứng, vui tươi cho những người tham gia và khán giả khi trải qua những vòng đua quyết liệt.

Dù chỉ mang tính phục vụ cho người dân khi đến với Hội chợ Thương mại quốc tế Tịnh Biên - An Giang 2018 nhưng Giải ĐBTĐ thật sự đã mang đến những trải nhiệm tuyệt vời cho khán giả bởi yếu tố hấp dẫn, mới lạ từ bộ môn thể thao truyền thống này.

Giải đấu là cơ hội để các chủ bò, các “tài xế” được trải nghiệm một cách đua mới, qua đó hoàn thiện kỹ năng thi đấu cho đôi bò của mình. Đây là hoạt động thiết thực, cần được tổ chức lâu dài hơn để đua bò Bảy Núi tiếp tục là bộ môn thể thao mang đậm tính văn hóa vùng miền.

Giải đua bò tốc độ năm 2018 có sự tham gia của 30 đôi bò đến từ huyện Tịnh Biên. Sau 30 trận đua hấp dẫn, đôi bò của ông Phạm Văn To (thị trấn Tịnh Biên) đạt giải nhất, các đôi bò của ông Nguyễn Thanh Sang (xã An Nông) và đôi bò của ông Lê Văn Phân (thị trấn Tịnh Biên) lần lượt xếp hạng nhì và ba.

 

THANH TIẾN