An Giang: Khơi dậy tiềm năng du lịch Tri Tôn

24/05/2018 - 08:10

 - Với đặc thù đồi núi kết hợp đồng bằng, cảnh đẹp tự nhiên kết hợp di tích lịch sử cách mạng hào hùng, món ăn ngon kết hợp con người hiền hòa, chân chất, Tri Tôn (An Giang) có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch (DL). Thông qua Nghị quyết về phát triển DL giai đoạn 2018 - 2020 và định hướng đến năm 2030, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Tri Tôn đặt quyết tâm và kỳ vọng rất lớn vào ngành “công nghiệp không khói”.

Tiềm năng chưa đánh thức

An Giang vốn nổi tiếng với dãy Thất Sơn huyền bí, gồm 4 ngọn núi trên địa bàn huyện Tri Tôn là Thủy Đài sơn (núi Nước), Liên Hoa sơn (núi Tượng), Ngọa Long sơn (núi Dài lớn), Phụng Hoàng sơn (núi Cô Tô) và 3 ngọn núi trên địa bàn huyện Tịnh Biên là Ngũ Hồ sơn (núi Dài Năm Giếng), Anh Vũ sơn (núi Ông Két), Thiên Cấm sơn (núi Cấm).

Hiện nay, ngoại trừ núi Cấm được đầu tư khai thác DL khá tốt, phần lớn các ngọn núi còn lại vẫn chưa được đánh thức hết tiềm năng, đặc biệt là các ngọn núi trên địa bàn huyện Tri Tôn. Với núi Nước (cao 20m) và núi Tượng (cao 145m), tuy là 2 ngọn núi nhỏ nhất trong dãy Thất Sơn nhưng lại gắn liền với lịch sử khai hoang, lập làng của Đức Bổn sư Ngô Lợi thời kháng chiến chống Pháp, gắn với nhà mồ Ba Chúc - chiến tích tội ác của bọn diệt chủng Polpot trong chiến tranh biên giới Tây Nam.

Trong khi đó, núi Dài lớn (cao 580m, dài 8.000m) là ngọn núi dài nhất trong dãy Thất Sơn, tiềm năng phát triển DL sinh thái rất tốt khi đã hình thành được các vườn trái cây đặc sản, đã xây dựng xong hồ chứa nước Ô Tà Sóc cùng những hồ nước trên núi. Đối với Phụng Hoàng Sơn (cao 614m, dài 5.800m), ngay tên gọi đã hấp dẫn bởi núi có dáng đẹp như chim phụng.

Bên cạnh địa danh đồi Tức Dụp (gắn liền chiến tích hào hùng trong kháng chiến chống Mỹ với tên gọi “ngọn đồi 2 triệu đô-la”), dưới chân núi còn có hồ Soài So nên thơ, được tích nước từ nguồn suối Vàng huyền bí. Phụng Hoàng sơn có địa thế tuyệt đẹp, sơn thủy hữu tình, nằm gần trung tâm huyện Tri Tôn nên tiềm năng phát triển DL rất lớn.

Tiềm năng du lịch Tri Tôn còn rất lớn

Tiềm năng du lịch Tri Tôn còn rất lớn

Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Men Sây Ma cho biết, cùng với 4 ngọn núi trong dãy Thất Sơn huyền bí, Tri Tôn còn có những ngọn núi, đồi, địa danh nổi tiếng khác như: núi Nam Quy, đồi Tà Pạ, nhà mồ Ba Chúc, chùa Tam Bửu - Phi Lai, chùa Vân Long, chùa Bồng Lai, chùa Xà Tón... Tri Tôn có nhiều món ẩm thực ngon như: bánh canh Lò Rèn, bánh canh bột xắt, cháo bò…

Chào đón các nhà đầu tư

Những năm gần đây, lượng du khách đến Tri Tôn ngày càng tăng. Năm 2017, huyện thu hút hơn 560.000 lượt khách đến tham quan. Tuy nhiên, mức tăng trưởng bình quân 4,5%/năm là chưa tương xứng với tiềm năng. Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Phan Văn Sương cho biết, cùng với nông nghiệp, Tri Tôn xác định DL là 1 ngành kinh tế động lực, mũi nhọn để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững.

Mới đây, Huyện ủy Tri Tôn đã ban hành Nghị quyết về phát triển DL giai đoạn 2018 - 2020 và định hướng đến năm 2030. Hiện nay, huyện đang tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hành động để tạo ra sự chuyển biến về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, sản phẩm DL, thu hút đầu tư DL...

Để phục vụ tốt công tác quảng bá, xúc tiến kêu gọi đầu tư vào DL, huyện sẽ tiến hành xây dựng logo, glogan (thông điệp), thương hiệu DL gắn với hình ảnh chủ đạo đặc trưng, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, môi trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, bình đẳng, thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh DL. Cùng với hỗ trợ phong trào khởi nghiệp kinh doanh DL, huyện còn khuyến khích doanh nghiệp sáng tạo, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm DL phù hợp với thị hiếu, tâm lý khách DL.

Ông Sương cho biết, khi DL phát triển, cộng đồng cùng được hưởng lợi. Do vậy, huyện đang hướng đến xây dựng mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và người dân là 1 “đại sứ DL”, 1 hướng dẫn viên DL để giới thiệu về quê hương, địa danh, nét độc đáo văn hóa dân tộc, sản phẩm đặc trưng vùng miền của huyện.

“Mỗi người thực hiện mời gọi ít nhất một người bạn, người thân hay đối tác ngoài huyện về đầu tư, tham quan DL ở Tri Tôn. Từ đó, tạo sự lan tỏa sâu rộng, tích cực quảng bá về DL của huyện” - ông Sương lưu ý.

Dù có nhiều tiềm năng nhưng đến nay, Tri Tôn vẫn chưa nằm trong quy hoạch phát triển DL của tỉnh. Mong muốn của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện anh hùng này là cần được quan tâm đúng mức về DL để địa phương có điều kiện đầu tư cơ sở hạ tầng DL, giao thông kết nối, triển khai các chính sách ưu đãi đầu tư để hấp dẫn nhiều DN đến đánh thức tiềm năng ngành “công nghiệp không khói” của huyện.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN